.
CÔNG BỐ QUY HOẠCH TỈNH TIỀN GIANG THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Kiến tạo không gian phát triển mới

Cập nhật: 09:11, 20/03/2024 (GMT+7)

Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang được nhấn mạnh trong Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 1762 ngày 31-12-2023 của Thủ tướng Chính phủ là 3 vùng và 4 hành lang kinh tế.

Tiền Giang dựa trên nền tảng của các vùng kinh tế - đô thị đã được định hình cùng với việc xác định các hành lang kinh tế mang tính trọng tâm, đột phá nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong bức tranh chung của toàn vùng.

KHAI THÁC HÀNH LANG VEN SÔNG TIỀN

Việc xác định các hành lang kinh tế trong chiến lược phát triển tới đây thể hiện tư duy, tầm nhìn mới và đặc biệt là gắn kết được với các tỉnh, thành trong khu vực. Theo quy hoạch được xác định, Tiền Giang sẽ phát triển các hành lang kinh tế theo các trục giao thông quốc gia qua địa bàn, bao gồm: Hành lang kinh tế theo tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nhằm phát triển các khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế, phát triển trung tâm đầu mối về nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, logistics của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Hành lang kinh tế dọc sông Tiền sẽ trở thành không gian phát triển mới của Tiền Giang.
Hành lang kinh tế dọc sông Tiền sẽ trở thành không gian phát triển mới của Tiền Giang.

Hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 1, tuyến Quốc lộ 50B (theo quy hoạch) nhằm phát triển công nghiệp, dịch vụ logistics, du lịch và đô thị. Hành lang kinh tế theo tuyến đường bộ ven biển và Quốc lộ 50 nhằm tập trung phát triển các ngành kinh tế biển gồm: Cảng, năng lượng, logistics, du lịch, đô thị. Hành lang kinh tế dọc theo sông Tiền kết nối đô thị - công nghiệp với vùng ĐBSCL, tập trung phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, du lịch.

Một trong những định hướng được nhấn mạnh là việc phát triển trục động lực mới dọc sông Tiền, trở thành mặt tiền đô thị của vùng TP. Hồ Chí Minh, là bước tính toán mới trong việc tận dụng và khai thác các hành lang kinh tế của Tiền Giang. Bởi như trước trước đây, các đô thị chính của Tiền Giang đều tập trung trên hành lang giao thông Quốc lộ 1 và Quốc lộ 50.

Tuy nhiên, trong tương lai, 2 hành lang này không còn nhiều dư địa tăng trưởng, thêm nữa 2 hành lang này cũng không phải là những tiềm năng đặc biệt của Tiền Giang khi so sánh với tỉnh khác như Long An.

Chính vì vậy, trục động lực mới dọc sông Tiền được định hình sẽ là hướng mở mới trong chặng đường tiếp theo của kinh tế Tiền Giang với các tỉnh, thành lân cận. Để dần hiện thực hóa mục tiêu này, Tiền Giang đã và tập trung đầu tư hạ tầng giao thông dọc sông Tiền, đặc biệt là Dự án Đường tỉnh 864 (Đường dọc sông Tiền) với tổng chiều dài hơn 111 km, chạy dọc từ huyện Cái Bè đến xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông), với tổng vốn đầu tư hơn 3.262 tỷ đồng, đã và đang được gấp rút triển khai sẽ góp phần tạo nên không gian mới cho tuyến dọc sông Tiền. Dự kiến đến năm 2025, dự án này sẽ đi vào khai thác, mở ra một chương mới cho khu vực ven sông Tiền của Tiền Giang.

Tại buổi họp báo do UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức vào chiều 18-3, UBND tỉnh dự kiến tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang vào ngày 24-3 tại Hội trường Ấp Bắc (Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang), với dự tham dự của khoảng 600 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành; doanh nghiệp, nhà đầu tư, các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài tỉnh.

Hội nghị Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang được tổ chức nhằm công bố Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1762 ngày 31-12-2023, kết hợp với xúc tiến mời gọi đầu tư, giới thiệu quảng bá những tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh Tiền Giang, nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư, công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tỉnh.

Tại hội nghị này, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cũng sẽ trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án, Chủ trương nghiên cứu dự án cho 10 dự án đầu tư. Đồng thời, tỉnh Tiền Giang sẽ giới thiệu 40 dự án ưu tiên mời gọi đầu tư thuộc các lĩnh vực: Phát triển đô thị, khu dân cư (13 dự án); thương mại, dịch vụ, du lịch (7 dự án); công nghiệp (12 dự án); kết cấu hạ tầng: Giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường (5 dự án) và nông nghiệp (3 dự án).

