.

Huy động nguồn lực phát triển nông nghiệp thuận thiên vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật: 20:26, 21/03/2024 (GMT+7)

Chiều 21/3, tại Cà Mau, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị quốc gia về huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại đồng bằng sông Cửu Long.

Quang cảnh Hội nghị quốc gia về huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại đồng bằng sông Cửu Long.
Quang cảnh Hội nghị quốc gia về huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại đồng bằng sông Cửu Long.

Tham dự hội nghị có khoảng 300 đại biểu từ các bộ, ban, ngành, 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, các cơ quan trong nước, các tổ chức tài chính, đối tác phát triển quốc tế, các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân quốc tế và trong nước cùng các hiệp hội ngành hàng về nông nghiệp…

Hội nghị lần này là hành động cụ thể của Việt Nam nhằm triển khai cam kết Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26 và COP28), gắn với Nghị quyết 120/NQ-CP về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (còn gọi là Nghị quyết “thuận thiên”).

Hội nghị thu hút đông đảo đại biểu ngoài nước và các lãnh đạo, chuyên gia khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Hội nghị thu hút đông đảo đại biểu ngoài nước và các lãnh đạo, chuyên gia khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đây cũng là dịp để các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long cùng ngồi lại để bàn bạc, thống nhất kích hoạt các giải pháp nhằm triển khai, nhân rộng các mô hình canh tác thuận thiên có hiệu quả, từ đó tạo nên những sản phẩm nông nghiệp đặc thù chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và xu hướng tiêu dùng nông sản sạch của thế giới.

Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Minh Hoan phát biểu khai mạc Hội nghị quốc gia về huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Minh Hoan phát biểu khai mạc Hội nghị quốc gia về huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Minh Hoan, khẳng định: Thuận thiên không phải là không làm gì cả, mà là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái.

Để phát triển nông nghiệp thuận thiên đạt hiệu quả, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi các đối tác quốc tế hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Chính phủ Việt Nam, đặc biệt về nguồn lực, giải pháp tài chính linh hoạt… nhằm triển khai các “Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Luân canh lúa-tôm tại huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) được xem là mô hình sản xuất thuận thiên, đang được phát triển nhiều nơi trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp).
Luân canh lúa-tôm tại huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) được xem là mô hình sản xuất thuận thiên, đang được phát triển nhiều nơi trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp).

Trong đó có Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; “Đề án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng đồng bằng sông Cửu Long”…

Các sản phẩm nông nghiệp bền vững được trưng bày, giới thiệu bên lề hội nghị huy động nguồn lực phát triển nông nghiệp thuận thiên vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Các sản phẩm nông nghiệp bền vững được trưng bày, giới thiệu bên lề hội nghị huy động nguồn lực phát triển nông nghiệp thuận thiên vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hội nghị nhằm kết nối các địa phương với doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp thuận thiên, tạo liên kết chuỗi với tổ nhóm nông dân để phát triển sản xuất kinh doanh thông qua việc cung cấp các nguồn tài chính linh hoạt từ các quỹ đầu tư, các thể chế tài chính đa phương và song phương…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất các nguồn lực hỗ trợ của các đối tác quốc tế, cũng như tham mưu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp tăng cường chính sách về thu hút viện trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư nước ngoài và các quy định về tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn không hoàn lại hài hoà thủ tục giữa bên tiếp nhận và bên hỗ trợ.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có diện tích khoảng 40.000km2, dân số khoảng 17 triệu người, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và an ninh lương thực của Việt Nam. Chỉ riêng về lúa gạo, khu vực trên đóng góp hơn 90% tổng lượng lúa gạo xuất khẩu của cả nước, giúp Việt Nam đứng thứ 3 trong số các quốc gia xuất khẩu lúa lớn nhất thế giới.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp nhưng đang đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp).
Vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp nhưng đang đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp).

Tuy có nhiều lợi thế về nông nghiệp nhưng vùng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là nguồn nước phục vụ sản xuất, cũng như những tác động bất lợi từ các hình thái của biến đổi khí hậu.

Các nhà khoa học cảnh báo, vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể nằm dưới mực nước biển vào cuối thế kỷ nếu không có các hành động trên toàn lưu vực sông. Mặc khác, nếu tiếp tục phát triển không bền vững có thể khiến 90% diện tích của toàn vùng bị nhấn chìm, kèm theo các tác động to lớn ở cấp độ quốc gia và toàn cầu.

Để ứng phó hữu hiệu với các nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai, thời gian gần đây, nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai một số chương trình hành động về nông nghiệp thông minh, sản xuất nông nghiệp theo hướng thuận thiên… để nông dân địa phương áp dụng.

Nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn (tôm-rừng) tại huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) được đánh giá là một trong những mô hình sản xuất thuận thiên. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp).
Nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn (tôm-rừng) tại huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) được đánh giá là một trong những mô hình sản xuất thuận thiên. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp).

Song hành đó, một số đối tác như đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) cũng hỗ trợ, triển khai thí điểm một số giải pháp thuận thiên tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, như: mô hình lúa-cá, lúa-tôm, lúa-sen, tôm-rừng, tôm-lúa… Những mô hình này cho kết quả khả quan về mặt kinh tế nhưng vẫn bảo tồn được đa dạng sinh học và môi trường sinh thái, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm sức khỏe cho con người và thiên nhiên.

(Theo nhandan.vn)

 

 

 

 

.
.
.