.

Tiền Giang: Kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Cập nhật: 10:59, 18/12/2023 (GMT+7)

Với việc ban hành các chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp (KN), đổi mới sáng tạo (ĐMST), hệ sinh thái KN, ĐMST trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã được hình thành; trong đó, một số mô hình đã KN thành công.

NHỮNG MÔ HÌNH KN THÀNH CÔNG

Với sự hỗ trợ của các ngành chức năng và địa phương, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xuất hiện nhiều mô hình KN, ĐMST thành công. Điển hình trong đó phải kể đến mô hình Nuôi hươu sao lấy nhung và chế biến sâu của Hợp tác xã (HTX) Hươu sao Tây Nam bộ (xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo).

Anh Việt KN thành công với mô hình nuôi hươu sao lấy nhung.
Anh Việt KN thành công với mô hình nuôi hươu sao lấy nhung.

Theo anh Nguyễn Hoàng Việt, Giám đốc HTX, năm 2019, khi quyết định nuôi hươu sao, anh gặp rất nhiều khó khăn. Song với quyết tâm cao, anh đã không ngừng tìm hiểu và học nghề nuôi hươu sao. Khi nắm bắt các kỹ thuật nuôi, lấy nhung, anh Việt đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 15 con hươu trưởng thành về nuôi và giống hươu phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương.

Cũng theo anh Việt, hươu là động vật có sức đề kháng cao, ít bệnh nên chi phí về thú y rất ít; thức ăn đa dạng và sẵn có tại địa phương. Người nuôi hươu ban đầu sẽ cần đầu tư 50 triệu đồng cho mỗi cặp hươu giống.

Nuôi một con hươu, sau 3 năm nuôi, người nuôi có thể hoàn vốn; thời gian khai thác nhung có thể kéo dài đến 15 năm. Về lợi nhuận, trung bình mỗi con hươu sẽ cho lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/năm từ tiền bán nhung. Năm 2021, anh Việt thu nhập hơn 400 triệu đồng từ nuôi hươu.

Ngoài ra, để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, HTX còn sản xuất sản phẩm bồi bổ từ nhung hươu mang thương hiệu Tiến Vua gồm: Nhung hươu ngâm mật ong, cao nhung hươu, bột nhung hươu và rượu nhung hươu.

Các sản phẩm được sản xuất trên mô hình khép kín, nhà máy đạt tiêu chuẩn HACCP. Hiện thị trường tiêu thụ sản phẩm chính của HTX là qua mạng xã hội và hệ thống đại lý, nhà phân phối tại các tỉnh trên cả nước.

Cũng với sự dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Công Vinh (xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành) đã lựa chọn khởi nghiệp với mô hình nuôi trùn quế hay còn gọi là giun quế thương phẩm. Mô hình độc, lạ này đã giúp anh Vinh vươn lên làm giàu.

Năm 2016, anh quyết định nghỉ việc tại TP. Hồ Chí Minh về huyện Bến Lức, tỉnh Long An để thuê đất nuôi trùn quế thử nghiệm. Thấy mô hình này hiệu quả nên anh quyết định về quê nhà ở xã Thân Cửu Nghĩa thuê 3 ha đất của người dân để mở trang trại nuôi trùn quế theo mô hình khép kín.

Hiện đối với trùn quế (loại thịt), anh Vinh cung ứng cho các cơ sở nuôi thủy sản, gia cầm hay chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, dược liệu; trùn quế giống bán cho các hộ nuôi. Riêng phân trùn quế rất hữu ích để nhà nông bón cho cây trồng theo tiêu chuẩn GAP.

Theo anh Vinh, sau 40 ngày thả giống, trùn quế sẽ cho thu hoạch với giá trùn thịt là 50.000 đồng/kg, trùn giống 15.000 đồng/kg và phân trùn giá từ 3 - 4,5 triệu đồng/tấn. Thành công nối tiếp nhau, cuối năm 2017, anh Vinh và các cộng sự đã thành lập Công ty cổ phần Trang Trại Sạch, chuyên sản xuất, kinh doanh trùn quế và các sản phẩm từ trùn quế. Hiện mỗi tháng, trang trại của anh Vinh xuất bán trên 500 tấn phân trùn quế, với giá từ 3,5 - 5 triệu đồng/tấn; trên 15 tấn trùn thịt với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg.

Ngoài ra, anh còn bán giống và nhiều sản phẩm độc quyền khác sản xuất từ phân trùn. Nhờ đó, doanh thu mỗi tháng hơn 3 tỷ đồng. Hiện công ty còn sản xuất ra gần 20 sản phẩm từ phân trùn phối trộn tạo ra như: Đất sạch, phân trộn, phân trùn nén viên, phân rơm...

Các hợp chất hóa học Paclo Butrazol (PBZ) được sử dụng như hormone điều hòa sinh trưởng, giúp cây ăn trái ra hoa mùa nghịch. Khi tưới PBZ vào gốc làm cho chồi có tỷ lệ Gibberellin/Acid abscisic (GA/ABA) thấp, cây sẽ ngừng sinh trưởng sinh dưỡng và phân hóa mầm hoa.