Một trong những chiến lược phát triển tới đây là việc nâng cấp Quốc lộ 50 và tuyến đường ven biển mới sẽ được triển khai, kết nối từ TP. Hồ Chí Minh qua Long An - Tiền Giang - Bến Tre sẽ góp phần thay đổi hoàn toàn vai trò của khu vực Gò Công, nhất là huyện Gò Công Đông và huyện cù lao Tân Phú Đông.

Trong tương lai khi tuyến đường ven biển hình thành, tổ chức nút giao kết nối vào hệ thống giao thông trong huyện Gò Công Đông để tận dụng 2 cầu bắc qua sông Cửa Tiểu và Cửa Đại tạo nên một bức tranh mới với nhiều gam màu sáng hơn cho khu vực này.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hiếu Lễ đánh giá, việc Trung ương đầu tư tuyến đường ven biển kết nối với các tỉnh trong khu vực sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho Tiền Giang phát triển, đặc biệt là khu vực Gò Công. Vì lẽ đó, thời gian vừa qua, Tiền Giang cũng đã tập trung nghiên cứu phát triển kinh tế biển đồng bộ ở khía cạnh như: Cảng biển, khu công nghiệp, khu đô thị biển…

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Tiền Giang cũng sẽ từng bước đầu tư các trục giao thông quan trọng ven sông Tiền; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để triển khai các dự án giao thông quan trọng, mang tính kết nối vùng.

TRỌNG ĐIỂM CÁC VÙNG

Một trong những phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội quan trọng của Tiền Giang được đề cập trong Quyết định 1762 ngày 31-12-2023 của Thủ tướng Chính phủ là dựa vào 3 vùng kinh tế - xã hội là: Vùng Trung tâm, vùng phía Tây và vùng phía Đông.

Tiền Giang đang tập trung đầu tư Dự án Đường tỉnh 864 (Đường dọc sông Tiền).
Tiền Giang đang tập trung đầu tư Dự án Đường tỉnh 864 (Đường dọc sông Tiền).

Thật ra, phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo 3 vùng kinh tế - xã hội không phải tư duy mới hoàn toàn mà được kế thừa theo quy hoạch trước đây của tỉnh Tiền Giang, đặc biệt Tiền Giang cũng đã ban hành Nghị quyết 10 ngày 5-4-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10, Tiền Giang cũng đã gặt hái được rất nhiều thành công, mở ra nhiều cơ hội mới để mỗi vùng kinh tế vươn lên.

Thực tế đã cho thấy, Tiền Giang đã đạt được những thành tựu rất quan trọng sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 10, nhất là thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp và sản xuất nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao.

Chẳng hạn, vùng Trung tâm hiện có 2 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 100% diện tích, gồm: Khu công nghiệp Mỹ Tho và Khu công nghiệp Tân Hương và 3 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, gồm: Cụm công nghiệp Trung An, Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho), Cụm công nghiệp Song Thuận (huyện Châu Thành)…

Vùng phía Tây được tiếp tục thực hiện hỗ trợ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng sản xuất lúa cho các hợp tác xã (Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững - VnSAT); triển khai thực hiện Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi thủy sản trên đất trồng lúa khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 tỉnh, Dự án Chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sầu riêng, xoài… Riêng vùng phía Đông cũng được tập trung triển khai thực hiện Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông đến năm 2025 đạt hiệu quả tích cực…

Tuy nhiên, phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo 3 vùng kinh tế - xã hội được đề cập trong quy hoạch lần này trên tinh thần kế thừa những kết quả đạt được cũng đã nhấn mạnh thêm những trọng tâm của các vùng để tập trung phát triển hơn, chẳng hạn như vùng Đông Nam Tân Phước hay khu vực Gò Công. Đây là những vùng mang tính trọng điểm, đặc biệt là có tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp.

Về mục tiêu cụ thể, vùng Trung tâm sẽ được tính toán nhằm hạn chế phát triển đô thị trên diện rộng, chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng đô thị hiện hữu, có thể bổ sung thêm các đô thị mới có tiềm năng, động lực để phát triển với quy mô phù hợp thực tế, khai thác tốt hơn lợi thế ven sông Tiền, kết nối tốt hơn với vùng nông thôn và các đô thị lớn, đô thị hiện hữu.

Vùng phía Tây được định hướng tập trung phát triển công nghiệp, cây ăn trái, lúa - gạo, thủy sản gắn với công nghiệp chế biến và phát triển đô thị, du lịch sinh thái. Vùng phía Đông trong tương lai cần tổ chức lại không gian ven biển, tập trung phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gồm: Đô thị, du lịch, logistics và năng lượng để trở thành động lực phát triển của tỉnh…

A.P

.
.
.