.

Kinh tế Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu phục hồi rõ rệt

Cập nhật: 14:37, 16/12/2023 (GMT+7)

Kinh tế vĩ mô, kinh tế thế giới và Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu phục hồi rõ rệt trong những tháng cuối năm 2023 và triển vọng tăng trưởng sáng hơn cho năm 2024, đồng thời sẽ là động lực cho những mục tiêu năm tới.

Xuất khẩu, đầu tư khả quan

Về những dấu hiệu tích cực của bức tranh kinh tế vĩ mô trong nước, TS. Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Phân tích và Dự báo kinh tế (CIEM) cho rằng, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho phát triển, nhất là chỉ tiêu về đầu tư công, tính chung 11 tháng đã giải ngân 461 nghìn tỷ đồng, cao hơn 6,7% và cao hơn 122,6 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) 11 tháng ước đạt 28,8 tỷ USD vốn đăng ký, trong đó vốn thực hiện đạt 20,2 tỷ USD. Đây là mức vốn thực hiện cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Cùng với đó, Việt Nam cũng kiểm soát lạm phát tốt, nằm trong kế hoạch điều hành Nghị quyết 01 của Chính phủ với 4,5%. Tăng trưởng kinh tế cũng theo hướng quý sau cao hơn quý trước, ước tăng trưởng GDP quý IV/2023 đạt 7,72%, cao hơn mức tăng trưởng quý III/2023 là 5,23%; quý II/2023 là 4,05% và quý I/2023 là 3,28%.

b

Xuất khẩu tiếp tục là động lực cho tăng trưởng trong năm 2024.

Về xuất khẩu (XK) hàng hóa, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng cho rằng, những tháng đầu năm 2023, XK hàng hóa của Việt Nam giảm tới 26% nhưng đến thời điểm này, mức giảm chỉ còn dưới 6%.

Tương tự, chỉ số sản xuất công nghiệp, thời điểm đầu năm có lúc tăng trưởng âm đến 15% nhưng hiện đã đạt mức tăng dương 1%. Mức độ giảm đang ít đi có nghĩa là kinh tế đang tốt lên. Rõ ràng chúng ta đã phục hồi và đang lấy lại đà tăng trưởng tích cực. Trái phiếu doanh nghiệp (DN), giá trị phát hành cũng đang chuyển biến tích cực. Đến cuối tháng 11, phát hành trái phiếu đạt 240.000 tỷ đồng. Quan sát số liệu từng tháng cho thấy, giá trị phát hành tháng sau cao hơn tháng trước, riêng tháng 10 giá trị trái phiếu phát hành thành công khoảng 41.000 tỷ đồng, tăng 194% so với tháng 10 năm 2022.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng, XK có sự cải thiện trong nửa cuối năm. Điểm sáng là xuất siêu hàng hóa đạt mức kỷ lục 25,8 tỷ USD sau 11 tháng, XK các mặt hàng nông sản tăng trưởng ấn tượng trong khi điện thoại, thời trang, gỗ gặp khó. Các thị trường mà Việt Nam có mức xuất siêu cao nhất gồm Hoa Kỳ và EU, trong khi Trung Quốc là nơi nhập siêu cao nhất.

Các chuyên gia của CIEM dự báo, tăng trưởng GDP năm 2023 ước đạt 5,19%, tuy thấp hơn mức tăng 8,02% của năm 2022, nhưng theo TS Nguyễn Hữu Thọ, mức tăng trưởng này cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, cuối năm 2023, chúng ta có được rất nhiều cơ hội thông qua các thành quả của hoạt động chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là hoạt động đối ngoại, đem lại ý nghĩa cho sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Các kết quả cuối năm 2023 cơ bản rất tích cực, mặc dù không đạt những mục tiêu cao như kỳ vọng hay đặt ra ban đầu, nhưng trong bối cảnh quốc tế, khu vực như hiện nay thì kết quả như vậy là rất tích cực, tạo đà tốt cho việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.

Cơ hội để tăng tốc, phát triển bứt phá trong năm 2024

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, năm 2024, tăng trưởng kinh tế thế giới có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ nhưng Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi ở mức 6 - 6,5%. Trước đó, Quốc hội và Chính phủ cũng yêu cầu phấn đấu ở chỉ tiêu này. Về lạm phát không quá lo, đến tháng 11/2023 tăng bình quân 3,22% và cả năm là 3,3%, dự báo năm 2024 bình quân ở mức 3,5%, do giá cả hàng hóa còn cao, lượng cung tiền và vòng quay tiền sôi động hơn. Theo ông Lực, nền kinh tế có nhiều động lực cho tăng trưởng cả năm 2023 và 2024, như: Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu; thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại; dịch vụ, tiêu dùng tăng khá; đầu tư công được đẩy mạnh, rủi ro tài khóa ở mức trung bình, dư địa chính sách vẫn còn; lạm phát và lãi suất đang giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, rủi ro nợ xấu trong tầm kiểm soát…

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, năm 2024 nhiều nguồn lực sẽ được huy động và khai thác. Tổng cầu nền kinh tế tăng được nhờ chính sách tăng lương, chuỗi giá trị xanh, XK xanh được định hình và mở rộng nên XK có đà phục hồi, đầu tư công được giải ngân tốt hơn vì áp lực phát triển.

Theo đó, đầu tư, XK, tiêu dùng đều có cơ hội tăng trưởng tốt trong năm 2024; XK đang có đà phục hồi tháng sau tốt hơn tháng trước, dần dần lấy lại đà tăng trưởng XK. Theo đó, dự báo tăng trưởng kinh tế 2024 khả quan. Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, năm 2024, vẫn còn những thách thức như: Rủi ro về địa chính trị tác động đến lĩnh vực đầu tư, XK, du lịch. Lạm phát và lãi suất dù kiểm soát tốt nhưng vẫn ở mức cao, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đột phá, DN trong nước vẫn đang gặp khó về đầu ra thị trường, nguồn lực… Đòi hỏi các DN phải đẩy mạnh cơ cấu lại, đa dạng hóa nguồn vốn, nâng cao tính thích ứng, và nhất là nhanh chóng chuyển đổi theo hướng xanh hóa và số hóa.

Để đạt được mức tăng trưởng GDP cao trong năm 2024, nhóm nghiên cứu CIEM đưa ra giải pháp là cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung nhiều hơn các động lực tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy tiếp tục cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh. Để kinh tế Việt Nam có thể phục hồi mạnh mẽ vào năm 2024, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi cho rằng, Việt Nam cần linh hoạt các giải pháp để giải quyết những khó khăn, thách thức đang gặp phải.

Thực tế, quá trình đổi mới sáng tạo, chuyển dịch năng lượng… đang mang đến những cơ hội mới để Việt Nam có thể thâm nhập vào các thị trường mới, gia tăng giá trị và hàm lượng hàng hoá, cũng như thúc đẩy XK. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể tăng cường thu hút đầu tư, tận dụng những công nghệ tiên tiến như công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo,… nhằm khai thác hiệu quả các cơ hội này để phát triển ở mức cao hơn, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Theo Báo điện tử Công An Nhân Dân

 

.
.
.