.

ĐBSCL: Ổn định giá vật tư đầu vào để nông dân an tâm sản xuất lúa gạo

Cập nhật: 17:02, 24/11/2023 (GMT+7)

Chiều 24-11, tại Hậu Giang đã diễn ra hội thảo “Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài?”, hưởng ứng “Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ VI”.

a
Quang cảnh hội thảo chiều 24-11 tại Hậu Giang

Tham dự hội thảo có ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT (dự trực tuyến); ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang và các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thời gian qua, tình hình xuất khẩu lúa gạo có nhiều biến động do một số cuộc xung đột đang xảy ra, hiện tượng El Nino, tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài khiến giá lương thực toàn cầu tăng đột biến. Đây là cơ hội cho Việt Nam- quốc gia chuyên sản xuất lúa gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, những tác động khách quan khiến cơ hội thuận lợi này không thể kéo dài.

Trong bối cảnh đó, hội thảo được tổ chức nhằm tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp giúp ngành nông nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội, gia tăng sức cạnh tranh xuất khẩu và giải quyết bài toán lợi nhuận cho ngành sản xuất lúa gạo. Đồng thời đề xuất các chính sách nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn giúp người nông dân đạt lợi nhuận cao hơn, doanh nghiệp phát triển, nâng cao vị thế cạnh tranh xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam.

a
Nông dân ĐBSCL mong có giải pháp ổn định giá vật tư nông nghiệp để duy trì lợi nhuận ổn định

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, ngay từ khi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có hiệu lực, giá gạo xuất khẩu tăng đẩy giá lúa gạo tại Hậu Giang và ĐBSCL liên tục tăng theo. Đây cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp cơ cấu lại ngành sản xuất lúa gạo theo hướng ổn định diện tích và sản lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng và giá trị hạt gạo.

Tuy nhiên, chi phí phân bón, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất theo đó cũng tăng đáng kể, đồng thời tác động xấu của biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và sản lượng lúa trong thời gian qua. Nếu vật tư nông nghiệp và các khoản chi phí khác tiếp tục gia tăng như hiện nay thì dù giá lúa gạo có tăng thì lợi nhuận thực sự của người nông dân vẫn tăng không đáng kể. Về lâu dài, khả năng người hưởng lợi từ thời cơ tăng giá lúa chưa hẳn đã là người nông dân.

Hậu Giang đã xây dựng được 7 vùng trồng lúa được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn được cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các nước với diện tích 282,12 ha/161 hộ, sản lượng trong năm khoảng trên 3.635 tấn.

“Sản xuất lúa gạo những tháng cuối năm 2023 được đánh giá là được mùa, được giá làm cho người nông dân vô cùng phấn khởi, tạo động lực để người dân tiếp tục gia tăng sản xuất, nâng cao giá trị xuất khẩu. Đồng thời, ngành nông nghiệp và các địa phương sẽ tiếp tục có những giải pháp để giúp nông dân trồng lúa có lợi nhuận ổn định, bền vững. Rất cần các bộ, ngành cùng với các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, phối hợp, hỗ trợ, đồng hành cùng người nông dân, để tháo gỡ các khó khăn trong quá trình sản xuất, ổn định giá vật tư đầu vào…”, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường Trực UBND tỉnh Hậu Giang chia sẻ.

a
Máy cuộn rơm được xem là giải pháp hữu hiệu để loại bỏ tình trạng nông dân đốt rơm trên đồng sau khi thu hoạch lúa

Theo các chuyên gia lúa gạo, ưu thế của ngành lúa gạo Việt Nam là vùng sản xuất tập trung, nhất là ở ĐBSCL; hệ thống thuỷ lợi phát triển, tỷ lệ diện tích lúa có tưới của Việt Nam lên đến 85%, cao nhất trong khu vực. Đặc biệt, bộ giống lúa chất lượng cao và các kỹ thuật canh tác tiên tiến; năng suất lúa vượt trội so với khu vực… Song, hạn chế của ngành lúa gạo Việt Nam là quy mô nông hộ trồng lúa nhỏ; chưa hình thành chuỗi giá trị hiệu quả…

Theo PGS-TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, con đường thịnh vượng của nông dân trồng lúa là tăng nguồn lực cho nông dân trồng lúa thông qua sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tài nguyên và hạ tầng sản xuất, ứng dụng công nghệ và tri thức hóa…

“Sản xuất lúa giảm phát thải tạo hình ảnh mới về lúa gạo Việt Nam. Kỹ thuật sản xuất lúa giảm phát thải đã áp dụng thành công trên diện rộng (dự án VnSAT). Hệ thống thủy lợi cho sản xuất lúa ở Việt Nam phát triển là điều kiện thuận lợi để áp dụng kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ tiến đến tự động hoá điều chỉnh nước. Áp dụng máy cuốn rơm đưa rơm ra khỏi ruộng để rơm được tái sử dụng. Sản xuất phân hữu cơ từ rơm được cơ giới hoá. Nông dân có thể tăng thu nhập nhờ bán tín chỉ carbon", PGS-TS Bùi Bá Bổng cho biết.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhiều kiến nghị về chính sách, cơ chế tạo sức bật cho ngành nông nghiệp sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, cùng với việc ổn định chi phí sản xuất, đảm bảo lãi tốt cho nhà nông. Đồng thời, kiến nghị các chính sách thúc đẩy ngành lúa gạo, tận dụng thời cơ thuận lợi, củng cố dây chuyền sản xuất lúa, vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa đẩy mạnh xuất khẩu trong những năm tới.

Theo sggp.org.vn


 

.
.
.