Thứ Năm, 23/11/2023, 09:12 (GMT+7)
.
DƯ ĐỊA XUẤT KHẨU SẦU RIÊNG CÒN LỚN

Bài 1: Cú hích từ xuất khẩu chính ngạch

Cú hích từ việc sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã giúp tình hình tiêu thụ loại trái đặc sản này khởi sắc. Điều này dẫn đến tình trạng nông dân ào ạt chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Dù vậy, theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, thị trường tiêu thụ sầu riêng vẫn còn dư địa lớn. Song yếu tố quan trọng là phải đảm bảo chất lượng để xây dựng thương hiệu và uy tín của sầu riêng tỉnh nhà.

Giá sầu riêng tăng cao sau khi được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là yếu tố hấp dẫn nông dân chuyển sang trồng loại cây này. Đây cũng được xem là điểm nhấn quan trọng đối với ngành hàng trái cây xuất khẩu của cả nước nói chung, Tiền Giang nói riêng.

TIÊU THỤ KHỞI SẮC

Phân tích thị trường tiêu thụ cho thấy, kể từ khi Nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 11-7-2022, giá loại trái này hầu như duy trì ở mức cao không chỉ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giúp nông dân thu lợi nhuận cao. Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán 2023, giá sầu riêng lên “cơn sốt” khi tăng lên hơn 200.000 đồng/kg.

Chú thích ảnh: Tình hình tiêu thụ sầu riêng khởi sắc từ khi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Tình hình tiêu thụ sầu riêng khởi sắc từ khi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Đây là mức giá chưa từng có đối với loại trái cây này từ trước đến nay. Những ngày qua, giá sầu riêng trên địa bàn tỉnh cũng tăng vọt lên mức từ 100.000 - 125.000 đồng/kg (tùy theo giống) khiến nhà vườn rất phấn khởi.

Là đơn vị chuyên kinh doanh sầu riêng, ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sầu riêng Ngũ Hiệp (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) cho biết, sau khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch, đơn vị đã được các ngành, địa phương hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng (MSVT).

Đến nay, HTX đã được cấp 1 mã số cơ sở đóng gói, 8 MSVT và đang xúc tiến xây dựng thêm 5 MSVT khác. Trước đây, khi chưa được cấp MSVT, có rất ít công ty, tập đoàn đến hợp tác bởi quy mô của HTX nhỏ.

Theo Sở NN&PTNT, diện tích sản xuất sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tính đến cuối năm 2022 trên 17.600 ha (diện tích cho sản phẩm 10.500 ha, chiếm hơn 59%), năng suất 26,4 tấn/ha, sản lượng đạt 278 ngàn tấn/năm.

Đến nay, qua rà soát từ các địa phương, diện tích sầu riêng hiện toàn tỉnh trên 20.000 ha. Vùng sản xuất sầu riêng tập trung chủ yếu các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy. Tỉnh sản xuất chủ yếu 2 giống sầu riêng Ri6, DONA và một số giống khác của địa phương (sáu Hữu, chuồng bò...).

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn, hiện tiềm năng xuất khẩu sầu riêng còn rất lớn. Do đó, trong những điều kiện cho phép nên mạnh dạn chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Bởi thu nhập từ cây sầu riêng cao hơn cây lúa rất nhiều lần.

Còn theo thống kê mới nhất, việc xuất khẩu rau quả nói chung, sầu riêng nói riêng trong 9 tháng qua của năm 2023 cho thấy những con số giật mình.

Theo đó, xuất khẩu rau quả cả nước đã mang về 4,2 tỷ USD, nhưng chỉ riêng sầu riêng đã chiếm 1,63 tỷ USD. Đây là giá trị xuất khẩu kỷ lục do sầu riêng mang lại, mức cao nhất trong lịch sử xuất khẩu loại trái cây này từ trước đến nay.

Tuy nhiên, hiện có rất nhiều công ty, tập đoàn từ Trung Quốc tìm đến HTX để kết nối tiêu thụ sản phẩm. “Trong vụ mùa chuẩn bị tới đây, những đối tác cũ và một số công ty, tập đoàn khác đã tìm đến để liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đây là tín hiệu rất mừng” - ông Lộc phấn khởi nói.

Thị trường tiêu thụ sầu riêng, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu khởi sắc, là chất xúc tác quan trọng để các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động giao thương, tạo nên một thị trường tiêu thụ sầu riêng sôi động hẳn lên. Đây cũng là thời điểm quan trọng để các doanh nghiệp trong lĩnh vực này mở rộng quy mô, tập trung đầu tư hệ thống vận chuyển, bảo quản và hệ thống phân phối.

Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản, đặc biệt là trái sầu riêng, ông Mai Xuân Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ cho rằng, giá sầu riêng tăng cao trong thời gian qua nguyên nhân chính là do được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Còn theo Giám đốc Sở Công thương Lưu Văn Phi, kể từ khi được xuất khẩu chính ngạch, sản lượng và giá trị của sầu riêng đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu chung rất lớn. Tiền Giang là một trong những tỉnh trọng điểm về xuất khẩu sầu riêng. Sầu riêng đóng góp giá trị kinh tế rất tốt cho địa phương.

