Thứ Năm, 04/04/2024, 09:15 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Liên kết du lịch nông nghiệp để phát triển bền vững

Tiền Giang đang chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp, vừa giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, vừa quảng bá, giới thiệu những tài nguyên du lịch đặc sắc, nổi tiếng của tỉnh.

b

Du khách quốc tế trải nghiệm đi cầu khỉ tại cù lao Thới Sơn, Tiền Giang. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân, nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh du lịch theo hướng bền vững, thu hút du khách, tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển du lịch cụ thể, phù hợp, mang lại hiệu quả, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và doanh nghiệp lữ hành trong, ngoài tỉnh.

Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm quán triệt sâu rộng trong cán bộ, các tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, Tiền Giang tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tích cực tham gia xây dựng điểm đến an toàn-thân thiện-chất lượng; thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự, tôn trọng pháp luật; xây dựng phong trào ứng xử văn minh, có thái độ cởi mở, chân thành đối với khách du lịch.

Cùng với đó, công tác xúc tiến, quảng bá trên các Trang thông tin điện tử được Tiền Giang quan tâm. Các sở, ngành có liên quan đã phối hợp, tổ chức các khóa tập huấn, các chương trình tuyên truyền phát triển du lịch cho người dân tại cù lao Tân Phong, Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy); cù lao Thới Sơn, cù lao Rồng (thành phố Mỹ Tho) và các địa phương có tiềm năng du lịch, nhằm nâng cao nhận thức về du lịch trong cộng đồng, cải thiện chất lượng môi trường, văn minh du lịch, thu hút du khách; tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành đưa ra nhiều giải pháp, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, tăng cường xúc tiến du lịch...

Đặc biệt, Tiền Giang chú trọng loại hình du lịch nông nghiệp, vừa giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động, vừa quảng bá, giới thiệu những tài nguyên du lịch đặc sắc, nổi tiếng của tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân, toàn tỉnh có 46 khu, điểm du lịch nông thôn, hàng trăm hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn gắn với kinh doanh du lịch. Đặc biệt, Tiền Giang hiện có 3 điểm du lịch nông nghiệp được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh xếp hạng gồm: Hai điểm đạt 4 sao là nhà cổ Ba Đức (huyện Cái Bè) và Trại rắn Đồng Tâm (huyện Châu Thành), một điểm đạt OCOP 3 sao là vườn lan Thảo Nguyên (thành phố Mỹ Tho).

Gần đây, Nông trại Dê Sữa Đông Nghi ở xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, là điểm du lịch độc đáo được nhiều người biết đến tại Tiền Giang. Trung bình mỗi tuần, nơi đây thu hút trên một nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Nông trại này cũng liên kết với các điểm du lịch nông nghiệp nổi tiếng ở Tiền Giang như điền lan Thôn trang (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành), vườn lan Thảo Nguyên (thành phố Mỹ Tho) và các điểm du lịch sinh thái trong vùng Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước).

Tại xã Đông Hòa Hiệp, theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nguyễn Văn Hải, thuận lợi của địa phương là thiên nhiên ưu đãi, cảnh trí sông nước hữu tình, nhiều di tích, danh lam thắng cảnh cùng các làng nghề truyền thống đặc sắc mà không đâu có được đã tạo nên những nét đặc thù hấp dẫn du khách. Đặc biệt là chợ Nổi Cái Bè, Làng cổ Đông Hòa Hiệp đang là những điểm đến hấp dẫn du khách trong ngoài nước. Trung bình mỗi năm, Đông Hòa Hiệp đón hàng trăm nghìn lượt du khách.

Thời gian tới, xã sẽ gắn kết tour du lịch Chợ nổi Cái Bè, làng cổ Đông Hòa Hiệp,… với các tour du lịch sinh thái ở cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy) và tour du lịch Tiểu vùng Đồng Tháp Mười nhằm thu hút du khách, đồng thời phát triển du lịch một cách bền vững, hiệu quả.

Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Cai Lậy Đồng Thị Mười cho biết trên địa bàn huyện có 12 điểm kinh doanh du lịch. Trong đó, xã Tân Phong có 9 điểm du lịch nông nghiệp. Trung bình mỗi năm, huyện Cai Lậy đón gần 40.000 lượt du khách.

Để phát triển du lịch một cách căn cơ, giải quyết lao động, việc làm và an sinh xã hội, Tiền Giang đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch xã cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Việc triển khai Đề án sẽ mở ra chương mới trong việc liên kết phát triển du lịch miệt vườn sông nước tỉnh Tiền Giang nói chung, huyện Cai Lậy và xã Tân Phong nói riêng.

Những nỗ lực phát huy tiềm năng và thế mạnh du lịch miệt vườn sông nước Tiền Giang đang mang lại những hiệu quả thiết thực. Cụ thể, trong quý 1 vừa qua, toàn tỉnh đón trên 352.000 lượt du khách, tăng gần 70% so cùng kỳ; trong đó, riêng khách quốc tế đạt 123.000 lượt, tăng trên 96% so cùng kỳ.

Tiền Giang đặt mục tiêu trong năm 2024 đón 1,65 triệu lượt du khách, doanh thu trực tiếp từ hoạt động du lịch đạt 1.250 tỷ đồng./.

Theo Vietnam+ (TTXVN)

.
.
.