.

Tiền Giang luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Cập nhật: 09:39, 13/10/2023 (GMT+7)

Trong những tháng đầu năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự đồng hành của chính quyền, cộng đồng DN tỉnh nhà luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt nam (13-10) Tiến sĩ Trần Thanh Đức, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang đã có những chia sẻ với Báo Ấp Bắc về tình hình phát triển sản xuất của cộng đồng DN tỉnh nhà.

* Phóng viên (PV): Trước hết, xin Tiến sĩ đánh giá về tình hình hoạt động của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2023 đến nay?

* Tiến sĩ Trần Thanh Đức: Các DN trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2023 đến nay vẫn phải đối mặt với không ít thách thức, nhưng cũng rất năng động, linh hoạt tận dụng cơ hội để thích nghi với môi trường kinh doanh đầy biến động. Lĩnh vực dệt may, da giày và thủy sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như: Còn tác động của đại dịch Covid-19; xung đột địa chính trị làm gián đoạn, khan hiếm trong chuỗi cung ứng; giá nguyên liệu tăng và sự biến động trên thị trường xuất khẩu. Riêng lĩnh vực nông sản và chế biến thực phẩm đã có sự phục hồi khá vững chắc. Điều này là do nhu cầu tăng cao của thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu, cũng như sự linh hoạt trong việc phát triển sản phẩm và phân phối. Các lĩnh vực du lịch, dịch vụ cũng đạt được kết quả khá tích cực (du lịch tăng 54% so cùng kỳ, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 12,9%).

Tiến sĩ Trần Thanh Đức.
Tiến sĩ Trần Thanh Đức.

Trong 9 tháng năm 2023, việc phát triển DN mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đã có 645 DN thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 4.106 tỷ đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng 2,9% so cùng kỳ, riêng quý III-2023 tăng 4,3% so cùng kỳ.

* PV: Hiện nay, các DN còn phải đối mặt với những khó khăn nào?

* Tiến sĩ Trần Thanh Đức: Những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 thực sự là giai đoạn khó khăn cho nhiều DN, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may và thủy sản. Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu đã tác động mạnh đến họ. Tuy nhiên, các DN đã tỏ ra linh hoạt bằng cách tìm kiếm các thị trường mới, cải thiện, đổi mới sản phẩm và quy trình sản xuất để thích nghi. Cộng đồng DN tỉnh nhà đã thể hiện sự quyết tâm và tinh thần sáng tạo rất cao trong việc vượt qua khó khăn, thách thức. Các doanh nhân đã tìm cách hợp tác, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, cũng như đoàn kết hỗ trợ nhau trong giai đoạn khó khăn này. Điều này đã đóng góp quan trọng vào sự phục hồi của cả cộng đồng DN. Tình hình đơn hàng của các DN bắt đầu có dấu hiệu cải thiện, kỳ vọng sẽ hồi phục, phát triển trong thời gian tới.

Mặc dù đã có sự phục hồi, nhưng các DN hiện nay vẫn đối mặt với nhiều khó khăn như: Giá nguyên liệu tăng; nguồn vốn; giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt; chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, đơn giá thấp, không có lãi để có việc làm cho người lao động và giữ chân khách hàng.

* PV: Trong thời gian tới, để các DN phát triển sản xuất, kinh doanh, về phía Hiệp hội DN tỉnh sẽ có những giải pháp gì để hỗ trợ cũng như phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền và DN?

* Tiến sĩ Trần Thanh Đức: Hiệp hội DN tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ. Cụ thể, Hiệp hội cung cấp thông tin chính sách, pháp luật, xúc tiến thương mại, hội thảo, hội chợ… có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Đồng thời, phối hợp với các ngành, các địa phương, các hiệp hội DN tổ chức các hoạt động kết nối DN, kết nối giao thương; tận dụng các cơ hội tiếp cận về vốn, thị trường, đổi mới quản lý, công nghệ và nhân lực.

