.

Nhiều giải pháp để điều tiết thị trường vàng

Cập nhật: 16:20, 07/04/2024 (GMT+7)

Giới đầu tư đang “nóng lòng” chờ Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ sớm được sửa đổi để bình ổn thị trường vàng. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, trước tiên, cần xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC.

Nhiều ý kiến đề xuất cấp phép sản xuất vàng miếng cho doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Nhiều ý kiến đề xuất cấp phép sản xuất vàng miếng cho doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Nguồn cung hạn chế gây khó cho quản lý

Sau 12 năm áp dụng Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý kinh doanh vàng, mặc dù chịu ảnh hưởng của giá vàng thế giới, nhiều thời điểm giá vàng miếng SJC biến động phức tạp, nhưng doanh số mua, bán vàng miếng SJC tương đối cân bằng, giảm, phản ánh nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế có xu hướng thấp xuống. Như vậy, Nghị định 24 đã hoàn thành “sứ mệnh”: Kiểm soát được rủi ro cho hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường vàng, hạn chế tình trạng “vàng hóa”.

“Tuy nhiên từ năm 2022 đến nay, giá vàng quốc tế biến động mạnh, giá vàng miếng SJC trong nước tăng với tốc độ nhanh hơn giá vàng quốc tế. Mức chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế liên tục giãn rộng, trên 10 triệu đồng/ lượng, có thời điểm 18 triệu đồng/lượng”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Phạm Thanh Hà cho biết.

Việc tồn tại chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC so với các loại vàng miếng khác, vàng trang sức mỹ nghệ 99,99% và giá vàng quốc tế, theo đánh giá của Bộ Công an, là lý do dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng vào Việt Nam.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết: Mặc dù có giải pháp “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng” nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, nhưng từ năm 2014 đến nay, NHNN chưa tổ chức đấu thầu bán vàng miếng, tăng cung trên thị trường. Do vậy, nguồn cung vàng miếng SJC trên thị trường vẫn hạn chế, là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế duy trì ở mức cao.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thị trường vàng trong nước liên tục chứng kiến những “cơn sóng” về giá. Đặc biệt, tình trạng khan hiếm vàng miếng SJC, vàng nhẫn 24K, khiến giá vàng có lúc lên cao chưa từng có, nhưng cũng có phiên rơi thẳng đứng khiến nhà đầu tư lao đao.

“Việc đầu tư cổ phiếu không dễ với người tay ngang, trong khi đó thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài và lãi suất tiền gửi thấp, nên người dân có xu hướng mua vàng”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Giá vàng SJC, nhẫn tròn trơn liên tục tăng nhiều tháng qua khiến các cửa hàng kinh doanh vàng rơi vào tình trạng không còn vàng nhẫn để bán, thậm chí có cửa hàng còn phải viết giấy hẹn 1 tháng sau, người mua mới được lấy vàng.

Chuyên gia kinh doanh vàng Đinh Nho Bảng phân tích: Từ khi có Nghị định 24, NHNN chỉ cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Trong khi ngành trang sức mỹ nghệ tại Việt Nam, mỗi năm cần khoảng 20 tấn vàng nguyên liệu. “Tình trạng chênh lệch giá kéo dài sẽ càng gây khó khăn trong quản lý thị trường vàng, nhất là tình trạng buôn lậu vàng có nhiều nguy cơ gia tăng”, ông Đinh Nho Bảng lo ngại.

Cùng với giá vàng, giá USD cũng đang có xu hướng tăng cao, mà theo nhiều chuyên gia kinh tế, nguyên nhân do chênh lệch lãi suất giữa VND - USD âm kéo dài, tạo ra áp lực rút vốn, nhập khẩu tư liệu sản xuất đang bật tăng mạnh trong những tháng đầu năm, biến động giá vàng và chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế khiến tỷ giá trên thị trường tự do rất khó lường.

Việc chênh lệch giữa giá SJC mua vào - bán ra cũng rất lớn, đẩy rủi ro cho người mua vàng. Giá mua vào được điều chỉnh mạnh hơn so với giá bán dẫn đến chênh lệch mua - bán lên tới 2 - 5,5 triệu đồng/lượng (thời điểm cuối năm 2023). Thông thường, giá mua - bán vàng miếng chỉ chênh nhau từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng/lượng.

“SJC được xác định là vàng thương hiệu quốc gia, nên dù vàng của các thương hiệu khác cũng có chất lượng tương đương, thì người dân vẫn lựa chọn SJC”, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cho biết.

