.

Trung Quốc rất hoan nghênh nông sản chất lượng cao của Việt Nam

Cập nhật: 10:28, 29/11/2023 (GMT+7)

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngày 27/11, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương trong nước và Bộ Thương mại Trung Quốc tổ chức Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc.

b

Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc. Ảnh: MOIT

Tin từ Văn phòng Bộ Công Thương cho biết, kỳ họp do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đồng chủ trì nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 25 - 28/11/2023 của Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc. Trước đó, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cũng đã đến chào Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên.

Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc là cơ chế hợp tác định kỳ, luân phiên giữa hai Chính phủ, do lãnh đạo Bộ Công Thương và Bộ Thương mại Trung Quốc đồng chủ trì. Kỳ họp lần thứ 12 là kỳ họp đầu tiên do hai Bộ trưởng đồng chủ trì. Đây cũng là kỳ họp đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tiếp sau 3 năm bị gián đoạn do đại dịch.

Tại cuộc hội đàm hẹp diễn ra ngay trước kỳ họp, hai Bộ trưởng đều khẳng định quyết tâm sẽ phối hợp chặt chẽ và nỗ lực hơn nữa nhằm triển khai hiệu quả những nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về việc mở rộng hợp tác kinh tế thương mại song phương Việt – Trung thời gian qua.

Hai Bộ trưởng cũng nhất trí đánh giá, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại đang là điểm sáng trong tổng thể mối quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung". Việt Nam và Trung Quốc đã và đang là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của nhau.

b

Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên

Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất, nguồn cung ứng hàng hóa lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Việt Nam cũng đã trở thành quốc gia có quy mô trao đổi thương mại lớn thứ 4 với Trung Quốc trên thế giới (năm 2022); đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Phát biểu tại Kỳ họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hoan nghênh, đánh giá cao ý nghĩa của việc Bộ trưởng Vương Văn Đào thăm chính thức Việt Nam và cùng Bộ trưởng đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc. Điều này chính là minh chứng cụ thể về vai trò ngày càng quan trọng của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt – Trung đối với nền kinh tế mỗi nước, nhất là trong bối cảnh hợp tác toàn diện Việt Nam – Trung Quốc đã bước lên một tầm cao mới.

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu tại thị trường Trung Quốc

Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề ra một số biện pháp quan trọng nhằm triển khai thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước như: hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu tại thị trường Trung Quốc; đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho các loại nông sản của Việt Nam; thúc đẩy ký kết Thỏa thuận khung về thương mại gạo giữa hai nước; đề nghị các cơ quan chức năng Trung Quốc dành thời gian quá độ cho tôm hùm bông khi nhập khẩu vào Trung Quốc;

Mở rộng danh sách các cửa khẩu biên giới Trung Quốc với Việt Nam được phép nhập khẩu nông sản, thủy sản, lương thực; hoàn tất các thủ tục thành lập Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc trong năm 2023; tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương, các địa phương Việt Nam với các địa phương Trung Quốc; triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết như “Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa Việt – Trung”; ủng hộ, tạo thuận lợi và dành ưu đãi để doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hiện diện, thuê kho bãi và xuất khẩu qua các Khu thí điểm thương mại điện tử hay Khu thí điểm thương mại tự do của Trung Quốc.

Đáp lại Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc bày tỏ sẵn sàng phối hợp với phía Việt Nam giải quyết các vấn đề hai bên quan tâm.

b

Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào

Hoan nghênh nông sản chất lượng cao của Việt Nam

Phản hồi về các vấn đề Việt Nam quan tâm trong lĩnh vực nông sản xuất khẩu, Bộ trưởng Thương mại đánh giá, thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn và hoan nghênh nông sản chất lượng cao của Việt Nam.

b

Sầu riêng là loại trái cây xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhóm hàng rau quả Việt Nam đang xuất khẩu vào Trung Quốc - Ảnh minh họa

"Sau 10 tháng kể từ khi sầu riêng được Trung Quốc mở cửa thị trường (cuối năm 2022), kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã đạt gần 2 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt xa con số này trong cả năm 2023. Bộ Thương mại sẽ tiếp tục điều phối, thúc đẩy Hải quan Trung Quốc mở cửa thị trường đối với nông sản Việt Nam" - Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào.

Bộ trưởng Vương Văn Đào cũng cho biết: Đối với vướng mắc trong xuất khẩu tôm hùm bông, doanh nghiệp Việt Nam cần khẩn trương đăng ký cơ sở sản xuất và đóng gói với Hải quan Trung Quốc; đồng thời các cơ quan chủ quản hai nước cần sớm triển khai công tác kiểm tra đánh giá doanh nghiệp, vùng trồng theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến để tôm hùm bông có thể được xuất khẩu vào Trung Quốc.

