.
CÔNG BỐ QUY HOẠCH TỈNH TIỀN GIANG THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Hiện thực hóa các mục tiêu phát triển

Cập nhật: 08:58, 30/03/2024 (GMT+7)

Việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển được đề cập trong Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mang ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm phát huy tối đa các lợi thế đặc biệt, góp phần nâng cao hơn nữa vị thế của tỉnh Tiền Giang, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

CỤ THỂ HÓA TỪNG MỤC TIÊU

Tiền Giang đã và đang nỗ lực để triển khai thực hiện các nội dung quan trọng của Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang được tổ chức vào ngày 24-3, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh đã nhấn mạnh, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung Quy hoạch tỉnh Tiền Giang đã được phê duyệt, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang sẽ nỗ lực, nâng cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, quyết tâm huy động các nguồn lực, nhất là các nguồn lực của xã hội, của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, thương mại và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tiền Giang đã và đang tập trung nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông nhằm góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển.
Tiền Giang đã và đang tập trung nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông nhằm góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển.

Nhìn về khía cạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là tại 3 vùng, các hành lang kinh tế trọng điểm, UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, tỉnh Tiền Giang đã tập trung khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; trọng điểm là vùng kinh tế biển Gò Công, vùng công nghiệp Tân Phước và hành lang kinh tế dọc sông Tiền, với các định hướng, giải pháp cụ thể như: Về hạ tầng giao thông, Tiền Giang sẽ tập trung giải quyết thủ tục đầu tư các dự án, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, Tiền Giang tập trung nguồn vốn ngân sách địa phương để xây dựng công trình giao thông; huy động tối đa nguồn lực trong nhân dân để xây dựng đường giao thông nông thôn, thực hiện đa dạng hóa các hình thức đầu tư, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư; đồng thời, tiếp tục triển khai các dự án công trình trọng điểm của tỉnh đã phê duyệt nhằm đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, tạo thuận lợi trong việc giao thông đi lại của người dân.

Bên cạnh đó, về phát triển đô thị, Tiền Giang sẽ tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch đô thị, lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị, lập đề án thành lập hoặc mở rộng ranh giới các phường, lập đề án đề nghị công nhận loại đô thị theo mục tiêu của quy hoạch đề ra từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngoài ra, Tiền Giang phát triển đô thị tập trung vào các nội dung như: Cập nhật, rà soát quy hoạch xây dựng phù hợp Quy hoạch tỉnh, tình hình thực tiễn và gắn với phát triển đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, theo hướng phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, chú trọng tổ chức không gian phát triển hành lang kinh tế dọc cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương và Quốc lộ 1, Quốc lộ 50 qua địa bàn tỉnh.

Thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư và gắn bó lâu dài

Một trong những giải pháp thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư và gắn bó lâu dài, theo UBND tỉnh, Tiền Giang sẽ tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, giảm tối đa các chi phí trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; xây dựng, cập nhật Danh mục dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh với đầy đủ thông tin liên quan: Mục tiêu dự án, hiện trạng đất đai, giá đất tạm tính, địa điểm, cơ quan quản lý… và tổ chức công bố công khai thông qua các kênh thông tin đại chúng để nhà đầu tư thuận lợi tiếp cận nghiên cứu, tìm hiểu dự án.

Bên cạnh đó, Tiền Giang sẽ tập trung thực hiện thật tốt và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng và cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; đảm bảo tính đồng bộ từ quy hoạch tổng thể, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất.

Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác phối hợp trong xây dựng, thẩm định và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm, Danh mục dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để đảm bảo pháp lý cho công tác xét duyệt chủ trương đầu tư các dự án.

Tiền Giang cũng sẽ công khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và trên Cổng/trang thông tin điện tử; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại các sở, ban, ngành và địa phương theo lộ trình kế hoạch đã được phê duyệt…

Bên cạnh đó, về hạ tầng cấp, thoát nước, Tiền Giang sẽ tập trung vận hành có hiệu quả Dự án Mạng lưới đường ống cấp nước phía Đông và trạm bơm tăng áp Gò Công; nâng công suất cấp nước của Công ty cổ phần Nhà máy nước Đồng Tâm; triển khai trạm bơm và hệ thống đường ống dẫn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước hiện hữu để khắc phục tình trạng nước sinh hoạt bị nhiễm mặn; đảm bảo các khu đô thị, khu dân cư khi xây dựng phải có hệ thống thoát nước thải riêng và có khu xử lý nước thải tập trung, nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường theo quy định.

Ngoài ra, về hạ tầng cấp điện, Tiền Giang tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc thực hiện đầu tư các công trình lưới điện theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035 nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện, ổn định cho các khu, cụm công nghiệp, dự án trọng điểm của tỉnh, cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh; đồng thời, đôn đốc nhà đầu tư triển khai đầu tư các dự án điện gió, hỗ trợ ngành Điện, nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng để thi công các công trình điện, năng lượng.

HƯỚNG ĐẾN PHỒN THỊNH VÀ ĐÁNG SỐNG

Theo Tiến sĩ Trần Thanh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang, Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một bước quan trọng đối với sự phát triển của Tiền Giang. Đây là cơ hội để tỉnh định hình mục tiêu phát triển cụ thể và đồng nhất, sắp xếp lại không gian phát triển mới, tạo dư địa và động lực phát triển cho tỉnh, giải quyết triệt để được các nút thắt, điểm nghẽn mà giai đoạn trước chưa có cơ hội để thực hiện.

Theo đó, Tiền Giang đặt mục tiêu trở thành một tỉnh công nghiệp có cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, là một trong những cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giữ vai trò là cầu nối giữa ĐBSCL và vùng Đông Nam bộ; nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, đặc thù; phát triển tỉnh Tiền Giang trở thành một trung tâm du lịch cấp quốc gia; kinh tế biển, kinh tế đô thị trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó là phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, hiệu quả, với trọng tâm là hội nhập quốc tế, tận dụng nguồn lực phục vụ phát triền kinh tể - xã hội... “Với Quy hoạch đã được phê duyệt, tôi tin rằng tỉnh sẽ có được sự đầu tư và phát triển bền vững, từ đó tạo ra một Tiền Giang phồn thịnh và đáng sống”- Tiến sĩ Trần Thanh Đức nhấn mạnh.

Để việc triển khai Quy hoạch tỉnh đạt hiệu quả, theo Tiến sĩ Trần Thanh Đức, Tiền Giang cần tập trung thực hiện nhiều nội dung quan trọng như: Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khai thác, tận dụng hiệu quả các tiềm năng và lợi thế về vị trí địa lí, chuẩn bị tốt hạ tầng để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế; đồng thời, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với không gian phát triển kinh tế quốc gia, vùng, liên vùng TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL.

Tiền Giang cũng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp địa phương và nước ngoài đầu tư và phát triển kinh doanh vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm thông qua các chính sách ưu đãi và hỗ trợ.

Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Trần Thanh Đức, trong thời gian tới, Tiền Giang cũng cần phát triển công nghiệp, nông nghiệp và đô thị xanh, thông minh, dịch vụ du lịch, thương mại, logistics, thị trường bất động sản theo hướng tích hợp; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các ngành kinh tế chủ lực, đặc biệt là nguồn nhân lực đáp ứng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, Tiền Giang cũng cần đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, đổi mới sáng tạo theo hướng cách mạng công nghiệp 4.0, thích ứng với biến đổi khí hậu.

A.P - M. THÀNH

.
.
.