.

Bài toán nâng năng suất lúa để ứng phó biến đổi khí hậu tại ĐBSCL

Cập nhật: 20:12, 22/10/2023 (GMT+7)

Ở những những diện tích bị ảnh hưởng xâm nhập mặn không thể trồng lúa được, tăng năng suất lúa cũng là một giải pháp để nâng sản lượng lúa khi diện tích sản xuất bị thu hẹp.

Nông dân huyện Châu Thành (Kiên Giang) thu hoạch lúa Hè Thu. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN
Nông dân huyện Châu Thành (Kiên Giang) thu hoạch lúa Hè Thu. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Hiện nay, cây lúa đang đối diện với nhiều vấn đề lớn liên quan đến sản xuất và biến đổi khí hậu.

Khi cây lúa không còn cho lợi nhuận mà nông dân mong muốn, nhiều diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thêm vào đó, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn diễn biến ngày càng phức tạp, thì cây lúa càng bị đe dọa, bởi đây là loại cây trồng phụ thuộc vào nguồn nước, cũng như tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Chính vì vậy, bài toán nâng cao lợi nhuận cho người trồng lúa luôn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cũng như cộng đồng doanh nghiệp chế biến và kinh doanh lúa gạo quan tâm.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả nước có hơn 7 triệu ha sản xuất lúa cả 3 vụ; trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 3,8 triệu ha, tương đương hơn 53% tổng diện tích sản xuất lúa gạo của cả nước.

Tuy nhiên, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng là khu vực chịu tác động của biến đổi khí hậu rất lớn, đặc biệt là ảnh hưởng của xâm nhập mặn tác động mạnh mẽ lên diện tích trồng lúa.

Nếu thuận lợi được mùa, năng suất lúa được bảo đảm như kế hoạch đề ra của Bộ Nông nghiệp, nhưng nếu biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn diễn biến khốc liệt thì nhiều diện tích lúa bị mất trắng, có thời điểm 30% diện tích lúa Hè Thu của nông dân khu vực này mất trắng, ảnh hưởng đến thu nhập cũng như đời sống của đa số nông dân trong khu vực bị xâm nhập mặn tác động.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn, hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang định hướng phát triển theo hướng hiện đại, đa giá trị, sinh thái và minh bạch.

Thế nhưng, lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp hiện đang rút dần khỏi khu vực nông thôn, chuyển sang nhiều ngành nghề khác. Do đó, lao động sản xuất lúa gạo ngày càng ít đi, diện tích co hẹp, bắt buộc ngành lúa gạo phải có hướng chuyển đổi để phù hợp với các yêu cầu thực tế khách quan, chủ quan.

Trong đó, có nhiều hướng chuyển đổi để ngành lúa gạo giữ được vì thế hiện nay là ngành cung ứng lương thực cho cả nước và phục vụ cho xuất khẩu; đó là, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, giảm chi phí, công lao động, tạo ra giá trị cao.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu lúa gạo cũng cho rằng ngoài áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa gạo, việc tăng năng suất cũng là yếu tố đáng chú ý.

Nông dân huyện Châu Thành A (Hậu Giang) vệ sinh đồng ruộng xuống giống lúa Hè Thu. Ảnh: Duy Khương/TTXVN
Nông dân huyện Châu Thành A (Hậu Giang) vệ sinh đồng ruộng xuống giống lúa Hè Thu. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dương Vũ chia sẻ, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đang có đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh đến năm 2030.

Tuy nhiên, với diện tích thu hẹp như vậy thì cũng cần chú trọng vào việc lựa chọn giống lúa có thể tăng năng suất hơn so với trước đây. Khi năng suất tăng, thì người sản xuất lúa sẽ thu được lợi nhuận nhiều hơn sau khi trừ tất cả các chi phí dùng để sản xuất lúa gạo.

Đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo, nông dân tăng năng suất lúa cũng đồng nghĩa với tăng sản lượng, doanh nghiệp cũng thu mua được nhiều lúa gạo hơn để phục vụ cho xuất khẩu; đồng thời, với mức độ, diễn biến của biến đổi khí hậu hiện nay, rất nhiều giống lúa khó có thể thích ứng với độ mặn cao.

Vì vậy, những diện tích bị ảnh hưởng xâm nhập mặn không thể trồng lúa được, năng suất lúa tăng cũng là một giải pháp để nâng sản lượng lúa khi diện tích sản xuất bị thu hẹp.

Đồng bằng sông Cửu Long là địa phương sản xuất lúa lớn nhất cả nước, các địa phương sản xuất lúa lớn của khu vực này cũng đã áp dụng nhiều biện pháp, kĩ thuật sản xuất lúa giúp nông dân đạt kết quả tốt.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện được nhiều mô hình sản xuất lúa tiên tiến, như chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT).

Với mô hình này, lợi nhuận ròng tăng 30% so với canh tác truyền thống, chi phí lúa giống giảm 30-40%, chi phí phân bón giảm bình quân 35%, chi phí thuốc bảo vệ thực vật giảm 48% và lượng nước tưới cũng giảm.

Dựa vào kết quả đo đạc từ đồng ruộng, ước tính VnSAT đã giúp giảm khoảng 1,5 triệu tấn CO2/năm. Nếu dự án này được nhân rộng thì tiềm năng đóng góp vào mục tiêu giảm khí phát thải của quốc gia và của ngành là rất lớn.

Bên cạnh đó, nước áp dụng song song với các giống lúa cho năng suất cao, thì lợi nhuận của người trồng lúa sẽ càng được nâng cao hơn, giúp cho người sản xuất nước khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế từ cây lúa.

Dựa trên sự thay đổi này, lợi nhuận bình quân của nông dân ổn định và đạt trên 40% tổng doanh thu. Lượng gạo xuất khẩu thương hiệu Việt Nam chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 40% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

Về hiệu quả kinh tế, sự kết hợp thay đổi phương pháp sản xuất và cả sử dụng giống tăng năng suất, giúp giảm 20% chi phí sản xuất (tương đương 9.000 tỷ đồng/năm) khi chuyên canh 1 triệu ha (sản lượng 13 triệu tấn lúa).

Giá bán lúa dự kiến tăng 10% so với canh tác truyền thống. Nếu tính tổng thể 1 triệu ha (hay 13 triệu tấn lúa), ước lợi nhuận từ sản xuất lúa tăng khoảng 15.000 tỷ đồng, đại diện Cục Trồng trọt chia sẻ thêm.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/bai-toan-nang-nang-suat-lua-de-ung-pho-bien-doi-khi-hau-tai-dbscl/903590.vnp)

.
.
.