.

Tiền Giang tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Cập nhật: 16:31, 01/12/2023 (GMT+7)

Để Nghị quyết 20 ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới (gọi tắt là Nghị quyết 20) thực hiện có hiệu quả và đi vào đời sống, ngày 13-7-2022, Tỉnh ủy Tiền Giang ban hành Kế hoạch 60 về tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương và triển khai đến tận cơ sở cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động học tập.

ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN

Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Phú Quới đóng gói cung ứng rau sạch cho các siêu thị, cửa hàng Bách Hóa Xanh.                                                                                                                               Ảnh: K.LAN
Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Phú Quới đóng gói cung ứng rau sạch cho các siêu thị, cửa hàng Bách Hóa Xanh. Ảnh: K.LAN

Việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 20 đã có tác động rất lớn đến quá trình đổi mới, phát triển KTTT, mà nòng cốt là các hợp tác xã, đưa KTTT của Tiền Giang từng bước phát triển ổn định, bền vững, đặc biệt là có sự chuyển biến khá rõ về nhận thức. Hoạt động liên kết hợp tác ngày càng đa dạng, các mô hình KTTT điển hình được nhân rộng tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển có hiệu quả trên các lĩnh vực, nhất là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Trong lĩnh vực KTTT đã hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến; tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho người lao động, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, các công trình phúc lợi và tham gia thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Việc liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã với các thành phần kinh tế khác bước đầu có sự phát triển, từ đó nâng cao vai trò, vị trí của KTTT, hợp tác xã.

Có được kết quả trên, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân nhận thức đúng, đủ về phát triển KTTT là yêu cầu và xu thế tất yếu trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đóng vai trò rất quan trọng; được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Trong đó, các sở, ban, ngành và địa phương tập trung tuyên truyền, vận động và lựa chọn những nội dung thiết thực để khuyến khích, động viên nhân dân tích cực tham gia phát triển KTTT; tăng cường hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật về KTTT và các chính sách hỗ trợ, phát triển KTTT.

Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh cấp huyện mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền những nội dung cốt lõi và công tác triển khai, quán triệt, thực hiện Nghị quyết 20. Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị các huyện, thành, thị; Trường Đại học Tiền Giang, các trường cao đẳng, trung cấp, ngành Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung Nghị quyết 20 vào chương trình giảng dạy các môn lý luận chính trị, nghiên cứu khoa học và giáo dục công dân. Đồng thời, tỉnh tổ chức các lớp tuyên truyền cho hội viên, đoàn viên của các tổ chức chính trị - xã hội về thực hiện Nghị quyết 20.

HỖ TRỢ KTTT PHÁT TRIỂN

Cụ thể gần đây nhất, tỉnh đã tổ chức Hội nghị tôn vinh, khen thưởng các hợp tác xã đạt danh hiệu “Doanh nghiệp Tiền Giang tiêu biểu năm 2023” có cách làm hay, sáng tạo, đạt hiệu quả cao trong nhiệm vụ đổi mới, phát triển KTTT trong giai đoạn mới.

Có 80 hợp tác xã được địa phương cho thuê đất nhưng không thu tiền sử dụng đất với diện tích là 315,8 ha; 51 hợp tác xã thuê đất cá nhân với tổng diện tích 3 ha và 17 hợp tác xã có quyền sử dụng đất với diện tích 290,7 ha để sản xuất, xây dựng trụ sở, nhà kho, nhà sơ chế bảo quản sản phẩm phục vụ sản xuất, kinh doanh, bãi khai thác thủy sản...

Đồng thời, hỗ trợ cho các hợp tác xã vay vốn tại Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, đơn cử: Từ tháng 6-2022 đến nay, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh đã thực hiện cho vay từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển hợp tác xã đối với 3 hợp tác xã; nâng tổng số đang vay vốn tại Quỹ là 5 hợp tác xã, tổng số dư nợ cho vay gần 6,2 tỷ đồng.

Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP; làm cầu nối, giới thiệu cho các hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp trong cung ứng, tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia các triển lãm, hội chợ, phiên chợ nghĩa tình ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Đồng thời, tiếp tục quảng bá hình ảnh sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã trên các website, tổ chức liên kết, giới thiệu sản phẩm trên các nhóm Zalo với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức và tham gia các sự kiện, hội chợ thương mại, qua đó hỗ trợ các hợp tác xã có sản phẩm OCOP, hợp tác xã nông nghiệp tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm. Kết quả đã hỗ trợ 17 hợp tác xã với 27 sản phẩm được chứng nhận; quảng bá được hình ảnh của hàng nông sản Tiền Giang, giúp các hợp tác xã ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho thành viên hợp tác xã. Tỉnh cũng tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh (định kỳ tổ chức 2 năm/lần).

Sau đó, các sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh được tiếp tục giới thiệu tham gia bình chọn cấp khu vực phía Nam và cấp quốc gia. Việc tham gia bình chọn các cấp đã khuyến khích, giúp các hợp tác xã tận dụng tối đa thế mạnh các ngành nghề truyền thống, nguồn nguyên liệu, lao động kết hợp với ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến hiện đại để sản xuất các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Một số sản phẩm của các hợp tác xã tham gia bình chọn các cấp và được công nhận tiêu biểu như: Sản phẩm Trà mãng cầu Phụng Tiên của Hợp tác xã Sản xuất thương mại nông nghiệp Bình Phan, sản phẩm Sầu riêng sấy thăng hoa của Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Nghi, sản phẩm Giỏ bàng của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Hòa Thành...

Tiền Giang đưa ra nhiều giải pháp để triển khai thực hiện Nghị quyết 20 cho thấy, đây một chủ trương đúng đắn, sát với tình hình thực tế của tỉnh, góp phần phát triển KTTT của địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, củng cố, tăng cường hoạt động của Liên minh Hợp tác xã, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức KTTT, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển KTTT, làm cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với thành phần KTTT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

TẤN QUÂN

.
.
.