.

Khá lên nhờ nuôi cá cảnh

Cập nhật: 08:54, 28/03/2024 (GMT+7)

Đó là cựu chiến binh (CCB) Lê Văn Tươi (ngụ ấp 1, xã Trung An, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), người nuôi cá cảnh có tiếng về đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ hơn chục cặp cá cảnh của người con trai mua về nuôi giải trí, đến khi nhân được giống, ông Tươi nghĩ ngay đến việc nuôi và kinh doanh cá cảnh. Đến nay, ông Tươi sở hữu cơ ngơi nuôi cá cảnh với quy mô khá lớn, thu lợi nhuận hằng năm cả trăm triệu đồng.

Ông Tươi bên các hồ nuôi cá cảnh của gia đình.
Ông Tươi bên các hồ nuôi cá cảnh của gia đình.

Năm 1976, ông Tươi tình nguyện nhập ngũ vào bộ đội, được phân công về đơn vị Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 9 (bộ phận sản xuất). Đến năm 1981, ông chuyển về công tác tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Tiền Giang và sinh sống tại xã Trung An, TP. Mỹ Tho.

“Thời điểm này, tôi được bố trí làm Trưởng Phòng Giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐTB&XH tỉnh Tiền Giang, ngoài công việc Nhà nước, bản thân cũng làm thêm kinh tế để cải thiện cuộc sống gia đình. Lúc đầu, tôi đầu tư nuôi cua, rồi nuôi lươn không thành công, sau đó chuyển qua nuôi cá tai tượng, quá trình nuôi 22 năm cũng có lợi nhuận nhưng càng về sau thì không khá lắm.

Đến khi, con trai tôi mua hơn chục cặp cá cảnh về nuôi để giải trí, rồi nhân được giống, thì tôi nghĩ ngay đến việc nuôi và kinh doanh cá cảnh, từ đó gắn bó với nghề nuôi cá cảnh cho tới bây giờ”, ông Tươi kể.

Ông Tươi cho biết, đầu năm 2020, mẻ cá cảnh đầu tiên được ông bán ra với giá mỗi cặp thấp nhất là 30.000 đồng, tối đa là 100.000 đồng, doanh thu từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng. Hiện tại, gia đình ông Tươi có gần trăm bạt, hồ kính và bể xi măng nuôi các loài cá cảnh, như: Ngủ sắc, cá vàng, cá lam xanh, cá cầu vồng, cá thạch… với tổng diện tích khoảng 1.000 m2.

Hiện nay, ông Tươi đã tạo được con giống và cứ 1 m3 nước thả khoảng 200 cá bột giống, giảm rất nhiều chi phí cho người nuôi. Về thức ăn, các loài cá cảnh chủ yếu là ăn trùn chỉ, mỗi ngày khoảng 5 - 10 kg trùn chỉ và cho ăn thêm cám viên, thức ăn công nghiệp, cám bột Thái…

Về kỹ thuật nuôi cá cảnh, theo ông Tươi không có gì khó, có thể nuôi trong bể kính, hồ xi măng, ao, thùng xốp… Do đó, nuôi cá cảnh để tăng thêm thu nhập được xem là mô hình kinh tế nông nghiệp đô thị mà ai cũng có thể làm được.

Ông Tươi là một trong những hộ nông dân, CCB đi đầu trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao từ mô hình nuôi và kinh doanh cá cảnh, với thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng, đồng thời tạo việc làm cho hàng chục lao động.

Ông Tươi còn là Tổ trưởng Tổ cá cảnh của xã Trung An. Với vai trò này, ông đã vận động hàng chục hộ (chủ yếu là hộ CCB có hoàn cảnh khó khăn) vào tổ cá cảnh và hướng dẫn chọn giống, nhân giống, kỹ thuật nuôi… để cải thiện thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Không chỉ thành công với mô hình nuôi và kinh doanh cá cảnh làm giàu cho bản thân, ông Tươi còn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội, hỗ trợ trong sản xuất, kinh doanh, giúp đỡ những hộ nghèo, hộ khó khăn, hộ chính sách ở địa phương bằng việc trích từ thu nhập của gia đình và vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm 1.000 phần quà, 5 tấn gạo mỗi năm cho các đối tượng khó khăn trên địa bàn.

Với những đóng góp của mình, từ năm 2020 đến nay, CCB Lê Văn Tươi được Hội Nông dân các cấp và UBND xã Trung An tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen về thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

LÊ HỒNG LÂM

.
.
.