Về đề nghị phối hợp phân luồng thông quan nhằm tránh tái diễn ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định rất coi trọng và sẵn sàng phối hợp triển khai các biện pháp tạo thuận lợi thông quan nhằm đảm bảo lợi ích của người nông dân Việt Nam.

Về việc hỗ trợ phát hiện thương hiệu Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, phía Trung Quốc sẽ cung cấp môi trường kinh doanh thuận lợi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc bày tỏ vui mừng Việt Nam đã xây dựng được gian hàng quốc gia trên một số nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc; nhiều sản phẩm của Việt Nam rất được ưa chuộng và bán rất chạy.

Liên quan đến hợp tác địa phương, Bộ trưởng Vương Văn Đào khẳng định, quan hệ kinh tế thương mại với các địa phương đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại hai nước phát triển lành mạnh, ổn định. Phía Trung Quốc đánh giá cao việc Bộ Công Thương Việt Nam đã xây dựng được các cơ chế hợp tác với Quảng Tây, Vân Nam và khẳng định sẽ hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng mối quan hệ hợp tác với các địa phương có thế mạnh kinh tế Trung Quốc cũng như thúc đẩy mối quan hệ giữa các địa phương hai nước.

Ủng hộ thành lập các văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc

Bộ Thương mại bày tỏ tiếp tục ủng hộ việc thành lập các Văn phòng Xúc tiến thương mại (XTTM) Việt Nam tại Trung Quốc, đề nghị phía Việt Nam tăng cường trao đổi, đạt được thống nhất với các địa phương dự kiến thành lập Văn phòng XTTM thời gian tới như Giang Tô, Tứ Xuyên; đồng thời đề nghị 2 bên cùng trao đổi, thúc đẩy Bộ Ngoại giao (cơ quan chủ trì) đẩy nhanh các thủ tục liên quan để có thể thành lập Văn phòng XTTM Việt Nam tại Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc thời gian tới, tạo thành quả cho chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao thời gian tới.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cũng đưa ra nhiều ý tưởng mới nhằm mở rộng và tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại song phương như tăng cường hợp tác nông nghiệp; hợp tác phòng vệ thương mại, hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới; thúc đẩy mở/nâng cấp cửa khẩu biên giới, xây dựng cửa khẩu thông minh và nâng cao mức độ thuận lợi hóa thông quan…

Nâng cao mức độ thuận lợi hóa thông quan tại cửa khẩu

Phản hồi về các đề xuất của phía Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ hoan nghênh và mong muốn Trung Quốc cùng phối hợp chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực phòng vệ thương mại và thương mại điện tử; sẵn sàng phối hợp thúc đẩy các bộ ngành và địa phương liên quan trong việc mở/nâng cấp các cửa khẩu, xây dựng cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn, nâng cao mức độ thuận lợi hóa thông quan cũng như tăng cường hợp tác về nông nghiệp.

Về đầu tư, hai bên chia sẻ những quan tâm của nhau trong lĩnh vực đầu tư đặc biệt là tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư.

Theo đó, phía Việt Nam đề nghị Trung Quốc: tiếp tục triển khai các dự án sử dụng Quỹ hợp tác đặc biệt Mekong – Lan Thương trong đó mở rộng quy mô và lĩnh vực cung cấp viện trợ không hoàn lại cho phía Việt Nam; đẩy nhanh tiến độ triển khai gói viện trợ không hoàn lại.

Ở chiều ngược lại, phía Trung Quốc cũng chia sẻ mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế số, phát triển xanh; tăng cường hợp tác công nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...

Nhân dịp này, hai bên cũng trao đổi một số nội dung về tình hình hợp tác, đàm phán gia nhập, nâng cấp và thực thi các cam kết trong khuôn khổ đa phương như ACFTA, RCEP, WTO…

Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc đã diễn ra trên tinh thần hữu nghị, chân thành và cởi mở. Hai bên đã trao đổi thẳng thắn các vấn đề mà mỗi bên quan tâm và đã đạt được nhiều đồng thuận quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc trong thời kỳ mới và đã thống nhất kế hoạch tổ chức kỳ họp lần thứ 13 tại Trung Quốc. Những kết quả của kỳ họp cũng sẽ được hai bên báo cáo Thủ tướng Chính phủ hai nước và chuẩn bị thành quả cho các hoạt động đối ngoại quan trọng sắp tới của hai Đảng và hai nhà nước.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, quy mô thương mại Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,8 tỷ USD, tăng 6,63%. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ.

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khó khăn, gây tác động mạnh mẽ tới hoạt động ngoại thương của Việt Nam, xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khả quan trong 10 tháng năm 2023 (tăng 5,1% so với cùng kỳ 2022), đạt gần 50 tỷ USD. Đây là một trong số ít những thị trường quan trọng hàng đầu của Việt Nam mà ta vẫn duy trì được đà tăng trưởng của xuất khẩu.

Theo Chinhphu.vn

.
.
.