Thứ Tư, 17/04/2024, 14:30 (GMT+7)
.

Viện Cây ăn quả miền Nam: Ra mắt Phòng Thí nghiệm công nghệ sau thu hoạch

(ABO) Ngày 16-4, Dự án Nâng cao chuỗi giá trị xoài Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phối hợp Viện Cây ăn quả miền Nam tổ chức buổi ra mắt Phòng Thí nghiệm công nghệ sau thu hoạch và tập huấn quy trình vận hành chuẩn (SOP) cho các giống xoài để kéo dài thời gian bảo quản cho hơn 80 học viên.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong giới thiệu quả xoài sau 3 tuần bảo quản với quy trình vận hành chuẩn.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong giới thiệu quả xoài sau 3 tuần bảo quản với quy trình vận hành chuẩn.

Phòng Thí nghiệm Công nghệ sau thu hoạch ở Viện Cây ăn quả miền Nam được thiết kế tương tự như một nhà máy đóng gói thu nhỏ có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại để xử lý, sơ chế các loại trái cây.

Phòng thí nghiệm gồm: Hệ thống kho bảo quản thực hiện các nghiên cứu và mô hình tồn trữ lạnh; phòng lab nghiên cứu bệnh; phòng phân tích đánh giá chất lượng, cảm quan sản phẩm sau tồn trữ; phòng nghiên cứu chế biến rau quả, phòng nghiên cứu bệnh; phòng tập huấn, chuyển giao công nghệ…

Đặc biệt, tại đây đang ứng dụng một trong những công nghệ bảo quản tiên tiến nhất hiện nay là hệ thống bảo quản CA (tức là kiểm soát thành phần không khí).

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học, sinh lý sinh hóa và công nghệ cho biết, sau thu hoạch một trong những thách thức lớn của ngành hàng trái cây tươi Việt Nam là thất thoát lớn do bệnh thối trái sau thu hoạch.

Hiện nay, công nghệ xử lý nước nóng là một công nghệ an toàn và kiểm soát tương đối hiệu quả kiểm soát bệnh thối trái sau thu hoạch, tuy nhiên cần phải được thực hiện đúng cách.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, đã có nhiều doanh nghiệp áp dụng công nghệ này nhưng hiệu quả không cao do chưa đúng cách.

Phòng thí nghiệm sẽ là nơi để chuyển giao, chỉ dẫn doanh nghiệp những điểm cần khắc phục khi áp dụng công nghệ bảo quản mang lại hiệu quả cao hơn, nhất là kiểm soát bệnh thối trái, giảm thất thoát sau thu hoạch.

Ông Đỗ Quang Trường, Trưởng nhóm Dự án Nâng cao chuỗi giá trị xoài tại ĐBSCL cho biết, từ năm 2021 đến nay, dự án đã triển khai hỗ trợ giúp đỡ bà con canh tác xoài theo hướng bền vững.

Bước đầu, dự án đã thu hút được 10 hợp tác xã và 5 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mua bán xoài tại hai tỉnh có vùng canh tác cây xoài lớn ở ĐBSCL là Đồng Tháp và An Giang.

Thông thường, thời gian bảo quản của trái xoài tươi sau thu hoạch chỉ từ 5 đến 7 ngày. Tuy nhiên, quá trình vận hành chuẩn được nghiên cứu từ các nhà khoa học của Viện Cây ăn quả miền Nam đã giúp kéo dài thời gian bảo quản tối thiểu 21 ngày, thậm chí đến 35 ngày.

Ông Trường nêu, thời gian qua đã có một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã áp dụng quy trình bảo quản do dự án chuyển giao và xuất khẩu thành công nhiều lô xoài bằng đường tàu sang Mỹ, Úc, NewZealand, Hàn Quốc thay vì bằng đường máy bay rất tốn kém. Dù đến Mỹ mất đến 35 ngày nhưng trái xoài vẫn được bảo quản rất tốt, chất lượng không giảm.

Dự án Nâng cao chuỗi giá trị xoài ĐBSCL được thực hiện với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân trồng xoài ở ĐBSCL thông qua việc nâng cao khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất cũng như bảo quản sau thu hoạch.

N. ĐẢM - T. ĐẠT

.
.
.