.

Thanh long Tiền Giang từng bước thâm nhập thị trường khó tính

Cập nhật: 11:10, 10/01/2024 (GMT+7)

Tiền Giang đã có 80 mã số vùng trồng thanh long cùng diện tích hơn 6.140ha, cấp xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia...

b
Ảnh: M.Thành

Xác định thanh long là một trong những chủng loại trái cây đặc sản, có lợi thế cạnh tranh của địa phương và mang lại giá trị xuất khẩu cao, đến nay, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng được vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu gần 8.600 ha tập trung ở các huyện của tỉnh như Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông… Sản lượng thanh long thu hoạch hàng năm gần 272.000 tấn.

Hướng đến mục tiêu sản xuất trái thanh long đạt chuẩn xuất khẩu, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng được trên 2.306 ha thanh long đạt tiêu chuẩn GAP; trong đó, có 2.196 ha đạt chứng nhận VietGAP cùng 110 ha đạt chứng nhận GlobalGAP. Tỉnh đang đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 3.600 ha diện tích thanh long đạt tiêu chí GAP.

Tiền Giang đã có 80 mã số vùng trồng thanh long cùng diện tích hơn 6.140ha, cấp xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia... Đây được coi là giấy thông hành quan trọng để thanh long Tiền Giang có thể thâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường khó tính trên khắp thế giới.

Huyện Chợ Gạo là vùng chuyên canh thanh long lớn nhất của tỉnh Tiền Giang với 6.870 ha, diện tích thanh long đang cho trái là 5.850 ha với sản lượng thu hoạch 190.000 tấn/năm.

Trong số đó, diện tích thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 2.200 ha, theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên 300 ha. Thanh long Chợ Gạo đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Để tạo mối liên kết cũng như tổ chức sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường, huyện Chợ Gạo đã hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác quy tụ nông dân, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác theo hướng GAP cho ra sản phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc, đồng thời tăng cường quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại...

Điển hình như Hợp tác xã nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát ở xã Qươn Long, huyện Chợ Gạo đã xây dựng vùng trồng cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP với 39 thành viên tham gia sản xuất ở 8 tổ hợp tác cùng diện tích 132 ha.

Nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, hợp tác xã đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, dây chuyền sản xuất khép kín với hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại, kho lạnh nhằm gia công đóng gói xuất khẩu trái thanh long. Quy trình sản xuất nhà xưởng của hợp tác xã đang áp dụng theo tiêu chuẩn HACCP đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm.

Trái thanh long của Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang phê duyệt cấp chứng nhận OCOCP 4 sao theo Quyết Định số 3076/QĐ-UBND ngày 03 tháng 11 năm 2022.

Trung bình mỗi tháng, hợp tác xã sơ chế gần 150 tấn thanh long cùng các loại trái cây khác để đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại trong cả nước cũng như cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Ông Nguyễn Trung Quý, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát cho biết, hợp tác xã nỗ lực xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hướng đến xuất khẩu ra thị trường khó tính, đặc biệt đơn vị chú trọng vào phát triển theo hướng mở rộng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch về trái cây thanh long.

Qua đó, góp phần đảm bảo đầu ra ổn định cho các xã viên cũng như nhà vườn trồng thanh long ở địa phương. Hợp tác xã đã hoàn tất thủ tục hồ sơ xin cấp 8 mã vùng trồng để xuất đi các nước và đã được cấp phép xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc.

Đây là tín hiệu vui cho xã viên khi sản phẩm trái thanh long của hợp tác xã sẽ thâm nhập được vào các thị trường khó tính.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo Cao Tấn Hưởng trao đổi, nhằm đảm bảo giải pháp lâu dài, bền vững phát triển cây thanh long trong tương lai, Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo định hướng và tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã, các doanh nghiệp phối hợp với nhà vườn trồng thanh long tạo được sản phẩm có giá trị để tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như vượt qua những rào cản kỹ thuật của các hiệp định thương mại nhằm hướng đến những thị trường tiêu thụ lớn hơn thông qua con đường xuất khẩu chính ngạch.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp chính quyền các địa phương tiếp tục chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thanh long đáp ứng được yêu cầu các thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, địa phương cũng kêu gọi và khuyến khích doanh nghiệp chế biến đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm chế biến đa dạng từ trái thanh long, để góp phần giải quyết phần nào sản lượng trái thanh long khi vào mùa thu hoạch rộ.

Tỉnh Tiền Giang đang đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 3.600 ha diện tích thanh long đạt tiêu chí GAP. Diện tích thu hoạch đến năm 2025 là 7.900 ha, sản lượng trên 235.000 tấn trái.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để phát triển bền vững vùng chuyên canh thanh long xuất khẩu, việc phát triển kinh tế hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, giải quyết đầu ra cho sản phẩm trái thanh long là vấn đề cấp thiết.

Để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của trái thanh long trên thị trường xuất khẩu, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp cùng các sở, ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức các diễn đàn khoa học, chuyển giao kỹ thuật thâm canh thanh long cho nông dân vùng chuyên canh theo hướng GAP (VietGAP, GlobalGAP) gắn với phát triển kinh tế hợp tác.

Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã thành lập được 11 hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ thanh long. Các hợp tác xã đang đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ và xúc tiến thương mại cho trái thanh long góp phần đảm bảo xuất khẩu chính ngạch trái thanh long của tỉnh Tiền Giang sang nhiều thị trường nước ngoài khó tính, góp phần đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thanh long đến năm 2025 đạt 150 triệu USD, gấp 1,5 lần hiện nay, chưa kể xuất tiểu ngạch./.

Theo Báo Vietnam+ (TTXVN)

.
.
.