.

Kỳ vọng thị trường khởi sắc vào những ngày cận tết

Cập nhật: 09:26, 22/01/2024 (GMT+7)

Do khó khăn chung của tình hình kinh tế đã ảnh hưởng đến nhu cầu, chi tiêu của người dân. Tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, dù đang là thời điểm giáp Tết Nguyên đán 2024, song không khí nhìn chung rất trầm lắng.

HÀNG HÓA DỒI DÀO

Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng, tiểu thương bán thịt heo tại chợ Kinh Kho (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho biết, hiện nay, giá thịt đang tăng khoảng 3 ngàn đồng/kg, so với tết năm trước thì thời điểm này bán rất chậm; bình thường bán 2 con/ngày, giờ bán khoảng 70 - 80 kg/ngày. Khoảng từ ngày 20 - 25 âm lịch, hy vọng khách đi chợ sẽ đông hơn để mua sắm, tảo mộ, đến khoảng 27 tết âm lịch khách mới đông.

Tại các cửa hàng Bách hóa xanh có nhiều chương trình khuyến mãi dịp tết.
Tại các cửa hàng Bách hóa xanh có nhiều chương trình khuyến mãi dịp tết.

Còn chị Võ Thị Điệp, tiểu thương bán hải sản tại chợ Cai Lậy (TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Mọi năm, thời điểm này là bán cá đông lạnh, năm nay bán cá tươi do có ghe đi biển. Hàng đầy đủ nhưng bán chậm, tôm, mực có tăng giá, còn cá biển thì không tăng, mực 150 ngàn đồng/kg; tôm 130 ngàn đồng/kg. Công nhân thu nhập giảm thì cũng ít đi chợ, tiểu thương chúng tôi buôn bán cũng rất khó. Dự kiến khoảng 20 âm lịch trở lên hàng mới bán được nhiều”.

Sức mua yếu, nên nhiều cơ sở sản xuất cũng không dám tăng sản lượng, bà Tám Họa, một tiểu thương bán lạp xưởng tại chợ Cai Lậy cho biết: Năm nay làm ăn khó khăn nên chỉ sản xuất số lượng vừa đủ bán hằng ngày. Có khách đặt hàng thì sản xuất theo đơn đặt hàng, mỗi ngày làm khoảng 200 - 300 ký, khoảng 20 tết thì mới bán được nhiều, năm nay sức mua yếu, giá lạp xưởng hiện vẫn chưa tăng, giá từ 120.000 -140.000 ngàn đồng/kg.

Tuy sức mua yếu, tuy nhiên để đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong các dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhất là các mặt hàng thiết yếu, UBND tỉnh đã có kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Năm nay, có 8 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa tết. Các doanh nghiệp thực hiện việc dự trữ, cung ứng hàng hóa với tổng trị giá vốn hơn 553 tỷ đồng, trong đó hàng hóa thiết yếu hơn 136 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, HTX bao gồm: HTX TM - DV Phường 1 TP. Mỹ Tho, Công ty TNHH Tiền Giang - Sài Gòn (Co.opmart Mỹ Tho), Chi nhánh Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Co.opmart Cai Lậy, Co.opmart Gò Công), Chi nhánh Công ty TNHH EB Tân Phú tại Mỹ Tho (Siêu thị Go! Mỹ Tho), Công ty TNHH TM XNK Hữu Thành Phát, Công ty Lương thực Tiền Giang và HTX Vĩnh Kim.

Lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của các doanh nghiệp, HTX thực hiện theo kế hoạch, bao gồm: 801 tấn gạo các loại; 677 tấn đường cát các loại; hơn 1,3 triệu lít dầu ăn các loại; hơn 964 tấn bột ngọt, hạt nêm các loại; 46,5 tấn thịt gia súc và 44,5 tấn thịt gia cầm.

Ngoài ra, còn có các mặt hàng tiêu dùng khác như: Bánh mứt, lạp xưởng, nước giải khát, bột giặt… So với năm 2023, số lượng dự trữ hàng hóa có tăng hơn từ 5% - 14% (tùy mặt hàng), riêng đối với thịt gia súc và thịt gia cầm giảm khoảng 15% - 20% do lượng dự trữ của siêu thị Co.opmart Mỹ Tho giảm.

TẬP TRUNG KÍCH CẦU TIÊU DÙNG

Trước tình cảnh sức mua đang yếu như hiện nay, để kích cầu mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, các siêu thị như: Go! Mỹ Tho; Co.opmart, WinMart, các cửa hàng Bách hóa xanh… có nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu mua sắm.

 Tại các chợ truyền thống, lượng hàng hóa dồi dào nhưng vẫn còn vắng khách.
Tại các chợ truyền thống, lượng hàng hóa dồi dào nhưng vẫn còn vắng khách.

Theo đó, tại các cửa hàng Bách hóa xanh đang diễn ra chương trình khuyến mãi mùa tết 2024 như: Giảm giá các loại nước giải khát; bánh tết - giỏ quà tết; các loại gia vị, mì. Ngoài ra, 8 doanh nghiệp, HTX tham gia kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của UBND tỉnh cũng đăng ký tổ chức các điểm bán hàng bình ổn tại địa điểm kinh doanh của đơn vị với giá cả hợp lý, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Co.opmart Gò Công dành nhiều ưu đãi cho người lao động có thu nhập thấp, tổ chức các chuyến bán hàng lưu động đến các vùng sâu, vùng xa... để khách hàng tiếp cận được với hàng Việt Nam chất lượng cao có giá cả bình ổn như: Tham gia phiên chợ hàng Việt về nông thôn, tổ chức bán hàng lưu động.

Đại diện nhiều siêu thị cho rằng, thị trường thời điểm hiện tại có tăng nhưng chưa nhiều, khách chủ yếu mua các giỏ quà để tặng cho bạn bè, đối tác, các doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng trưởng nhẹ trong thời gian tới.

Phó Giám đốc siêu thị Co.op Mart Mỹ Tho Phạm Đức Phương cho biết, hiện công tác chuẩn bị, dự trữ hàng hóa tết cơ bản đã hoàn tất, đảm bảo nhu cầu mua sắm tết của người dân. Bên cạnh đó, siêu thị còn đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu, qua đó, tạo sự sôi động của thị trường tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán và góp phần phục hồi thị trường.

LÝ OANH

.
.
.