Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
Năm 2024 là thời điểm để các nhà đầu tư nước ngoài nắm bắt cơ hội, triển khai các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) công nghệ cao tại Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Bích Lâm , nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh Thúy Hiền /BNEWS |
Sức mạnh kinh tế Việt Nam đã thể hiện qua các chỉ số kinh tế vĩ mô được kiểm soát và Việt Nam ngày càng khẳng định, củng cố vai trò quan trọng trong chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Năm nay sẽ là thời điểm để các nhà đầu tư nước ngoài nắm bắt cơ hội, triển khai các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) công nghệ cao tại Việt Nam.
Để hiểu rõ hơn những điểm sáng trong bức tranh thu hút vốn FDI và những giải pháp nâng cao năng lực và động lực thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế trong thời gian tới, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.
Phóng viên: Từ đầu năm đến nay, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam khá lớn, ông đánh giá thế nào về dấu ấn này?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: 2 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6%, tăng rất cao so với cùng kỳ năm trước. Số vốn FDI giải ngân cũng rất tích cực, đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết của họ tại thị trường Việt Nam. Điều này phản ánh năng lực hấp thu và giải ngân vốn đầu tư của nền kinh tế nước ta.
Theo tôi, một điểm đáng chú ý về vốn FDI tại Việt Nam trong thời gian qua là số dự án mới và số vốn mới đăng ký rất cao. Đây là tín hiệu tốt, chúng ta kỳ vọng lượng vốn đăng ký mới này sẽ sớm được giải ngân, thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Phóng viên: Trong bối cảnh kinh tế thế giới phân mảng, các tập đoàn đa quốc gia thận trọng đưa ra quyết định đầu tư thì dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực. Thưa ông, điều gì đã giúp Việt Nam thu hút được lượng vốn đầu tư lớn?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Trong bối cảnh thế giới bất định, khó lường, cạnh tranh chiến lược gay gắt, kinh tế thế giới phân mảng làm suy giảm và định hình lại dòng vốn đầu tư quốc tế. Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, là điểm đến đáng đầu tư nhất trong thời gian tới bởi những thế mạnh của nền kinh tế nước ta.
Đó là, nền kinh tế phục hồi và phát triển ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu. Nghiên cứu “Thế giới năm 2050” của hãng tư vấn PwC nhận định: Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm cao thứ hai trên toàn thế giới và GDP sẽ tăng trung bình 5,3% mỗi năm trong giai đoạn kéo dài 36 năm từ 2014-2050. Chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng này là minh chứng cho mức độ thành công trong công tác điều hành của Chính phủ trong việc phục hồi và duy trì sự phát triển ổn định của nền kinh tế.
Cùng với đó, Việt Nam có nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng với nguồn cung dồi dào; giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Môi trường thể chế được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là cởi mở và thân thiện nhất. Các rào cản trong kinh doanh, đầu tư được dỡ bỏ, mở đường cho môi trường thông thoáng, minh bạch và đầy cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao việc Việt Nam khẳng định và hoà nhập với xu hướng phát triển xanh của thế giới bằng cam kết mạnh mẽ và khẩn trương triển khai thực hiện các quy định của COP 26. Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, với phương pháp quản lý hiện đại và đóng góp tích cực vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt, kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng vào khu vực và thế giới. Việt Nam cũng đã ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do, với hơn 60 đối tác phủ rộng khắp các châu lục. Xét về mức độ tự do hóa tiếp cận thị trường, theo Tổ cức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam ngang hàng với Singapore – quốc gia phát triển nhất khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã nới lỏng quy định sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết làm giảm bớt gánh nặng cho nhà đầu tư. Từ năm 2015, Chính phủ đã cho phép nới lỏng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết lên tới 100% trong một số trường hợp; cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư không giới hạn vào trái phiếu Chính phủ.
Thêm nữa, Việt Nam có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi, cửa ngõ giao thương hàng hóa quốc tế bằng đường biển. Cơ sở hạ tầng và công nghệ ngày càng đồng bộ cũng là lợi thế và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam.
Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 2, TX. Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã đầu tư hạ tầng chuẩn bị sẵn sàng đón các nhà đầu tư FDI lớn. Ảnh Hoàng Nhi - TTXVN |
Phóng viên: Với những lợi thế và kết quả thực tế trong thu hút vốn FDI, liệu năm 2024 sẽ là năm đột phá về thu hút FDI không, thưa ông?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Trong bối cảnh kinh tế thế giới bất định, khó lường. Lợi ích và an ninh quốc gia đang định hình toàn diện mọi chính sách kinh tế trên quy mô toàn cầu. Trong những cuộc thảo luận về sử dụng nguồn vốn, các công ty đa quốc gia tập trung trao đổi nhiều hơn đến vấn đề chuyển dịch dòng vốn về nước mình hay về gần nước mình.
Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; với chính sách ngoại giao linh hoạt, đúng đắn, Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ngày 7/3/2024, Australia đã trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện thứ 7 của Việt Nam. Vị thế của Việt Nam được nâng tầm, trở thành một trung tâm chính trị - kinh tế - an ninh khu vực. Việt Nam trở thành nước thân hữu của cộng đồng kinh tế và chính trị quốc tế, là nền kinh tế kết nối trong thế giới phân mảng. Đây là lợi thế mà chỉ một số rất ít các quốc gia có được.
Việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và Nhật Bản, với trọng tâm hợp tác thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ là tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế. Đặc biệt, đối với đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao và xuất khẩu chính là cơ hội tạo sự đột phá về thu hút dòng vốn FDI trong năm 2024 và các năm sau.
Với vai trò ngày càng được củng cố của kinh tế, trong chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến phục hồi tích cực hơn trong năm nay. Nền tảng chính trị xã hội ổn định là yếu tố cốt lõi, quan trọng trong triển vọng tạo sự đột phá thu hút vốn FDI năm 2024 của Việt Nam. Mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch Ratings đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng ổn định.
Với các thành quả đạt được, những lợi thế và vị thế của nền kinh tế, năm 2024 sẽ là năm đột phá về thu hút FDI của nước ta.
Phóng viên: Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tham gia vào được các dự án FDI công nghệ cao cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, điều kiện đầu tiên, quan trọng nhất đó là doanh nghiệp phải xây dựng được năng lực nền tảng tham gia sâu vào chuỗi giá trị các ngành công nghệ cao.
Năng lực nền tảng của doanh nghiệp gồm đội ngũ quản trị và lao động chất lượng cao, có trình độ, kỹ năng nghề tốt. Doanh nghiệp phải làm chủ công nghệ, có năng lực đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngành công nghệ cao liên quan tới chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp cần xác định, lựa chọn những khâu phù hợp để tham gia vào chuỗi cung ứng. Chẳng hạn, một chiếc điện thoại thông minh có 165 thiết bị bán dẫn nên doanh nghiệp phải lựa chọn tham gia sản xuất bao nhiêu thiết bị trong số 165 thiết bị.
Do đó, Việt Nam cần có những doanh nghiệp mạnh, có vai trò đầu tàu dẫn dắt, kết nối với các doanh nghiệp khác trở thành các doanh nghiệp vệ tinh tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần liên kết tạo thành hệ sinh thái đầy đủ, đồng bộ để tham gia vào chuỗi giá trị các ngành công nghệ cao.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt liên kết với công ty đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao và đây là con đường ngắn nhất để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với năng lực hiện tại của doanh nghiệp trong nước, Chính phủ và các địa phương cũng có vai trò rất quan trọng, không thể thiếu trong hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu. Trong giai đoạn ban đầu, Chính phủ và các địa phương thực hiện vai trò “bà đỡ, nuôi dưỡng và người bạn đồng hành tin cậy” của doanh nghiệp trong đào tạo, đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ năng và chất lượng. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp về vốn và tiếp thu công nghệ tiên tiến.
Hoạt động sản xuất trong nhà xưởng Công ty TNHH Cơ khí Động lực Toàn Cầu (khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom). Ảnh Hồng Đạt - TTXVN |
Phóng viên: Dòng chảy FDI trên thế giới chứng kiến sự thay đổi kể từ năm 2024 khi các nước thực hiện quy định về thuế tối thiểu toàn cầu. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để tiếp tục thu hút nguồn vốn này?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Để tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu buộc phải sửa đổi chiến lược và chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng: xóa bỏ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp bằng các giải pháp tăng cường khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng và tay nghề với mức lương cạnh tranh trong khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh chiến lược, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; chính sách ưu đãi đầu tư áp dụng bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp trong bối cảnh mới, phù hợp với thuế tối thiểu toàn cầu.
Thay vì ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp không còn giá trị, Chính phủ nghiên cứu, có giải pháp hỗ trợ phù hợp các khoản chi phí đầu tư, đào tạo lao động, chi phí nghiên cứu và phát triển, xây dựng nhà ở cho người lao động; hỗ trợ tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường cho nhóm doanh nghiệp FDI đang hoạt động và nhóm doanh nghiệp FDI sẽ hoạt động tại Việt Nam trong thời gian tới.
Cùng với đó, khẩn trương nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, công nghệ, thông tin và logistics đồng bộ; hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý rõ ràng, công khai, minh bạch và quy định rõ, đơn giản các thủ tục liên quan tới quyền sử dụng đất; phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, có cơ chế khuyến khích các dự án FDI sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tự sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Bnews (TTXVN)