.

Huyện Gò Công Đông: Phát huy thế mạnh, tiềm năng kinh tế biển

Cập nhật: 23:08, 09/12/2023 (GMT+7)

Gò Công Đông là 1 trong 2 huyện của tỉnh giáp Biển Đông với chiều dài bờ biển 21,2 km, diện tích tự nhiên 267,68 km2, là đơn vị trọng điểm phát triển kinh tế biển của tỉnh Tiền Giang. Với vị trí nằm sát Biển Đông, đồng thời có các trục giao thông quan trọng là cửa ngõ hướng ra Biển và về TP. Hồ Chí Minh, huyện có điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế biển như nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy, hải sản; du lịch sinh thái biển và phát triển công nghiệp.

ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN

Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 đã đi vào hoạt động.
Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 đã đi vào hoạt động.

Với tiềm năng phát triển rộng mở, nên từ trước đến nay, tỉnh Tiền Giang nói chung và huyện Gò Công Đông nói riêng đã xác định hướng phát triển của địa phương là kinh tế biển. Do vậy, nghị quyết từng thời kỳ đều được xây dựng trên cơ sở định hướng này; trong đó, đặc biệt quan tâm, tập trung phát triển hạ tầng công nghiệp và thu hút đầu tư các dự án công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xem đây là giải pháp quyết định cho sự phát triển của địa phương.

Theo lãnh đạo UBND huyện Gò Công Đông, để khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh kinh tế biển, thời gian qua, địa phương đã triển khai khai thác đồng bộ 2 lợi thế đặc thù là nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản gắn với phát triển công nghiệp chế biến xuất khẩu.

Định hướng này đã nhận được sự đồng thuận của các cấp, các ngành và nhân dân địa phương. Hiện toàn huyện có 812 phương tiện khai thác thủy, hải sản, với tổng công suất 318.426 CV; trong đó, tàu đánh bắt xa bờ là 628 chiếc.

Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 đã đi vào hoạt động.
Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 đã đi vào hoạt động.

Địa phương đã thành lập được 2 hợp tác xã khai thác thủy sản với 71 thành viên và 32 tổ hợp tác khai thác biển với 188 thành viên, nhằm hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động đánh bắt trên biển, góp phần giảm chi phí sản xuất. Nhìn chung, các tổ hợp tác và hợp tác xã làm ăn có hiệu quả.

Cùng với đó, huyện còn khai thác lợi thế về du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử vùng đất Gò Công. Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành được phê duyệt diện tích 80,36 ha. Qua xúc tiến kêu gọi đầu tư, có một số đơn vị quan tâm nghiên cứu và đầu tư vào khu du lịch Tân Thành như: Công ty TNHH MTV Vạn Bình An (nay là Vạn Thành Công) được UBND tỉnh giao đất với tổng diện tích 213.411 m2; trong đó, đất ven biển là 117.369 m2, đất mặt biển 96.042 m2.

Đến nay, nhà đầu tư đã sử dụng khoảng 20.000 m2 đất ven biển để phục vụ kinh doanh. Công ty CP Du lịch Tiền Giang (Hương Biển) được UBND tỉnh cho thuê đất với tổng diện tích 37.064,9 m2. Đến nay, công ty đã đầu tư một số hạng mục để kinh doanh phục vụ ăn, uống, giải khát cho khách du lịch.

Bên cạnh đó, Tiền Giang đã xây dựng hoàn thành việc cứng hóa mặt đê biển với tổng chiều dài 21,2 km; kè mái đê biển với tổng chiều dài 11.288 km, đê chắn sóng dài 3,935 km và Dự án Điện gió Tân Phú Đông 2 hoàn thành đi vào hoạt động… đã tạo điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động du lịch cặp tuyến đê biển.

Đến với huyện, ngoài điểm du lịch biển tại xã Tân Thành, huyện còn có các địa điểm du lịch sinh thái ở Tân Điền, Kiểng Phước, Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định (xã Gia Thuận), Lăng Ông Nam Hải (thị trấn Vàm Láng), Đình Tân Đông, điểm du lịch vườn táo Sáu Hồi (xã Tân Thành)... cũng thu hút khá đông khách đến tham quan, vui chơi vào dịp lễ, tết, ngày nghỉ cuối tuần… Theo đó, năm 2022, có 97.930 lượt khách và năm 2023 có khoảng 183.400 lượt khách đến du lịch.

