Huyện Gò Công Tây: Tăng thu nhập từ tận dụng rơm rạ sau thu hoạch
(ABO) Thời gian qua, nghề làm rơm, cuốn rơm, vận chuyển rơm sau mỗi vụ thu hoạch lúa đã phát triển khá mạnh tại huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Nông dân nhạy bén, sáng tạo đầu tư máy móc cơ giới để cuốn rơm bán cho người có nhu cầu sử dụng rơm khắp nơi trong và ngoài huyện.
Những ngày qua, nông dân huyện Gò Công Tây đi vào thu hoạch rộ lúa đông xuân 2023 - 2024, niềm vui là năng suất lúa đạt khá cao lại bán được giá. Đặc biệt, nhu cầu rơm rạ có xu hướng tăng cao.
Ghi nhận thực tế tại nhiều ruộng lúa của nông dân trên địa bàn huyện cho thấy, sau khi thu hoạch xong vụ lúa đông xuân 2023 - 2024, nông dân phơi rơm rạ khô và thuê nhân công, máy cuốn rơm để dự trữ nguồn rơm làm thức ăn cho trâu, bò trong năm. Thời tiết đang vào giai đoạn khô hạn cũng là lúc rất thích hợp cho cuộn rơm dự trữ làm thức ăn chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay, trên các cánh đồng, không khí làm việc phấn khởi, mọi người ai cũng tất bật để hoàn thành việc cuốn rơm và vận chuyển về nhà. Theo nông dân, tiền công cuốn 1 cuộn rơm là 8.000 đồng, giá bán 1 cuộn rơm tại ruộng là 28.000 đồng. Ngoài ra, những chủ ruộng không có nhu cầu lấy rơm thì bán nguồn rơm lại với giá từ 100.000 - 200.000 đồng/công.
Người dân đầu tư máy móc khai thác nguồn rơm rạ giúp tăng thu nhập cho gia đình. |
Ngoài việc sử dụng nguồn rơm rạ dự trữ làm thức ăn chăn nuôi, người làm nghề làm rơm còn thu mua rơm dự trữ để bán cho người dân làm nấm rơm, trồng thanh long. Nhìn chung, toàn bộ nguồn rơm rạ sau thu hoạch đều được tận dụng. Giá nhân công lao động nghề làm rơm trung bình từ 500.000 - 700.000 đồng/ngày.
Lao động thuê tập kết rơm lên bờ. |
Nghề làm rơm trong những năm qua đã phát triển mạnh tại huyện Gò Công Tây, vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có sau thu hoạch lúa, tránh được tình trạng đốt bỏ rơm rạ làm ô nhiễm môi trường, vừa tạo thêm việc làm mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.
KIM LAN - QUẾ ANH