Theo ông Hoàng Văn Cường, cần sửa đổi Nghị định 24 theo hướng không nhất thiết phải độc quyền Nhà nước về một thương hiệu vàng. Cùng với đó, có thể để nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng.

“Khi cung được tự do, người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ hơn, không còn tình trạng khan hiếm”, ông Hoàng Văn Cường phân tích.

Nên có sàn giao dịch vàng

Theo luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico: “Trong một thời gian dài, mỗi khi cần nhập vàng đáp ứng nhu cầu trong nước, các doanh nghiệp phải mua ngoại tệ từ NHNN và điều này tác động đến dự trữ ngoại hối và tỷ giá”.

Bên cạnh đó, đa số người dân mua vàng để tích lũy. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần thành lập sàn giao dịch vàng, giúp loại hàng hoá này lưu thông thông suốt, giảm tình trạng mua về “cất tủ”.

“Trong trường hợp sửa đổi Nghị định 24, NHNN có thể xem xét thành lập sàn giao dịch vàng. Trên thực tế, sàn giao dịch vàng đã tồn tại dù chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động này. Việt Nam đang thiếu những quy định để tạo ra một sân chơi chính thức cho giới đầu tư, giải quyết vấn nạn mua vàng về găm trong két, khiến giá vàng bị đẩy lên cao”, Giám đốc Công ty luật Basico đề xuất.

Để quản lý thị trường vàng, tại tờ trình số 28/TTr-NHNN ngày 20/3/2024 gửi Thủ tướng Chính phủ, NHNN đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết: NHNN sẽ cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.

Phương án này cùng quan điểm với Bộ Công an là xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng theo hướng “không tự do hóa thị trường vàng”; lựa chọn các doanh nghiệp có đủ điều kiện thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh vàng dưới sự quản lý của Nhà nước.

Giải pháp trên sẽ tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá vàng miếng SJC với các loại vàng khác và một số sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ hàm lượng 99,99%.

“NHNN sẽ chủ động điều tiết thị trường vàng thông qua việc cấp hạn mức sản xuất vàng miếng cho các doanh nghiệp căn cứ trên mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ. NHNN sẽ không phải sử dụng dự trữ ngoại hối Nhà nước nhập khẩu vàng nguyên liệu để can thiệp thị trường, các doanh nghiệp sẽ tự cân đối nguồn ngoại tệ để nhập khẩu”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết.

Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long:

Nghị định 24 cần được sửa đổi theo hướng: Trả lại sản xuất, kinh doanh vàng miếng cho các doanh nghiệp. NHNN không một mình giữ quyền sản xuất vàng miếng. Thay vào đó, NHNN có thể xem xét, cho phép một số ngân hàng thương mại (NHTM) hoặc doanh nghiệp được sản xuất vàng miếng để cung ứng cho thị trường. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và sẽ giúp giảm chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, cần tạo lập một hệ thống phân phối trên thị trường cho phép người dân ở mọi vùng miền đều được hưởng lợi, có điều kiện giao dịch thuận lợi. Chống vàng hóa không thể bằng giải pháp hành chính, mà phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, vàng tài khoản,..) trên một trung tâm giao dịch tập trung.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia:

Một số vấn đề cần sớm triển khai, đó là cho phép tăng lượng cung của vàng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, cho phép cho một số doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn đáp ứng điều kiện để nhập khẩu vàng; bỏ thương hiệu quốc gia độc quyền SJC. Tăng cường sự phối hợp kết hợp giữa NHNN cùng các bộ, ngành kiểm tra giám sát thị trường vàng theo hướng công khai, minh bạch. Cuối cùng, Việt Nam cần phải tăng cường hợp tác quốc tế, chống buôn lậu, đảo bảo cung cầu thị trường để đảm bảo liên thông giữa giá vàng trong nước và thế giới. Đây là điều rất quan trọng, góp phần chống "vàng hóa" trong nền kinh tế.

Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, thì Nhà nước chỉ quản lý vàng miếng, còn vàng trang sức mỹ nghệ để thị trường điều tiết, coi đó là một hàng hóa thông thường như các loại hàng hóa khác. Riêng với vàng miếng, cần phân vai phù hợp trong quản lý, giám sát. Nếu vàng miếng liên quan đến ngoại tệ, quản lý ngoại hối, bổ sung dự trữ ngoại hối quốc gia, thì NHNN sẽ chủ trì; nếu liên quan xuất nhập khẩu vàng miếng là vai trò của cơ quan hải quan.

(Theo https://baotintuc.vn/kinh-te/nhieu-giai-phap-de-dieu-tiet-thi-truong-vang-20240407005029845.htm)
 

 

 

.
.
.