Hạn chế thiệt hại do xâm nhập mặn
Hiện nay, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn cao điểm của mùa khô 2023-2024 và dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao đến hết tháng 4, tháng 5. Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến việc lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của công trình thủy lợi và hơn 29 nghìn ha lúa đông xuân muộn.
Cống Xuân Hòa xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) là cống lấy nước ngọt chủ lực phục vụ cho vùng ngọt hóa Gò Công. Ảnh Nguyễn Sự. |
Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện đang ở cuối giai đoạn Biển Hồ cung cấp nước ra sông Mê Kông, dung tích trữ đến ngày 6-3 còn khoảng 2,35 tỷ m3, so với trung bình nhiều năm thấp hơn 0,66 tỷ m3.
Hiện tại đang vào giai đoạn giữa mùa khô 2023-2024, cao điểm của nắng nóng và xâm nhập mặn, ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa. Nguồn nước về đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 3 khả năng vẫn ở mức thấp, dẫn đến xâm nhập mặn ở mức cao đến hết mùa khô, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.
Cục phó Thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh
Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long từ đầu mùa khô tính đến ngày 8-3 diễn ra cao hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2023. Thời điểm xâm nhập mặn bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 12-2023, sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 30 ngày.
Cục phó Thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh cho biết: “Hiện tại đang vào giai đoạn giữa mùa khô 2023-2024, cao điểm của nắng nóng và xâm nhập mặn, ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa. Nguồn nước về đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 3 khả năng vẫn ở mức thấp, dẫn đến xâm nhập mặn ở mức cao đến hết mùa khô, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt”.
Ranh mặn 4 g/l lớn nhất trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức 80 đến 85 km, cao hơn mức lớn nhất đầu mùa khô đến nay từ 11 đến 15 km; cao hơn từ 13 đến 15 km so với năm 2023. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển từ 75 km trở xuống vào các ngày triều cường.
Các đợt xâm nhập mặn cao dự báo xuất hiện từ ngày 7 đến 13-3 và 24 đến 28-3. Theo đó, ở các cửa sông Cửu Long, ranh mặn 4 g/l có khả năng xâm nhập từ 50 đến 65 km (tùy từng cửa sông), cao hơn mức lớn nhất đầu mùa khô đến nay từ 3 đến 7 km. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển 50 đến 60 km trong các kỳ triều cường.
Ranh mặn 4 g/l lớn nhất trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức 80 đến 85 km, cao hơn mức lớn nhất đầu mùa khô đến nay từ 11 đến 15 km; cao hơn từ 13 đến 15 km so với năm 2023. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển từ 75 km trở xuống vào các ngày triều cường. |
Hiện nay còn khoảng 29.260 ha lúa có nguy cơ ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Đây là diện tích lúa vụ đông xuân muộn sản xuất ngoài kế hoạch, thuộc vùng khuyến cáo không xuống giống sau ngày 15-1.
Qua đánh giá, diễn biến xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 phù hợp với thông tin nhận được đã được các cơ quan chuyên môn nhận định. Theo dự báo, xâm nhập mặn năm nay có khoảng 56.260 ha lúa và 43.300 ha cây ăn trái thuộc vùng có nguy cơ ảnh hưởng cao. Nhưng với các giải pháp ứng phó hiệu quả cho nên hiện toàn bộ diện tích lúa trong vùng được khuyến cáo có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn đã được thu hoạch xong, không bị thiệt hại.
Để đạt được những kết quả đó là do các bản tin dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 được cung cấp từ tháng 9-2023 và liên tục được cập nhật theo tuần/tháng, bao gồm việc xác định rõ các diện tích sản xuất nông nghiệp có nguy cơ bị ảnh hưởng, làm cơ sở để tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp ứng phó.
