Thứ Tư, 22/11/2023, 16:29 (GMT+7)
.

'Chiếc bánh' sầu riêng 20 tỷ USD: 4 nước chia phần, ưu thế nổi trội của Việt Nam

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới với quy mô dự báo đạt 20 tỷ USD vào năm 2025. “Chiếc bánh” này đang được 4 nước chia phần, trong đó Việt Nam được nhận định có lợi thế hơn so với các đối thủ.

a
Quy mô thị trường sầu riêng được dự báo đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 (Ảnh: Nguyễn Huế)

Đua xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc

Những ngày này, ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang), các thành viên của HTX Phú Quý tất bật thu hoạch sầu riêng nghịch vụ bán với giá từ 97.000-125.000 đồng/kg tuỳ loại.

“Với giá bán như hiện nay, trung bình trồng khoảng 6-7 công sầu riêng người nông dân có thể thu tiền tỷ”, ông Lương Văn Hận - Chủ tịch HĐQT HTX Phú Quý - cho hay. Theo ông, sầu riêng có giá cao chót vót là bởi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thuận lợi. Mấy ngày qua, thương lái lùng sục mua sầu riêng tại khắp các nhà vườn ở Tiền Giang.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), thông tin, doanh nghiệp của ông mới xuất bán khoảng 440 tấn sầu riêng với giá gần 100.000 đồng/kg, thu về vài chục tỷ đồng.

“Mua sầu riêng của tôi đều là khách hàng lớn tại Trung Quốc. Vừa rồi sản lượng thu hoạch ít nên tôi mới bán được mấy trăm tấn”, bầu Đức chia sẻ.

Sầu riêng đang là trái cây ăn quả được trồng phổ biến tại nhiều các nước ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chính vẫn là Trung Quốc.

Năm 2021, giá trị nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc tăng 82,4%, lên 4,205 tỷ USD, gấp gần 4 lần so với năm 2017. Năm ngoái, nước này cũng chi tới gần 4,4 tỷ USD để nhập sầu riêng.

Dù chi số tiền khủng như vậy, nhưng chỉ khoảng 10% người dân Trung Quốc được ăn sầu riêng vì giá đắt đỏ. Các chuyên gia cho rằng, 10 năm tới, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, với dung lượng có thể đạt 20 tỷ USD vào năm 2025.

Song, “chiếc bánh” sầu riêng này không chỉ có Thái Lan và Việt Nam chia phần. Philippines cũng được xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc từ tháng 1-2023, sau khi có nghị định thư.

Malaysia cũng kỳ vọng sầu riêng tươi của nước này được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc từ năm 2024. Một thỏa thuận gồm 6 điểm liên quan đến sầu riêng đã được ký kết giữa hai nước vào tháng 10 vừa qua. Nước này xuất khẩu sầu đông lạnh vào Trung Quốc từ năm 2017.  

Điều này cho thấy, cuộc đua xuất khẩu sầu riêng vào thị trường tỷ dân sẽ càng khốc liệt.

Để giữ thị phần tại thị trường Trung Quốc, vụ sầu riêng năm nay, Thái Lan quyết định nâng chất khô tối thiểu của sầu riêng lên; đồng thời mở tuyến vận chuyển đường sắt Thái Lan - Lào - Trung Quốc để đưa sầu sang Trung Quốc nhanh và tiết kiệm nhất.

Tuy nhiên, trong 4 quốc gia được xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc, Việt Nam đang có nhiều lợi thế. Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, phân tích, việc vận chuyển sầu từ vùng trồng ở nước ta sang Trung Quốc gần, chỉ mất 1,5 ngày. Nhờ đó, sầu riêng đảm bảo tươi ngon, chi phí vận chuyển lại rẻ hơn so với Thái Lan (vận chuyển 6-8 ngày), Malaysia và Philippines.

a
Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan và các quốc gia khác tại thị trường Trung Quốc (Ảnh: Nguyễn Huế)

Về diện tích sầu riêng, chỉ có Thái Lan và Việt Nam là đối thủ. Malaysia và Philippines có diện tích nhỏ, sản lượng sầu xuất khẩu không đáng kể. Chưa kể, Malaysia có thế mạnh về sầu Musang King chín rụng nên rất khó xuất khẩu tươi; còn năng suất sầu của Philippines rất thấp, chỉ 5 tấn/ha, trong khi sầu Việt năng suất 20-30 tấn/ha.

