.
PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH TIỀN GIANG TRẦN HOÀNG NHẬT NAM:

Tiền Giang phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới

Cập nhật: 08:46, 06/09/2023 (GMT+7)

Những năm qua, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã phát huy được tinh thần chủ động, sáng tạo của các ngành, các cấp và sự tích cực tham gia của người dân, doanh nghiệp.

Nói về những kết quả đạt được sau nửa nhiệm kỳ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam cho biết:

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng so với Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh. Cụ thể, có 19 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 79,2% kế hoạch; 30 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 54,55% kế hoạch; 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt 10% kế hoạch và 2 huyện được công nhận đạt chuẩn huyện NTM, đạt 33,33% kế hoạch.

Lũy kế đến nay, tỉnh Tiền Giang có 137/142 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 96,48%; trong đó, có 40 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 28,17%), 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 3 đô thị (TP. Mỹ Tho, TX. Cai Lậy và TX. Gò Công) được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 4 huyện (Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo, Cai Lậy) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.

* Phóng viên (PV): Trong quá trình thực hiện, việc xây dựng NTM Tiền Giang gặp phải khó khăn gì, thưa đồng chí?

* Đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn. Đó là đa phần mức độ đạt chuẩn các tiêu chí, chỉ tiêu ở các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM chỉ ở mức tiệm cận đạt (mức tối thiểu), nhưng một số địa phương sau khi được công nhận đã thiếu quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo để thực hiện việc duy trì, tiếp tục nâng chất các tiêu chí lên mức đạt cao hơn.

Thu hoạch thanh long ở huyện Chợ Gạo.                                                                                                Ảnh: HỒNG LÊ
Thu hoạch thanh long ở huyện Chợ Gạo. Ảnh: HỒNG LÊ

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát ở một số địa phương chưa được thường xuyên, thiếu sâu sát, hiệu quả chưa cao. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền ở cơ sở chưa thực sự tập trung trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc thực hiện.

Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM các cấp giai đoạn 2021 - 2025 được ban hành so với Bộ tiêu chí quốc gia về NTM các cấp giai đoạn 2016 - 2020 có thay đổi tăng rất nhiều chỉ tiêu để đánh giá, nội dung và mức độ đánh giá kết quả thực hiện của từng chỉ tiêu được nâng lên khá cao; để thực hiện đạt các tiêu chí, chỉ tiêu này đòi hỏi phải có thời gian, có lộ trình nhất định mới thực hiện đạt; đặc biệt là các tiêu chí hạ tầng cần phải có nguồn lực đầu tư rất lớn từ ngân sách.

Kinh tế nông thôn dựa vào sản xuất nông nghiệp, quy mô sản xuất nhỏ, tư duy sản xuất hàng hóa theo kinh tế thị trường còn hạn chế; nhận thức về lợi ích của việc liên kết, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, hợp tác xã chưa đầy đủ; chưa chú trọng đến việc sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm nông nghiệp.

Cơ chế, chính sách chưa đủ để khuyến khích, tạo động lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng hằng năm tuy có tăng, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

* PV: Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những giải pháp gì để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đề ra về xây dựng NTM, thưa đồng chí?

* Đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam: Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh là Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo quy định tại Quyết định 321 của Thủ tướng Chính phủ, với vai trò là cơ quan Thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện đồng thời nhiều giải pháp để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới như sau:

Một là, tiếp tục đổi mới, đa dạng hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, nhiệm vụ của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM trong giai đoạn phát triển mới; phát huy những thành tựu, bài học kinh nghiệm, cách làm hay từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện xây dựng NTM trong thời gian qua để học tập và nhân ra diện rộng.

Xây dựng NTM tạo nên bước chuyển biến về diện mạo nông thôn (trong ảnh: Tuyến đường xanh - sạch - đẹp ở xã Long Khánh, TX. Cai Lậy).
Xây dựng NTM tạo nên bước chuyển biến về diện mạo nông thôn (trong ảnh: Tuyến đường xanh - sạch - đẹp ở xã Long Khánh, TX. Cai Lậy).

Hai là, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, huyện, xem đây là khâu đột phá trong xây dựng NTM (giao thông, điện, viễn thông, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, nước sạch, trường học các cấp, trạm y tế xã, cơ sở vật chất văn hóa...), tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân.

Ba là, đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa đầu tư, huy động tối đa các nguồn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong và ngoài tỉnh; lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, dân cư với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả, hợp lý nguồn lực theo thứ tự ưu tiên; rà soát cơ chế, chính sách đã ban hành, tham mưu tỉnh ưu tiên bố trí nguồn lực cho các công trình, dự án đầu tư để các xã, huyện đủ điều kiện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Bốn là, tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực các hợp tác xã; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, từng bước kết nối chuỗi cung ứng nông sản; tổ chức lại sản xuất, phát triển mạnh kinh tế hợp tác - trang trại, trọng tâm là hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tiếp tục mời gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tăng cường năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng.

Năm là, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Tiền Giang chung sức xây dựng NTM” và Cuộc vận động ”Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; kịp thời tôn vinh, khen thưởng những cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho xây dựng NTM.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng NTM, tiếp tục phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đối với xây dựng NTM, nhất là xây dựng NTM nâng cao; phát huy quyền làm chủ của người dân ở cơ sở, tạo điều kiện để người dân tích cực tham gia các hoạt động giám sát, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

CAO THẮNG (thực hiện)

.
.
.