Huyện Gò Công Tây: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu
(ABO) Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang là huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với hơn 70% người dân sống bằng nghề nông. Xác định nông nghiệp là ngành chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, lãnh đạo huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông thôn đạt nhiều kết quả tích cực.
Biến đổi khí hậu và thời tiết bất thường đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của người dân. Do đó, việc thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp là hết sức bức thiết. Vấn đề này đã được lãnh đạo huyện Gò Công Tây quan tâm định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tránh tự phát nhằm tạo tính bền vững cao, ít phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và giá cả thị trường.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, huyện Gò Công Tây đã chú trọng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp gắn liền với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện liên kết chuỗi, xây dựng mã số vùng trồng nội địa, xuất khẩu, mở rộng các vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao...
Thực hiện Nghị quyết 04 ngày 13-8-2018 của HĐND tỉnh Tiền Giang về chính sách hỗ trợ thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025, đến nay huyện Gò Công Tây đã hỗ trợ cho 6.154 hộ nông dân, với tổng kinh phí hỗ trợ là 47,415 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng được nhân rộng giúp nông dân đa dạng hóa cơ cấu các loại cây trồng ngày càng phong phú, giúp gia tăng lợi nhuận từ 3,9 - 5,6 lần so với trồng lúa, tiết kiệm chi phí đầu tư.
Thời gian qua, trước tình hình biến đổi khí hậu, hạn, mặn xuất hiện bất thường làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế và sản xuất nông nghiệp của nông dân, ngành Nông nghiệp huyện Gò Công Tây đã thực hiện đẩy mạnh tuyên truyền nông dân khi chuyển đổi phải lựa chọn cây trồng, cơ cấu giống, thời vụ, kỹ thuật chăm sóc, thâm canh phù hợp để đảm bảo hiệu quả kinh tế cao, ổn định và bền vững. Nắm bắt được điều này, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Gò Công Tây đã nhạy bén, sáng tạo tìm ra những loại cây trồng rau màu dưới chân ruộng thích hợp cho sản xuất vụ thu đông 2023.
Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Em, ấp Bình Lạc, xã Thành Công có trên 4.000 m2 đất ruộng, vụ thu đông 2023, ông Em chọn trồng cà chua và bí đao. Đến nay, sau thời gian ngắn gần 60 ngày, cà chua bắt đầu cho thu hoạch rộ, cứ cách vài ngày là ông Em hái bán một đợt khoảng hơn 1 tấn, với giá bán khá từ 20.000 đến 22.000 đồng/kg, riêng bí đao có giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Ông Em cho biết, vụ này ông trồng cà chua và bí đao, nhờ thời tiết thuận lợi cả hai loại cây trồng này đều phát triển tốt, trái nhiều, thị trường lại có giá nên thu nhập khá.
Còn tại các xã Bình Phú, Thành Công, Thạnh Nhựt, Bình Nhì, thị trấn Vĩnh Bình… nông dân trồng dưa hấu cũng đạt năng suất cao, trong vụ thu đông vừa qua với giá bán từ 9.000 - 10.000 đồng/kg, mang về nguồn thu nhập khá cho người trồng dưa hấu.
Nhờ chuyển đổi cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ nông dân huyện Gò Công Tây đã nâng cao thu nhập. |
Về xây dựng mã số vùng trồng, đến nay huyện Gò Công Tây đã cấp 13/13 mã số vùng trồng nội địa, gồm 10 mã số vùng trồng lúa, với gần 2.200 ha/3.284 hộ; 2 mã số vùng trồng dừa với 210.28 ha/336 hộ; 1 mã số vùng trồng thanh long với 39,09 ha/94 hộ và dưa hấu Bình Nhì thuộc Dự án Liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tỉnh Tiền Giang.
Theo kế hoạch, trong năm 2024, huyện sẽ xây dựng thêm 16 mã số vùng trồng chủ yếu lúa, dừa, rau với tổng diện tích khoảng 1.100 ha. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn huyện Gò Công Tây, đến nay, toàn huyện có 40 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.
Cùng với đó, Huyện ủy, UBND huyện cũng quan tâm thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nội đồng và tưới tiêu, tiết kiệm nước theo Nghị quyết 14 của HĐND tỉnh Tiền Giang. Theo đó, UBND huyện đã triển khai xây dựng trạm bơm điện tại các xã Yên Luông, Long Vĩnh; trạm bơm điện kinh Mười Kiệu và kinh Chín Nghiệp thuộc xã Bình Tân, với tổng kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng, tạo thuận lợi cho nông dân điều tiết nước trong khu vực, tránh bị ngập úng phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê cho biết, huyện đã tiến hành quy hoạch xây dựng vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao định hướng đến năm 2025 tại các xã: Bình Tân, Long Bình, Long Vĩnh, Vĩnh Hựu, Thạnh Trị, Yên Luông, với tổng diện tích thực hiện là 1.200 ha trong năm 2023 và đến năm 2025 dự kiến gần 2.500 ha.
Đối với phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh của huyện, đến nay đã phát triển 3.502,4 ha và dự kiến đến năm 2025 là 7.950 ha thuộc Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Song song đó, huyện thực hiện các mô hình sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng nông sản chứng nhận VietGap. Toàn huyện hiện có 18 mô hình với quy mô 196,86 ha; trong đó, rau màu các loại 36 ha tập trung tại các xã: Yên Luông, Thạnh Trị, Long Bình, Bình Tân, Thành Công và Long Vĩnh; thanh long 26,35 ha tại xã Đồng Sơn; lúa 135,7 ha tại các xã Bình Nhì, Long Vĩnh, Đồng Thạnh, Thành Công; nuôi gà tre tại xã Thạnh Nhựt…
Đối với mô hình trồng rau màu trong nhà lưới, lợi nhuận đạt trên 650 triệu đồng/ha/năm... Đến nay, hầu hết các sản phẩm rau an toàn của huyện Gò Công Tây đều có thị trường đầu ra ổn định từ các hệ thống phân phối như siêu thị Metro, Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu liên kết Việt, Công ty Bestco, Goods Link…
“Từ khi thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp, hỗ trợ nông dân đã nâng tổng giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) là 3.350,004 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm 3,69%/năm. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng tiểu vùng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi... Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho người dân địa phương” - đồng chí Lê Văn Nê cho biết thêm.
Theo UBND huyện Gò Công Tây, để nâng cao chất lượng sản phẩm, huyện sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ, định hướng chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu và vùng chuyên canh; phát huy lợi thế của từng vùng, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị phát triển bền vững cho sản xuất nông nghiệp địa phương. Trong đó, tiếp tục chú trọng triển khai nhiều kỹ thuật canh tác tiên tiến được phổ cập như: Trồng rau thủy canh, trồng rau trong nhà lưới, nhà màng; sử dụng màng phủ nông nghiệp…
Đồng thời, việc cơ giới hóa các khâu sản xuất từ làm đất đến phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, tự động hóa khâu tưới tiêu đang được nông dân các vùng chuyên canh rau màu tại huyện Gò Công Tây áp dụng rộng rãi. Qua đó, giúp nghề trồng rau màu của huyện phát triển bền vững, đáp ứng nguồn nông sản sạch, an toàn cho thị trường và thu nhập của nông dân ngày càng ổn định, bền vững.
KIM LAN - QUẾ ANH