Cục phó Thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh
Tuy nhiên, hiện nay còn khoảng 29.260 ha lúa có nguy cơ ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Đây là diện tích lúa vụ đông xuân muộn sản xuất ngoài kế hoạch, thuộc vùng khuyến cáo không xuống giống sau ngày 15-1. Trong đó, tỉnh Tiền Giang là 1.400 ha, Bến Tre 2.500 ha, Trà Vinh 13.000 ha, Sóc Trăng 6.000 ha và Cà Mau 6.360 ha.
Cũng theo Cục phó Thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh: “Để đạt được những kết quả đó là do các bản tin dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 được cung cấp từ tháng 9-2023 và liên tục được cập nhật theo tuần/tháng, bao gồm việc xác định rõ các diện tích sản xuất nông nghiệp có nguy cơ bị ảnh hưởng, làm cơ sở để tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp ứng phó”.
Trong đó, vụ đông xuân 2023-2024, khu vực đồng bằng sông Cửu Long xuống giống 1,499 triệu ha, đạt 99,98% theo kế hoạch. Đến ngày 8/3, diện tích đã thu hoạch khoảng 574.923 ha, bao gồm toàn bộ diện tích được đẩy sớm thời vụ gieo trồng từ tháng 10, 11-2023 để né mặn. Đến nay, không có diện tích trong vùng được khuyến cáo nguy cơ ảnh hưởng xâm nhập mặn bị thiệt hại.
Bên cạnh đó, cống âu Nguyễn Tấn Thành cũng được đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa vào vận hành và khai thác sớm góp phần hỗ trợ ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất nông nghiệp với diện tích khoảng 12.580 ha và tạo nguồn nước thô cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt phục vụ cho khoảng 800.000 người dân của tỉnh Tiền Giang.
Ngoài ra, việc vận hành các công trình thủy lợi hợp lý để tăng cường tích trữ nước trong hệ thống kênh rạch, ao, hồ phân tán, lu, bể... phục vụ tưới cho lúa, cây ăn trái, nước sinh hoạt đã được các địa phương, đơn vị, người dân tổ chức thực hiện tốt, bảo đảm chủ động ứng phó với ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Vụ đông xuân 2023-2024, khu vực đồng bằng sông Cửu Long xuống giống 1,499 triệu ha, đạt 99,98% theo kế hoạch. Đến ngày 8/3, diện tích đã thu hoạch khoảng 574.923 ha.
Để chủ động ứng phó với nguy cơ xâm nhập mặn cao, thiếu nước ngọt cục bộ, ngày 8-3 Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 19/CĐ-TTg yêu cầu các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh chủ động bố trí nguồn lực của địa phương và huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, triển khai ngay các biện pháp cần thiết phù hợp nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân; kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng.
Tổ chức theo dõi chặt chẽ, nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin về tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn tại từng khu vực trên địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến để có dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước, nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân; chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai phòng, chống thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với diễn biến thực tế tại từng khu vực, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp…
Dự báo, từ nay đến 13-3 là cao điểm xâm nhập mặn đợt này, vì vậy Cục Thủy lợi đề nghị các địa phương và bà con nông dân cần tăng cường theo dõi diễn biến, dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn để chủ động các giải pháp ứng phó phù hợp. Các địa phương cần tiếp tục khuyến cáo người dân tuyệt đối không xuống giống lúa ở các vùng đang có nguy cơ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn; chỉ tổ chức xuống giống khi xuất hiện mưa, nguồn nước bảo đảm cung cấp ổn định.
Đồng thời, các địa phương tiếp tục tăng cường việc vận hành các công trình thuỷ lợi để lấy, tích trữ nước ngọt tối đa vào hệ thống kênh mương, ao đầm, khu trũng phục vụ sản xuất, dân sinh; tại các vùng cây ăn trái tiếp tục thực hiện trữ nước trong các ao, hồ phân tán, bảo đảm đủ nguồn nước cung cấp để duy trì sức sống tối thiểu của cây trồng trong thời gian ảnh hưởng của xâm nhập mặn; Bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước sinh hoạt cho người dân; hỗ trợ người dân lấy, trữ nước phục vụ sinh hoạt.
Theo nhandan.vn