Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại
Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại nhằm nâng cao đời sống nông dân, giúp nông thôn khởi sắc là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, đưa đất nước phát triển một cách bền vững. Trong tiến trình đó, nông dân đóng vai trò chủ thể chính để cùng với các mắt xích khác xây dựng nền nông nghiệp xanh - sạch và tạo giá trị gia tăng cao.
CHÍNH SÁCH GẮN VỚI THỰC TIỄN
Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26 ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và hơn 1 năm triển khai Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tiền Giang xây dựng và triển khai thực hiện nhiều đề án, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn để hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Cụ thể gồm các đề án: Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025; Phát triển cây thanh long, cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2025; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi thủy sản khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang; Điều chỉnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh đến năm 2030; Dự án Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025; Dự án Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ thanh long, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, gà ác, chim cút tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Tiền Giang đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn gắn với thị trường xuất khẩu. Ảnh: CAO THẮNG |
Đồng thời, Tiền Giang chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là việc tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất theo số lượng sang sản xuất theo chất lượng và nhu cầu thị trường, thay đổi cách tiếp cận mới trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra nhiều không gian phát triển mới, những giá trị mới cho nông nghiệp. Cùng với đó là hỗ trợ nông dân ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa, sản xuất an toàn, qua đó giúp cải thiện kỹ thuật, năng suất, chất lượng nông sản góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Điển hình năm 2023, có trên 300 cuộc tập huấn, tham quan, tuyên truyền, hội nghị với hơn 5.600 lượt người tham gia; xây dựng, triển khai thực hiện 7 mô hình, 5 dự án khuyến nông tập trung vào ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và sản xuất theo hướng hữu cơ gắn liên kết tiêu thụ, an toàn sinh học trong chăn nuôi… Đến nay, có khoảng 50.248 ha áp dụng hệ thống tưới phun mưa, có khoảng 860 ha rau màu được trồng trong nhà lưới, nhà màng; cơ giới hóa các khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch, sấy lúa đã đạt 100% diện tích…
Ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng mã số vùng trồng, làm cơ sở để truy xuất nguồn gốc và xuất khẩu nông sản sang thị trường các nước góp phần nâng cao giá trị gia tăng; nhất là thị trường xuất khẩu trái cây trong năm 2023 được mở rộng. Đến nay, toàn tỉnh có 20.444 ha cây ăn trái với 284 mã số vùng trồng xuất khẩu, 308 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu, 2 mã số vùng trồng trên cây rau với diện tích 202 ha và 24 mã số vùng trồng trên cây lúa với diện tích 4.387 ha.
Riêng giai đoạn 2015 - 2022, ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 125 cơ sở (trên cây lúa là 8 cơ sở/301 ha; rau và cây ăn trái là 78 cơ sở/1.040 ha; chăn nuôi là 26 cơ sở/956.918 con heo, gà; thủy sản là 13 cơ sở/43,26 ha). Qua đó, tạo cơ sở để hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, từng bước thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh và tạo điều kiện để sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường các nước.
Bên cạnh đó, năm 2023, sản phẩm OCOP của tỉnh Tiền Giang tăng mạnh về số lượng và chất lượng ngày càng được nâng cao (tăng 85 sản phẩm) vượt mục tiêu ban đầu đề ra đến năm 2025 có 200 sản phẩm đạt 3 sao trở lên. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 259 sản phẩm đủ điều kiện công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao uy tín sản phẩm của tỉnh ngày một vươn xa hơn trên thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống ở khu vực nông thôn.
Bằng sự chung sức, chung lòng vì mục tiêu chung, công tác huy động, gắn kết phát triển kinh tế hộ được triển khai thuận lợi, với trên 47.300 thành viên tham gia hoạt động tại 194 hợp tác xã nông nghiệp. Nhiều mô hình hợp tác xã điển hình với cách làm mới, sản xuất gần với chuỗi giá trị, các hợp tác xã phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP và kết hợp với du lịch nông thôn, giúp kinh tế hộ thành viên từng bước được cải thiện.
Đồng thời, để từng bước thay đổi phương thức hợp tác, liên kết sản xuất của nông dân theo hợp đồng và liên kết theo chuỗi sản xuất, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh đã thu hút 60 doanh nghiệp, đảm bảo được đầu ra, đầu vào ổn định cho 31 hợp tác xã và 1.345 hộ nông dân. Từ đó, nông dân có thu nhập cao và làm giàu từ chính sản phẩm nông nghiệp của mình làm ra.
GỠ KHÓ, TẠO GIÁ TRỊ BỀN VỮNG
Hiện nay, việc cấp, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, vùng trồng sản xuất nhỏ lẻ, trồng xen nhiều loại cây trồng; hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói chậm được phê duyệt bởi các nước nhập khẩu; các vùng trồng chưa chủ động đề nghị giám sát trước mỗi vụ thu hoạch theo quy định; chưa có văn bản quy định xử phạt hành chính đối với các vùng trồng và cơ sở đóng gói không tuân thủ các quy định về xuất khẩu, cũng như gian lận trong việc sử dụng mã số.
Tập trung hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: VĂN THẢO |
Bên cạnh đó, tỷ lệ cơ sở duy trì, tái chứng nhận GAP còn thấp so với số cơ sở được hỗ trợ. Quy mô hoạt động hợp tác xã còn nhỏ lẻ, manh mún; doanh thu, lợi nhuận chưa cao, chưa có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả; thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, đất đai nên không đáp ứng đủ điều kiện để tiếp cận các chính sách hỗ trợ về đầu tư kết cấu hạ tầng, lao động trẻ, chính sách hỗ trợ vay vốn.
Ngoài ra, do sử dụng nhiều nguồn kinh phí để hỗ trợ, mỗi nguồn có cơ chế hướng dẫn riêng và các văn bản hướng dẫn của Trung ương thường xuyên thay đổi bổ sung liên tục, gây khó khăn cho địa phương trong việc hướng dẫn triển khai thực hiện; chính sách hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết có tỷ lệ đối ứng cao (70%) nên nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chưa mặn mà, còn e ngại hoặc không có khả năng đối ứng; các nội dung thực hiện được theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu, chủ đầu tư dự án là hợp tác xã hoặc doanh nghiệp chưa nắm bắt hoặc không đủ năng lực để thực hiện.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Võ Văn Lập cho biết, trong thời gian tới, cần phải tranh thủ các nguồn lực Trung ương phân bổ và các nguồn xã hội hóa. Hằng năm, đơn vị phối hợp với địa phương tổng hợp nhu cầu và xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện các chính sách hiện hành. Trong đó, tập trung hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh trên nền tảng ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Vấn đề nữa cũng rất quan trọng là tổ chức lại sản xuất, phát triển mạnh kinh tế hợp tác, trọng tâm là hợp tác xã, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng trên cơ sở triển khai thực hiện Chương trình Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, đổi mới toàn diện hình thức tổ chức và nội dung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, nhất là lao động trẻ, đáp ứng nhu cầu thị trường, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó là phát triển sản phẩm OCOP xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn gắn với thị trường xuất khẩu, dựa trên lợi thế đặc hữu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội từng khu vực.
LÊ MINH