Dự án Mở rộng Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định (khu vực II) giai đoạn 2 đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, UBND huyện Gò Công Đông cũng đã đề xuất và phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình UBND tỉnh xem xét sửa chữa, trùng tu di tích nhằm chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm 160 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20-8-1864 - 20-8-2024) và góp phần giữ gìn và phát huy giá trị di tích trong thời gian tới.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đang tiến hành lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Di tích khởi nghĩa Trương Định. Ngoài ra, UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh đầu tư sửa chữa cây cầu ra biển để phục vụ du khách, hiện nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã thuê đơn vị kiểm định chất lượng để đề xuất UBND tỉnh đầu tư sửa chữa.

Trên địa bàn huyện Gò Công Đông có Khu công nghiệp Soài Rạp với diện tích 258 ha và 3 cụm công nghiệp với tổng diện tích 128,4 ha, gồm: Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 (50 ha), Cụm công nghiệp Gia Thuận 2 (48,4 ha), Cụm công nghiệp Phước Trung 30 ha (Cụm công nghiệp Phước Trung đang trong giai đoạn đề xuất tích hợp vào quy hoạch tỉnh).

Cơ sở hạ tầng kết nối, kỹ thuật phục vụ phát triển khu, cụm công nghiệp đã được tỉnh, huyện quy hoạch và tập trung đầu tư đồng bộ (đường phục vụ phát triển công nghiệp phía Đông, đường dây cấp điện 22 KV, hệ thống cấp nước, hệ thống chiếu sáng, hàng rào bảo vệ Khu công nghiệp Soài Rạp….); đến thời điểm hiện tại đã cơ bản đáp ứng để tăng tốc phát triển công nghiệp trên địa bàn.

HƯỚNG ĐẾN BỀN VỮNG

Du khách tham quan biển Tân Thành.
Du khách tham quan biển Tân Thành.

Theo UBND huyện Gò Công Đông, mục tiêu phát triển của huyện theo hướng nông - ngư - công - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ; trong đó, nông - ngư nghiệp đóng vai trò chủ lực, là khâu đột phá của huyện. Địa phương sẽ tập trung để thực hiện tốt chủ trương hướng ra biển của Trung ương, tỉnh. Để cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2030 phát triển thành công và đột phá về các ngành kinh tế biển, địa phương sẽ tập trung phát triển lĩnh vực du lịch và dịch vụ biển.

Theo đó, huyện sẽ tập trung kêu gọi đầu tư phát triển Khu du lịch biển Tân Thành - Hàng Dương; kêu gọi đầu tư xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp kinh tế vườn nhằm khai thác cảnh quan đặc trưng và khôi phục rừng ngập mặn ven biển; phát triển tuyến điểm và sản phẩm du lịch tiêu biểu. Bên cạnh đó, huyện sẽ tập trung phát huy lợi thế trong nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản.

Định hướng của huyện là chuyển từ nuôi trồng thủy, hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân.

Huyện Gò Công Đông đang tập trung phát triển kinh tế biển.
Huyện Gò Công Đông đang tập trung phát triển kinh tế biển.

Huyện sẽ hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã; xây dựng một số doanh nghiệp mạnh tham gia khai thác hải sản xa bờ và hợp tác khai thác viễn dương.

Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bước đầu là hình thành các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại các xã Kiểng Phước, Tân Thành để nhân rộng ra ở các khu vực ven biển khác; phát triển vùng nuôi nghêu theo hình thức quản lý cộng đồng, bền vững…

Đồng thời, thời gian tới, huyện sẽ phát triển công nghiệp ven biển. Theo đó, địa phương sẽ tập trung thu hút phát triển ngành công nghiệp có lợi thế như: Cảng biển, công nghiệp chế biến, cơ khí...; tập trung đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Soài Rạp, Cụm công nghiệp Gia Thuận 1, Cụm công nghiệp Gia Thuận 2. Huyện sẽ tập trung phát triển đồng bộ, từng bước hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển.

LÝ OANH

 

.
.
.