Đánh giá chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng cho thấy, từ sau tháng 7-2022, giá bán sầu riêng ở mức cao. Có những thời điểm giá bán lên đến 160.000 - 190.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước 115.000 đồng/kg. Người dân thu được lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng/ha trong vụ nghịch. Những tháng đầu năm 2023, giá bán sầu riêng dao động trung bình khoảng 65.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước 15.500 đồng/kg.

Từ nhiều năm nay, sầu riêng Tiền Giang chủ yếu phân phối và tiêu thụ sản phẩm dưới dạng trái tươi. Trong đó, tiêu thụ ở 4 thị trường chính gồm: Xuất khẩu, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh phía Bắc và TP. Hồ Chí Minh.

Trong đó, sản phẩm xuất khẩu chiếm 70% tổng sản lượng sầu riêng trên địa bàn (thị trường chính là Trung Quốc chiếm khoảng 80% tổng sản lượng xuất khẩu), nên việc mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch là cơ hội tốt cho sầu riêng Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung.

DIỆN TÍCH TĂNG NHANH

Thực tế cho thấy, khi lợi ích mang lại khá cao, diện tích trồng sầu riêng tăng nhanh cũng là lẽ đương nhiên. Thời gian gần đây, cây sầu riêng phát triển “nóng” trên địa bàn tỉnh một phần cũng từ việc loại trái cây này được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Nông dân phía Bắc Quốc lộ 1 ào ạt chuyển sang trồng sầu riêng.
Nông dân phía Bắc Quốc lộ 1 ào ạt chuyển sang trồng sầu riêng.

Hiệu quả kinh tế cao là yếu tố hấp dẫn nông dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng phía Bắc Quốc lộ 1 ào ạt chuyển sang trồng sầu riêng. Huyện Cái Bè là địa phương có diện tích sầu riêng tăng nhanh nhất trong thời gian gần đây. Nhiều nông dân tại các xã phía Bắc Quốc lộ 1 của huyện đã bỏ lúa để lên vườn trồng sầu riêng.

Theo lãnh đạo UBND xã Mỹ Tân (huyện Cái Bè), Mỹ Tân được huyện quy hoạch là một trong những xã trồng lúa. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã là 1.500 ha. Thời gian qua, do kinh tế từ cây ăn trái mang lại cao nên người dân đã chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa.

Trên cơ sở các văn bản của Sở NN&PTNT và UBND huyện Cái Bè về việc cho phép chuyển đổi cây trồng, UBND xã đã đưa vào kế hoạch để người dân chuyển đổi phù hợp. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi khoảng 1.200 ha từ đất lúa; trong đó, chuyển sang trồng cây sầu riêng khoảng 850 ha, với khoảng 340 ha sầu riêng đang cho trái.

Các ô đê bao cơ bản kiểm soát được lũ, triều cường nên thuận lợi cho việc chuyển sang trồng cây ăn trái. Xã đã giao cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Tân liên kết với các doanh nghiệp xây dựng 10 MSVT, đang chờ phê duyệt; đồng thời, xây dựng được 1 mô hình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP với 11 hộ tham gia trên diện tích 17 ha.

Theo Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè Đặng Văn Tung, diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện hiện có 9.515 ha; trong đó, có khoảng 46% diện tích đang cho trái. Thời gian qua, diện tích chuyển đổi sang trồng sầu riêng rất nhanh.

Diện tích sầu riêng của huyện phát triển trên địa bàn 14 xã; trong đó, có trong và ngoài quy hoạch. “Về cơ bản, việc chuyển sang trồng sầu riêng đáp ứng được kế hoạch và điều kiện thổ nhưỡng. Khoảng 1 năm nữa, diện tích sầu riêng cho trái của huyện sẽ vào khoảng 7.000 - 8.000 ha.

Năm 2018, toàn huyện chỉ có khoảng 1.400 ha sầu riêng, nhưng hiện đã hơn 9.500 ha. Diện tích tăng rất nhanh bởi giá trị kinh tế của cây sầu riêng cao hơn lúa khoảng 17 lần. Điều này rất phấn khởi, nhưng cũng rất lo” - đồng chí Đặng Văn Tung cho biết thêm.

Huyện Cai Lậy hiện là địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất tỉnh. Hiện diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện Cai Lậy cũng đang tăng nhanh. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Võ Văn Nhanh, sầu riêng của địa phương có trên 10.000 ha, chiếm trên 70% tổng diện tích cây ăn trái của huyện. Trong đó, diện tích cho trái ổn định khoảng 8.850 ha.

“Thời gian qua, diện tích sầu riêng phát triển mạnh ở phía Bắc Quốc lộ 1. Khu vực này, sầu riêng đã cho thu hoạch đến nay khoảng 3 năm, chất lượng tương đương như phía Nam Quốc lộ 1. Do đó, người dân tự phát trồng sầu riêng rất lớn.

Trước thực tế này, địa phương cũng tăng cường kiểm soát, không để phát triển nóng. Những vùng có ô đê bao khép kín thì huyện cho chuyển đổi; còn những vùng không có ô đê báo khép kín, huyện kiên quyết không cho chuyển đổi. Bởi nếu quản lý không được thì thiệt hại rất lớn” - đồng chí Võ Văn Nhanh cho biết thêm.

ANH THƯ - ANH PHƯƠNG

(Còn tiếp)

.
.
.