.

Huyện Gò Công Tây có 40 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP

Cập nhật: 10:41, 06/10/2023 (GMT+7)

(ABO) Chiều 5-10, UBND huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá giá kết quả thực hiện phát triển kinh tế tập thể, Chương trình OCOP và việc thực hiện triển khai liên kết sản xuất và các chương trình giảm nghèo của huyện trong thời gian qua.

Tham dự hội nghị có Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trần Hoàng Nhật Nam; Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Võ Văn Lập.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, thời gian qua, UBND huyện Gò Công Tây đã lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, củng cố hoạt động các mô hình kinh tế tập thể hợp tác xã (HTX) trong toàn huyện dần đi vào hoạt động ổn định; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, từ đó có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX phát triển.

Từ đầu năm đến nay, huyện Gò Công Tây đã thành lập mới 1 HTX Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Long Thới Thịnh tại xã Long Bình, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là trồng rau màu, cung ứng các dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 17 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với khoảng 6.372 người tham gia, doanh thu bình quân ước tính khoảng 4.465 triệu đồng, lợi nhuận bình quân của một HTX ước tính trong 1 năm đạt trên 146 triệu đồng.

Kết quả thực hiện dự án liên kết sản xuất theo Nghị quyết 07 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang, đến nay, huyện đã thẩm định và phê duyệt 5 dự án liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với tổng kinh phí hơn 10,462 tỷ đồng; trong đó, vốn nhà nước hỗ trợ hơn 2,8 tỷ đồng và vốn đối ứng các bên tham gia liên kết hơn 7,649 tỷ đồng gồm: Dự án Liên kết tiêu thụ lúa tại các xã Thạnh Trị, Long Bình, Bình Phú; liên kết tiêu thụ dừa tại xã Vĩnh Hựu, liên kết tiêu thụ bưởi tại xã Thạnh Nhựt. Tính đến nay, toàn huyện đã thực hiện được 12 dự án hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ đầu năm đến nay, huyện Gò Công Tây có thêm 9 sản phẩm của 6 chủ thể trên địa bàn huyện đạt chuẩn OCOP 3 sao; lũy kế đến nay toàn huyện có 40 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có 18 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao và 22 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao. Việc đăng ký và thẩm định công nhận đạt chứng nhận sản phẩm OCOP là cơ hội để các sản phẩm đặc thù của địa phương được khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế; đồng thời tiếp tục tạo động lực để các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh nâng cao trách nhiệm, năng lực sản xuất, đưa thêm nhiều sản phẩm uy tín phục vụ thị trường. Qua khảo sát chung, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP đều được người tiêu dùng tin tưởng, thị trường ngày càng được mở rộng, doanh số bán hàng tăng từ 20% - 30%.

Kết quả thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND huyện đã triển khai đến UBND các xã, thị trấn để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Đến nay, có 32 hộ đăng ký tham gia dự án hỗ trợ chăn nuôi bò tại 6 xã: Vĩnh Hựu, Bình Nhì, Đồng Thạnh, Bình Phú, Long Vĩnh, Thạnh Trị…

Tại hội nghị, lãnh đạo huyện Gò Công Tây cho biết, dù đạt một số kết quả khả quan nhưng huyện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện phát triển các mô hình kinh tế tập thể, các dự án liên kết và dự án giảm nghèo; đồng thời, đề xuất tỉnh có phương hướng, kế hoạch hỗ trợ huyện trong quá trình thực hiện thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế tập thể, Chương trình OCOP và việc thực hiện triển khai liên kết sản xuất và các chương trình giảm nghèo của huyện Gò Công Tây trong thời gian qua. Ghi nhận các ý kiến kiến nghị của lãnh đạo địa phương. Đồng thời, đề nghị huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện hiệu quả các chương trình như quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với sản phẩm chủ lực của huyện, kết nối với các doanh nghiệp, trong cung ứng vật tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm liên kết.

Cùng với đó, tiếp tục giám sát và thực hiện cấp mã số vùng trồng theo kế hoạch đã đề ra nhằm gia tăng giá trị nông sản, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân. Huyện cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các dự án, kế hoạch trên địa bàn các xã đảm bảo đúng tiến độ hợp đồng đã ký kết. Đối với các sản phẩm OCOP tiềm năng, sản phẩm truyền thống của huyện cần tiếp tục rà soát để xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, đăng ký sở hữu trí tuệ, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện mở rộng vùng nguyên liệu khai thác hiệu quả thương hiệu sản phẩm cộng đồng, từ đó tiếp tục mở rộng phát triển thêm các sản phẩm đặc thù địa phương vươn ra thị trường bên ngoài.

KIM LAN - QUẾ ANH

                                                                           

 

 

.
.
.