Huyện Cai Lậy: Năm mới, quyết tâm mới - kỳ vọng mới
Năm 2023 đã khép lại cùng những thành tích nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Cán bộ, đảng viên và người dân huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đều chung tâm trạng phấn khởi bắt nhịp với công việc và bày tỏ niềm tin, kỳ vọng năm mới nhiều khởi sắc.
Năm 2023, huyện Cai Lậy có thêm thành tích nổi bật trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 100% xã tập trung củng cố, nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2022 - 2025.
Nông dân huyện Cai Lậy kỳ vọng sản xuất nông nghiệp có nhiều bước tiến trong năm 2024. |
Hiện nay, 100% xã trên địa bàn huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Những ngày đầu năm mới, về xã Phú An, chúng tôi cảm nhận không khí vui tươi, phấn khởi lan tỏa trên mọi ngả đường.
Xuân 2024 thêm rộn rã, vui tươi khi mọi người đón năm mới trên quê hương đang chuyển mình phát triển. Bà Lê Thị Kim (ấp 3, xã Phú An) bày tỏ: “Khi địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, mọi người rất đồng tình, ủng hộ, không nề hà việc hiến đất làm đường, chung tay trồng và chăm sóc hoa, cây xanh, tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp. Năm nay, người dân đón tết vui hơn khi đường sá thông thoáng, đi lại thuận tiện, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, công việc làm ăn cũng phát triển”.
Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, huyện Cai Lậy tập trung phát triển sản xuất theo hướng toàn diện, chất lượng cao, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. 3 vụ lúa trong năm, nông dân huyện Cai Lậy gieo sạ hơn 21.300 ha lúa và rau màu các loại, sản lượng thu hoạch gần 173.000 tấn.
Toàn huyện có hơn 15.700 ha vườn cây ăn trái với các loại cây trồng chủ lực sầu riêng, mít Thái, nhãn, chôm chôm…; sản lượng thu hoạch hơn 193.000 tấn. Trong năm 2023, huyện Cai Lậy tiếp tục hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, tập trung chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng cao.
Toàn huyện có hơn 4.500 ha cây ăn trái đã được cấp mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, khoảng 400 ha cây trồng sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Bước vào những ngày lao động, sản xuất đầu năm mới, nông dân huyện Cai Lậy đều kỳ vọng một năm thuận lợi trong sản xuất, giá cả nông sản ổn định.
Năm 2023, Đảng bộ huyện Cai Lậy tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, tạo điểm nhấn trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Tổng thu ngân sách hơn 132 tỷ đồng (đạt 121,11% nghị quyết), hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, số hộ thoát nghèo đạt 147% nghị quyết, hộ nghèo được kéo giảm 0,9%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 96% dân số (đạt 101,3% nghị quyết)… |
Là năm bứt phá để hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, năm 2024, huyện Cai Lậy xác định tận dụng các điều kiện thuận lợi, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tập trung hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Địa phương tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nâng cao các chỉ số cải cách hành chính...
Trong đó, địa phương đề ra mục tiêu cụ thể: Hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,78%, xây dựng xã Mỹ Long đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Hiệp Đức đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…
Một mùa xuân nữa lại về, sắc xuân rạng rỡ, lan tỏa mọi ngả đường. Vui xuân mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cai Lậy quyết tâm bước tiếp chặng đường mới: Gặt hái thêm nhiều thành công trong năm Giáp Thìn 2024, đưa địa phương phát triển bền vững.
TRƯỜNG GIANG