.
GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG TỈNH TIỀN GIANG LƯU VĂN PHI:

Kim ngạch xuất khẩu vượt kế hoạch 5 năm

Cập nhật: 13:21, 15/12/2023 (GMT+7)

(ABO) Theo số liệu gần đây, tình hình xuất khẩu của Tiền Giang đạt được con số rất ấn tượng, khi bàn về yếu tố chính để mang về kết quả này, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cho biết:

Đồng chí Lưu Văn Phi.
Đồng chí Lưu Văn Phi.

Năm 2023, là năm khó khăn đối với kinh tế cả nước nói chung và kể cả Tiền Giang. Kinh tế chịu tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất - tỷ giá. Xuất khẩu đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác lớn. Tuy nhiên, nhờ các biện pháp tích cực và đồng bộ của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong tỉnh, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ nên hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh trong đã có những tín hiệu tích cực.

* Phóng viên: Con số cụ thể như thế nào, thưa đồng chí?
* Đồng chí Lưu Văn Phi: Kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện cả năm 2023 của Tiền Giang đạt khoảng 4,6 tỷ USD, tăng 13,5% so với thực hiện năm 2022, vượt 18,9% kế hoạch năm (kế hoạch 3,9 tỷ USD). Theo Nghị quyết 25/NQ-HĐND ngày 17-9-2021 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đề ra là kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 4,5 tỷ USD; do vậy, đến năm 2023 đã đạt và vượt kế hoạch 5 năm. Nhìn chung, so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực có tăng (như kim loại và sản phẩm từ kim loại, hàng dệt may, xơ sợi dệt, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị), xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản diễn biến khả quan.

a
Hàng dệt may xuất khẩu tăng trưởng khá trong năm 2023.

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, mặt hàng kim loại và các sản phẩm từ kim loại chiếm đến 28%, tăng khoảng 12% so năm trước; kế đến là giày và phụ liệu giày chiếm 18,3%, tăng 3,8%; hàng dệt may chiếm 14,7%, tăng khá cao, với  mức tăng khoảng 30%. Chiếm tỷ trọng không nhiều nhưng tăng khá cao có các mặt hàng sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, phương tiện vận tải tăng gần 3 lần; nông thủy sản chiếm tỷ trọng 13%, trong đó thủy sản tăng 32,8%, gạo tăng 65%, rau quả tăng gấp 2,5 lần. Một số sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu giảm so cùng kỳ, như: Sản phẩm từ chất dẻo (giảm 8,5%), túi xách, vali, mũ, ô dù (giảm 22%), linh kiện điện tử (giảm 66,5%). Còn lại các hàng hóa khác chiếm tỷ trọng 10%, tăng hơn 2 lần so cùng kỳ.

* Phóng viên: Riêng xuất khẩu nông sản của Tiền Giang đạt được kết quả như thế nào?

* Đồng chí Lưu Văn Phi: Trong năm 2023, xuất khẩu chính ngạch nông, thủy sản tỉnh Tiền Giang ước đạt khoảng 604 triệu USD, tăng 44,8% so với năm 2022. Chủ yếu là nhờ thủy sản (chiếm 73,5% tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản), với kim ngạch đạt khoảng 444 triệu USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ; gạo ước xuất khẩu 160.000 tấn, với kim ngạch đạt 94,7 triệu USD, tăng 37,6% về lượng và tăng 65,5% về trị giá so với cùng kỳ; rau quả ước đạt 65,3 triệu USD, tăng 2,5 lần so với cả năm 2022 nhưng tỷ trọng nhỏ (chiếm khoảng 10,8%) trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của tỉnh.

d
Thủy sản chế biến xuất khẩu cũng có dấu hiệu tích cực trong năm 2023.

* Phóng viên: Dự báo tình hình xuất khẩu của Tiền Giang trong thời gian tới như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Lưu Văn Phi: Kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng phục hồi chậm. Các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và dựng lên những tiêu chuẩn mới, hàng rào kỹ thuật mới đối với sản phẩm nhập khẩu. Trung Quốc mở cửa trở lại làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam... là những yếu tố tiếp tục tác động đến sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung, tỉnh Tiền Giang nói riêng.

d
Năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng cho xuất khẩu gạo.

Các Hiệp định thương mại tự do với những ưu đãi về thuế quan tiếp tục giúp cho hàng hóa của Việt Nam cạnh tranh hơn, dự báo sẽ mang đến những lợi thế nhất định cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. Cùng với đó, các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước phát huy tác dụng trong việc phục hồi các hoạt động sản xuất; việc thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh…

Dựa trên những yếu tố hiện có, dự báo kim ngạch xuất khẩu Tiền Giang năm 2024, ước đạt 5 tỷ USD, tăng 8,7% so với ước thực hiện năm 2023; nhập khẩu ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 4,2% so với thực hiện năm 2023. Để đạt được kế hoạch trên, Sở Công Thương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan; khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA); đồng thời, tạo thuận lợi, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA.

Bên cạnh đó, Sở Công thương Tiền Giang cũng tập trung thông tin cho doanh nghiệp, hợp tác xãvề các hội thảo, diễn đàn, hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế, thông tin, quy định mới của thị trường (do Bộ Công Thương cung cấp) và tổ chức hội thảo, lớp tập huấn về hội nhập quốc tế về kinh tế đến các doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
.