.
HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP Ở TIỀN GIANG:

Chú trọng nâng cao chất lượng nông sản

Cập nhật: 11:37, 21/10/2023 (GMT+7)

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, an toàn.

ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT AN TOÀN, GAP

 HTX Dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa tiên phong trong sản xuất lúa sạch.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa tiên phong trong sản xuất lúa sạch.

Sản xuất rau màu là một trong những thế mạnh của Tiền Giang. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được vùng rau an toàn với “đầu tàu” là các HTX. Nhờ sản xuất rau an toàn, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã có thị trường tiêu thụ ổn định, đảm bảo đầu ra cho thành viên.

HTX Rau an toàn Bình Nghị (xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông) hiện có hơn 30 ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ chất lượng nông sản được đảm bảo, HTX đã ký kết được hợp đồng cung ứng rau an toàn cho hệ thống cửa hàng, siêu thị lớn như: Bách Hóa Xanh, Big C... với hơn 100 tấn/tháng. Ông Võ Thành Công, Giám đốc HTX cho biết: “Sản xuất rau an toàn giúp thành viên có thu nhập ổn định, không sợ việc giá lên xuống và đầu ra bấp bênh như trước. Chất lượng là yếu tố hàng đầu trong quá trình sản xuất của HTX. Do đó, HTX luôn kiểm tra, nhắc nhở các thành viên đảm bảo quy trình sản xuất an toàn”.

Nhận thấy việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có nhiều ưu điểm, HTX Nông nghiệp Mỹ Lợi A (huyện Cái Bè) đã thành lập Tổ Sản xuất vú sữa VietGAP để phổ biến, nhân rộng mô hình. Tổ Sản xuất vú sữa VietGAP có 20 thành viên với khoảng 12 ha trồng vú sữa. Sau khi đã khẳng định được chất lượng, HTX đã tích cực tìm kiếm thị trường và ký kết được hợp đồng cung ứng vú sữa cho các cửa hàng trái cây sạch tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, TP. Hà Nội, tỉnh Bình Định… và một số siêu thị.

Các HTX trên địa bàn tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng nông sản.
Các HTX trên địa bàn tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng nông sản.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa (xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông) là một trong những đơn vị tiên phong ở tỉnh trong sản xuất lúa sạch. Ngoài sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, HTX còn kết hợp với mô hình sản xuất lúa sạch (không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật). Hiện diện tích sản xuất lúa sạch của HTX khoảng 80 ha, săng suất từ bằng đến hơn so với sản xuất truyền thống. Hiện có 3 doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm lúa sạch của HTX và đầu tư phân bón lá miễn phí cho nông dân. Nông dân bán lúa với giá cao hơn thị trường 300 đồng/kg, góp phần tăng lợi nhuận cho thành viên.

Hay tại địa bàn huyện Châu Thành, những năm gần đây, các HTX trên địa bàn huyện Châu Thành đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Nguyễn Hữu Thoại, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Tân Hương, HTX hiện tại đăng ký 3 ha với 7 thành viên sản xuất dừa theo tiêu chuẩn VietGAP. Tới đây, HTX sẽ vận động thành viên mở rộng diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP và xây dựng mã số vùng trồng để liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành, toàn huyện có 22 mô hình VietGAP/22 HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện gắn với cây trồng chủ lực của địa phương là cây ăn trái và rau màu. Định hướng trong thời gian tới, Phòng NN&PTNT sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện tuyên truyền, vận động người dân đăng ký tham gia mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; chuyển giao khoa học - kỹ thuật để sản xuất nông sản an toàn.

HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT, KẾT NỐI ĐẦU RA

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình sản xuất đạt chuẩn GAP, góp phần rất lớn trong sản xuất an toàn. Đây được xem là mô hình sản xuất bền vững trong tương lai gắn liền với HTX, tổ hợp tác kiểu mới. Đồng thời, loại bỏ được các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng, giúp tăng giá trị gia tăng cho từng mặt hàng, nhất là tăng tính chuyên nghiệp và độc quyền sản phẩm.

 HTX Nông nghiệp Mỹ Lợi A sản xuất vú sữa VietGAP cung ứng cho nhiều siêu thị, cửa hàng trái cây sạch.
HTX Nông nghiệp Mỹ Lợi A sản xuất vú sữa VietGAP cung ứng cho nhiều siêu thị, cửa hàng trái cây sạch.

Thời gian qua, Sở NN&PTNT đã triển khai xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, Sở đã vận động và xác nhận cho trên 71 công ty, cơ sở, HTX với hơn 58 sản phẩm (gà thịt, rau, củ các loại, trái cây tươi, thịt heo, mắm tôm chà, mắm ruốc, trà mãng cầu, trứng gia cầm, gạo, chả lụa, nem, lạp xưởng...) tham gia cung ứng thực phẩm an toàn.

Theo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, các HTX nông nghiệp đã áp dụng quy trình, kỹ thuật sản xuất chất lượng cao, an toàn, hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ thông minh 4.0 vào sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu. Điều này đã tạo ra sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm.

Kết quả, đến nay, có 59 HTX nông nghiệp sản xuất đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP (tăng 34 HTX so với năm 2018); 8 HTX sản xuất và tiêu thụ rau ứng dụng công nghệ trồng rau trong nhà lưới, nhà màng, sử dụng màng phủ nông nghiệp; 6 HTX sản xuất và tiêu thụ lúa ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ thông minh trong sản xuất.

Thông qua xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, có một số HTX rau, củ, quả và sản phẩm chăn nuôi tích cực tham gia và hợp đồng liên kết sản xuất các đơn vị cung ứng sản phẩm lớn như: Co.opmart, MM Mega Market, bếp ăn... từ đó nông dân không lo đầu ra, đảm bảo lợi nhuận ổn định do HTX thu mua với giá sàn.

Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ thời gian qua chưa thật sự trở thành phong trào mạnh và tác động mạnh mẽ để góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Diện tích đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP còn thấp. Đến giữa năm 2023, toàn tỉnh chỉ có khoảng 3.380 ha cây trồng được chứng nhận GAP. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ chỉ tập trung ở quy mô hộ, HTX.

Theo Sở NN&PTNT, để thúc đẩy sản xuất nông sản an toàn, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, HTX, cá nhân đăng ký áp dụng và được chứng nhận phù hợp theo tiêu chuẩn GAP, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ đăng ký cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho các sản phẩm theo quy định, đặc biệt là sản phẩm trái cây chủ lực phục vụ xuất khẩu…

Ý PHƯƠNG

.
.
.