Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trên "đôi chân 3 điểm yếu"
(ABO) Sáng 29-3, tại TP. Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phối hợp với Báo Kinh tế và Đô thị và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) TP. Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL”.
Quang cảnh buổi hội thảo. |
Tham dự hội thảo có đại diện các Sở VH-TT&DL, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành ĐBSCL, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch…
Theo Ban Tổ chức hội thảo, ĐBSCL tuy có nhiều điều kiện phát triển du lịch, nhưng nhìn chung tốc độ phát triển thời gian qua chưa như kỳ vọng. Trong đó có những hạn chế, khó khăn về xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù.
Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trong việc đánh giá thực trạng; đề xuất giải pháp phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù của vùng, định hình tour, tuyến và sản phẩm chủ đạo, đặc trưng nhằm kết nối hiệu quả điểm đến trong chuỗi liên kết hợp tác phát triển du lịch toàn vùng.
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, năm 2023, du lịch ĐBSCL có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Lần đầu tiên kể từ sau đại dịch Covid-19, du lịch vùng có sự tăng trưởng vượt đỉnh năm 2019, thu hút gần 45 triệu lượt khách, tăng 20,5%, doanh thu hơn 45.700 tỷ đồng, tăng hơn 42,5% so năm 2022.
Lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ phát biểu tại hội thảo. |
Vấn đề nổi lên gần đây là liên kết vùng trong phát triển du lịch được nhiều tỉnh, thành quan tâm. Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, các địa phương trong vùng đã có nhiều nỗ lực tăng cường liên kết, hợp tác.
Các tỉnh, thành và các bộ, ngành đã có tiếng nói chung, thông qua nhiều hoạt động. Các địa phương trong vùng ĐBSCL đã ký kết với nhau và với TP. Hồ Chí Minh các chương trình hợp tác du lịch.
Tuy nhiên, tiềm năng du lịch vùng còn chưa được đầu tư đúng mức cũng như khai thác có hiệu quả nhất. Cách làm du lịch vẫn còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp.
Các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có mà thiếu sự đầu tư dài hạn, thiếu sự liên kết.
Do tính tương đồng về tài nguyên du lịch, hầu hết các địa phương đều tổ chức khai thác các sản phẩm chính này, nên các giá trị đặc thù chưa được khai thác phù hợp để tổ chức được những trải nghiệm đích thực về các giá trị sông nước.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu tại hội thảo. |
Du lịch ĐBSCL chưa thật sự có “nhạc trưởng”, mặc dù thời gian qua Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực, là một trong những Hiệp hội nghề nghiệp được xem là hình mẫu cho hoạt động du lịch ở các vùng du lịch khác, nhưng hoạt động vẫn còn nhiều hạn chế, trở ngại.
Du lịch ĐBSCL đang đứng trên “đôi chân 3 điểm yếu” là hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực du lịch yếu kém và đang thiếu một cơ chế điều phối liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị ngành Du lịch hiệu quả, nên không gian du lịch vùng, liên kết với TP. Hồ Chí Minh bị ngắt khúc.
Dù được thảo luận và triển khai nhiều hoạt động liên kết, nhưng trong thực tế vẫn chưa có một “cơ chế pháp lý” rõ ràng và “một mô hình chỉ đạo, điều phối” liên kết vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh để phát triển du lịch thật sự hiệu quả.
Bà Lương Thị Diễm Trang, Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Mỹ Tho phát biểu tại hội thảo. |
Tại hội thảo, đại diện các Sở VH-TT&DL, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành ĐBSCL và các doanh nghiệp lữ hành, du lịch đã thông tin về thực trạng khai thác du lịch tại địa phương.
Đồng thời, chỉ ra những khó khăn, thách thức cũng như đề xuất các giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch ĐBSCL.
ANH THƯ