Đáng nói, sầu riêng ở các nước chỉ có theo mùa, còn Việt Nam thu hoạch quanh năm nên lúc nào cũng có hàng xuất khẩu. Đây cũng là lợi thế của sầu riêng Việt Nam.

“Vua trái cây Việt” có thành sầu chung?

Có nhiều lợi thế nổi trội so với các đối thủ cạnh tranh, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng trưởng đột phá, trở thành trái cây tỷ USD mới của nước ta. Hàng chục nghìn nông dân thành tỷ phú khi “vua trái cây Việt” được thu mua với giá cao chót vót.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tổng diện tích sầu riêng năm 2023 ở nước ta ước khoảng 131.000ha, tăng 20% so với năm 2022. Nhưng chỉ 51% diện tích sầu cho thu hoạch, sản lượng đạt 1 triệu tấn.

Trước tình trạng diện tích tăng nóng như hiện nay, chuyên gia lo ngại trong vài năm tới sầu riêng dội chợ và có thể thành nỗi sầu chung.

Thực tế, diện tích sầu riêng vẫn không ngừng được mở rộng. Đơn cử, HAGL có 1.200ha sầu riêng và theo kế hoạch sẽ mở rộng diện tích lên 2.000ha.

Ông Đoàn Nguyên Đức lý giải, 10 năm tới sầu riêng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Đây là cây lâu năm, trồng 6-7 năm mới ra quả và không phải vùng nào cũng trồng được loại cây này.

Trong khi sầu riêng hiện có thể xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu ở dạng cấp đông nguyên trái, cấp đông múi. Trung Quốc vẫn là nước "ăn" sầu riêng mạnh nhất, các nước khác mới bắt đầu tìm hiểu nên ông tin chắc thị trường ngày càng lớn, có trồng khắp Việt Nam cũng không đủ bán, ông Đức nhấn mạnh.

a
Vấn đề của sầu riêng Việt Nam hiện nay là chất lượng và thương hiệu (Ảnh: Mạnh Khương)

Ông Đặng Phúc Nguyên cũng nhận định, khoảng chục năm nữa sầu riêng Việt không phải lo vấn đề thị trường. Vấn đề của ngành sầu riêng hiện nay là xây dựng thương hiệu, tăng độ nhận diện tại thị trường quốc tế.

Tại Trung Quốc, người tiêu dùng ngày càng chuộng hàng có thương hiệu, trong khi thương hiệu sầu riêng Việt Nam vẫn mờ nhạt. Còn Thái Lan và Malaysia lại làm rất tốt việc quảng bá thương hiệu.

Bên cạnh đó, giá sầu tăng cao dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán, nhà vườn cắt cả trái sầu non, ảnh hưởng đến chất lượng sầu. Do đó, phải nâng cao chất lượng, sản xuất theo chuỗi liên kết thì ngành hàng này mới phát triển bền vững và cạnh tranh được. Không làm tốt sẽ mất thị trường.

“Làm tốt, trong 1-2 năm tới kim ngạch sầu riêng Việt Nam có thể bắt kịp Thái Lan”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Bà Phan Thị Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, lưu ý, việc đảm bảo chất lượng sầu riêng là ưu tiên số 1 khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, khi đó giá trị của trái sầu sẽ cao gấp nhiều lần.

“Một trái sầu riêng gai đen của Malaysia có thể bán 1.000 USD. Thương hiệu mang lại giá trị kinh tế cao hơn nguyên liệu đơn thuần”, bà My nói.

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan gợi ý thêm, cần nghiên cứu cho ra những giống sầu riêng phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc. Ngoài xuất bán quả tươi, phải tính đến xuất khẩu sầu múi (sầu đã tách vỏ) thì vận chuyển sẽ dễ dàng hơn.

Thống kê từ Tổng cục Hải quan, năm 2022, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt 421 triệu USD. 11 tháng năm 2023, loại trái cây này giúp nước ta thu về khoảng 2 tỷ USD.

Theo vietnamnet.vn


 

.
.
Liên kết hữu ích
.