.
CỤC THỐNG KÊ TỈNH TIỀN GIANG:

Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội tỉnh 6 tháng đầu năm 2024

Cập nhật: 16:21, 28/06/2024 (GMT+7)

(ABO) Ngày 28-6, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang Trần Thị Mỹ Hạnh chủ trì buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024. Tham dự buổi họp báo có đại diện các sở, ban, ngành tỉnh.

a
Quang cảnh họp báo.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 32.976 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010) tăng 5,56% so với 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, quý I tăng 4,47%, quý II tăng 6,63%; khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,32%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,07% và khu vực dịch vụ tăng 6,59%. Trong 5,56% tăng trưởng thì khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 1,19%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 2,04%, khu vực dịch vụ đóng góp 1,99% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đóng góp 0,34%. Tính theo giá hiện hành GRDP đạt 63.784 tỷ đồng.

Thu ngân sách nhà nước ước được 13.428 tỷ đồng. Trong đó, thu ngân sách trên địa bàn thực hiện 6.078 tỷ đồng, đạt 69,1% dự toán và tăng 23,1% so cùng kỳ; thu nội địa 5.943 tỷ đồng, đạt 69,7% dự toán, tăng 24,4% so cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước ước chi 9.553 tỷ đồng, đạt 64,6% kế hoạch và tăng 25,3% so cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2024 tăng 0,21% so tháng 5-2024 và so cùng kỳ tăng 5,14%. Bình quân 6 tháng đầu năm 2024 so cùng kỳ năm trước tăng 4,52%.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 đạt 20.683 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch, tăng 11,7% so cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới là 424 doanh nghiệp, đạt 47,6% kế hoạch và tăng 4,2% so cùng kỳ. Ngoài ra, hoạt động tư vấn nghề, việc làm, pháp luật lao động và tư vấn khác cho 11.323 lượt lao động, đạt 56,6% kế hoạch và giảm 13,5% so cùng kỳ.

Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang đề xuất giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024, cần thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường suy giảm như da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ...

Đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách về lãi suất, gói hỗ trợ lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường công tác kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân.

LÊ MINH

.
.
.