Hiệp hội còn tổ chức chương trình Cà phê Doanh nhân hằng tháng nhằm tạo điều kiện để các doanh nhân có cơ hội giao thương, giao lưu, học tập kinh nghiệm, mở rộng thị trường. Đồng thời, tập hợp ý kiến, đề xuất của DN, những vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh để kiến nghị tỉnh và các ngành chức năng liên quan tháo gỡ khó khăn, ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Hiệp hội DN tỉnh còn chú trọng, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của DN phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể; tiếp tục hỗ trợ thực hiện việc chuyển đổi số cho các DN. Một trong những nội dung quan trọng là chủ động tham gia tham mưu với chính quyền địa phương thực hiện tốt việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN cải thiện chất lượng, hiệu quả, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh; kịp thời đề nghị tuyên dương, khen thưởng các DN, doanh nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Hiệp hội còn tích cực đóng góp ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

* PV: Thời gian qua, Hiệp hội DN tỉnh đã có kế hoạch và triển khai việc chuyển đổi số trong DN, xin Tiến sĩ đánh giá về việc chuyển đổi số của các DN trên địa bàn tỉnh?

* Tiến sĩ Trần Thanh Đức: Chuyển đổi số là một xu thế hết sức quan trọng và tất yếu, quyết định sự sống còn của DN trong thời đại hiện nay. Các DN trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu quan tâm và nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số. Đa số các DN đều đã thực hiện giao dịch bằng chữ ký số, hóa đơn điện tử, quản lý kho, nhân sự, tài chính, khách hàng… bằng phần mềm, nhưng vẫn còn chưa được đồng bộ, thống nhất.

Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, tìm hiểu hoạt động sản xuất của các DN.
Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, tìm hiểu hoạt động sản xuất của các DN.

* PV: Vậy đâu là rào cản trong chuyển đổi số của các DN ở tỉnh hiện nay?

* Tiến sĩ Trần Thanh Đức: Chuyển đổi số cần quá trình, lộ trình, kế hoạch rõ ràng, bài bản, đặc biệt là cần có sự chuyển đổi về nhận thức của những người chủ chốt trong DN. Có rất nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Theo tôi, một số rào cản mà DN đang gặp phải là sự quyết tâm và nhận thức về lợi ích việc chuyển đổi số của lãnh đạo DN; khả năng tài chính hạn chế của một số DN và khó khăn trong việc đào tạo nhân lực để thích nghi với công nghệ mới. Bảo mật thông tin cũng là một vấn đề quan trọng đối với chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số của các DN chỉ thành công khi nó được thực hiện đồng bộ với việc xây dựng chính quyền số và công dân số.

* PV: Trong thời gian tới, Hiệp hội DN tỉnh có kế hoạch, giải pháp gì để thúc đẩy chuyển đổi số trong cộng đồng DN tỉnh nhà?

* Tiến sĩ Trần Thanh Đức: Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh hết sức quan tâm đến chuyển đối số qua Nghị quyết 08 ngày 6-10-2021 của Tỉnh ủy Tiền Giang về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch 370 ngày 8-12-2021 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch 394 ngày 19-12-2022  của  UBND tỉnh về triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số cho các DN, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp Hiệp hội DN tỉnh và Hội Tin học tổ chức Hội thảo “Tăng tốc chuyển đổi số cho các DN trên địa bàn tỉnh”. Hiệp hội DN tỉnh cũng đã ký kết hợp tác tư vấn chuyển đổi số cho DN tỉnh Tiền Giang với Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông. Đồng thời, giới thiệu 3 DN thực hiện chuyển đổi số, 20 DN đăng ký được hỗ trợ xây dựng website thương mại điện tử; tổ chức tham quan, trao đổi kinh nghiệm với các DN thực hiện tốt chuyển đổi số.

Thời gian tới, Hiệp hội DN tỉnh sẽ tiếp tục thông tin, tuyên truyền đến các DN tầm quan trọng, sự cần thiết của chuyển đổi số. Đồng thời, giới thiệu thêm các DN để được tỉnh hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số, góp phần vào quá trình thực hiện chuyển đổi số của tỉnh nhà.

* PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

M. THÀNH (thực hiện)

.
.
.