Thực tế sản xuất xoài ở huyện Cái Bè, người trồng xoài tưới PBZ trực tiếp vào đất xung quanh gốc với lượng rất cao từ 8 - 10 gram hoạt chất cho 1 m đường kính tán để kích thích xoài ra hoa.

Việc lưu tồn một lượng lớn PBZ trong môi trường đất và nước sau nhiều lần xử lý ra hoa là điều không thể tránh được. Với mong muốn giúp nông dân có thể làm giàu được với những cây trồng mang thương hiệu đặc sản ở vùng đất Hòa Hưng, huyện Cái Bè như: Xoài cát Hòa Lộc, ổi…,

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Cái Bè đã trải qua 9 năm nghiên cứu để tạo ra chế phẩm vi sinh phối trộn phân bón hữu cơ. Chế phẩm này giúp phân giải PBZ trong đất, phòng trị tuyến trùng và nấm bệnh gây trên cây xoài cát Hòa Lộc, ổi mang lại hiệu quả rất khả quan. 

Kỹ sư Thành và nông dân tham quan vườn xoài sử dụng chế phẩm vi sinh phối trộn phân bón hữu cơ giúp phân giải PBZ trong đất.
Kỹ sư Thành và nông dân tham quan vườn xoài sử dụng chế phẩm vi sinh phối trộn phân bón hữu cơ giúp phân giải PBZ trong đất. Ảnh: NGỌC AN

Để tạo ra chế phẩm, Thạc sĩ Thành sử dụng 6 chủng vi sinh gồm: Trichoderma viride, Treptomyces sp, Bacillus sp, nấm trắng, nấm xanh, nấm tím, nuôi riêng từng chủng trong thời gian 3 tháng; sau đó phối trộn với phân hữu cơ để bón cho cây xoài chia làm 3 đợt và theo dõi kết quả triển khai trong khoảng 9 tháng.

Gia đình ông Trần Văn Đậm (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) canh tác khoảng 1 ha vườn cây ăn trái, chủ yếu là trồng xoài cát Hòa Lộc. Ban đầu, ông Đậm nhận về 10 kg chế phẩm vi sinh về trộn với 500 kg phân hữu cơ và đưa vào bón thử nghiệm trên dưới khoảng 30 gốc xoài cho kết quả rất khả quan. Cây phát triển nhanh, lá dày, tươi tốt và không bị chết nhánh.

Từ đó, ông Đậm phối hợp với Thạc sĩ Thành ứng dụng cho cả vườn cây. Kết quả, cây phát triển tốt, năng suất cho trái đạt theo ý muốn, mẫu mã đẹp. Từ hiệu quả trên, ông Đậm tiếp tục sử dụng chế phẩm vi sinh cho vườn ổi của gia đình. Qua thời gian 6 tháng, những cây bị bệnh phát triển tốt lại. Riêng những cây không có bệnh phát triển rất tốt và cho năng suất rất cao.

Hiện nay, Thạc sĩ Thành đang áp dụng sử dụng chế phẩm vi sinh trên 100 hộ trồng xoài và ổi theo mô hình thực nghiệm 3 năm. Với những hiệu quả mang lại, nông dân áp dụng mô hình trên rất phấn khởi và mong chờ sản phẩm đưa ra thị trường để ứng dụng rộng rãi.

ĐỒNG HÀNH, HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG KN, ĐMST

Những năm qua, hệ sinh thái KN, ĐMST ở tỉnh đã từng bước hình thành. Các chủ thể trong hệ sinh thái đã tham gia tương đối chủ động và tích cực. Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) từng bước triển khai các hoạt động nhằm hình thành, kết nối và hoàn thiện các chủ thể trong hệ sinh thái KN, ĐMST của tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở KH&CN còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên KN; các hội thảo khoa học và công nghệ, kết nối cung - cầu công nghệ, phổ biến kiến thức về KN, ĐMST, sở hữu trí tuệ; các cuộc thi… nhằm tìm kiếm các ý tưởng, dự án KN tiềm năng để thương mại hóa.

Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Tuấn Phong cho biết, từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 844 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái KN, ĐMST Quốc gia đến năm 2025”, Sở KH&CN đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu HĐND và UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ hình thành hệ sinh thái KN, ĐMST trên địa bàn tỉnh theo giai đoạn và hằng năm. Cụ thể, UBND tỉnh đã có Quyết định 2952 về việc ban hành Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái KN, ĐMST trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025.

HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 05/2021 quy định nội dung, mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái KN, ĐMST trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2025. Mục tiêu của các chính sách trên nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để hỗ trợ hệ sinh thái KN, ĐMST thông qua các hoạt động như: Tuyên truyền, đào tạo, tập huấn kỹ năng về KN, ĐMST; tổ chức các buổi hội thảo, sự kiện nhằm hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp có cơ hội tham gia các hoạt động KN, ĐMST; hỗ trợ các dự án KN, ĐMST tạo ra các sản phẩm mới, sản phẩm KH&CN có tiềm năng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu phát triển tài sản trí tuệ để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Các chương trình, hoạt động hỗ trợ KN, ĐMST thời gian qua thể hiện quyết tâm xây dựng hệ sinh thái KN, ĐMST tại tỉnh nhà, tạo nền tảng để tiến tới đột phá và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.

N. AN - T. ĐẠT

 

.
.
.