Thu hút nông dân tham gia hợp tác xã
Vụ đông xuân 2023-2024, nông dân tỉnh An Giang nói riêng và vùng châu thổ sông Cửu Long nói chung, có những lúc vui, buồn theo giá lúa. Có ruộng, thương lái đặt cọc khi giá cao, nhưng khi lúa rớt giá lại bỏ cọc. Khi đó, nông dân phải tìm cách bán lúa sớm để tránh thất thoát khi “neo” lúa chín trên ruộng.
Thu hoạch lúa tại đồng bằng sông Cửu Long. |
Vụ đông xuân luôn đạt năng suất cao nhờ thời tiết thuận lợi. Như vừa qua, với mức giá hơn 7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nhà nông vẫn lãi hơn 1 triệu đồng/công (0,1 ha) ruộng. Nhưng vẫn còn đó sự lo lắng vì chưa biết các vụ sau giá lúa sẽ như thế nào?
Hiện, tỉnh An Giang đã xây dựng được 67 hợp tác xã nông nghiệp liên kết với các doanh nghiệp nhằm giải quyết “đầu ra” cho lúa hàng hóa. Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo không chỉ giúp doanh nghiệp xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, mà còn giúp nông dân giảm bớt gánh nặng về vốn đầu tư ban đầu, giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng và giá trị hạt lúa, yên tâm sản xuất và tiêu thụ. Nhiều nông dân có thu nhập khá hơn khi tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác.
Tuy nhiên, do tiêu chuẩn trồng lúa đặt ra rất cao, đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác, khiến nhiều nông dân chưa quen cho nên không dám tham gia hợp tác xã. Mặt khác, nhiều người e ngại mô hình tổ chức kiểu cũ, còn hoài nghi vào sự thành công của mô hình hợp tác xã kiểu mới. Thực tế, một số ít hợp tác xã được thành lập vội vàng, không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, mong muốn của người dân, dẫn đến tình trạng ra đời nhưng không hoạt động.
Cùng với đó, mối liên kết giữa nông dân-hợp tác xã-doanh nghiệp chưa thật sự bền vững; việc đơn phương phá vỡ hợp đồng giữa nông dân với doanh nghiệp và ngược lại diễn ra thường xuyên do giá cả biến động. Tính liên kết, hợp tác giữa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã lúa gạo ở khu vực còn lỏng lẻo dẫn đến nhiều hệ lụy…
Thực tiễn chứng minh, càng hội nhập sâu rộng càng cho thấy kinh tế hợp tác là điểm tựa quan trọng để tổ chức lại sản xuất. Muốn cải thiện thu nhập, phát triển bền vững, không còn cách nào khác nông dân phải hợp tác lại với nhau để “mua chung, bán chung, sử dụng dịch vụ chung”.
Theo nhiều chuyên gia, nhà quản lý, để thu hút nông dân tham gia hợp tác xã, Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn sâu rộng cho mọi đối tượng, nhất là bà con nông dân để thay đổi nhận thức về bản chất của kinh tế tập thể, nhất là mô hình hợp tác xã kiểu mới đã được thay đổi rõ nét; giới thiệu cho nông dân tham quan các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động thật sự hiệu quả, điển hình; tổ chức các buổi họp hoặc các cuộc thảo luận để nông dân có thể thảo luận và trao đổi ý kiến về việc thành lập hợp tác xã.
Các hợp tác xã cần công khai, minh bạch trong các hoạt động, nhất là thu, chi, tài chính; khuyến khích các thành viên tham gia tích cực vào quá trình quyết định và quản lý hợp tác xã nhằm tạo nên tinh thần tự giác và trách nhiệm trong việc phát triển và vận hành hợp tác xã.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách thuận lợi cho hợp tác xã nông nghiệp về đất đai, hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất, máy móc phục vụ sản xuất, khoa học-công nghệ; tạo ra các dự án hợp tác xã có mục tiêu phát triển cộng đồng như sản xuất nông sản hữu cơ, phát triển du lịch nông nghiệp hoặc xây dựng hạ tầng cho cộng đồng... giúp nông dân thấy rằng hợp tác xã không chỉ mang lại lợi ích cho từng cá nhân mà còn góp phần vào phát triển bền vững của cộng đồng.
Theo nhandan.vn