.

Để du khách quay lại Đồng bằng sông Cửu Long - Bài cuối: Cần tiếng nói chung

Cập nhật: 16:19, 08/06/2024 (GMT+7)

Bài 1: Tài nguyên du lịch phong phú

Bài 2: Còn đó những "nút thắt"

Với những khó khăn đang đối mặt, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần một hướng đi mới. Trong đó, phát triển sản phẩm du lịch mới cũng như đẩy mạnh liên kết là một trong những vấn đề mấu chốt.

KHƠI THÔNG “ĐIỂM NGHẼN”

Những tồn tại trong phát triển du lịch ĐBSCL đã được cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp nhìn nhận và phân tích. Vấn đề còn lại hiện nay là tìm lời giải cụ thể cho những khó khăn đó.

Liên kết phát triển du lịch đang là một trong những công việc trọng tâm của các tỉnh, thành ĐBSCL.
Liên kết phát triển du lịch đang là một trong những công việc trọng tâm của các tỉnh, thành ĐBSCL.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Bến Tre, để tháo gỡ những khó khăn cho du lịch ĐBSCL, trước hết các tỉnh cần chủ động nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch mới, khác biệt, mang nét đặc trưng riêng của từng địa phương nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Trong đó, cần chú trọng phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới gắn với Chương trình OCOP theo hướng du lịch xanh, với các loại hình như: Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch kết nối hợp tác xã - làng nghề...

Một trong những công việc quan trọng là tăng cường liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị, hình thành các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực... Hiện nay, tỉnh đang tập trung phát triển theo những định hướng này.

Còn đối với tỉnh Tiền Giang, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Việt Nhật cho rằng, doanh nghiệp cần được Nhà nước hỗ trợ mở thêm các tuyến, điểm du lịch mới.

Theo bà Cao Thị Ngọc Lan, để thúc đẩy phát triển du lịch ĐBSCL, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cần chú trọng hơn nữa, chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý chuyên môn về du lịch đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, đào tạo nguồn nhân lực; tái cấu trúc doanh nghiệp, mở rộng thị trường và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.

Nhà nước cần tập trung hỗ trợ cho công tác nghiên cứu xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu và xu hướng mới sau đại dịch Covid-19 như: Du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, lịch sử và đặc biệt là du lịch xanh.

Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cần phối hợp với các cơ quan quản lý du lịch cấp tỉnh xây dựng các sản phẩm đặc thù.

“Vùng ĐBSCL, tài nguyên sinh thái rất phong phú, nhưng để tạo ra sự hấp dẫn cao cần tập trung nghiên cứu và xây dựng những sản phẩm đặc thù của mỗi tỉnh.

Các tỉnh cần khai thác các giá trị di sản văn hóa để tạo ra sự khác biệt, coi đây là nội dung trọng tâm của du lịch địa phương. Để sớm nâng tầm du lịch ĐBSCL cần tập trung đầu tư sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ (bao gồm cả nguồn nhân lực) và hoạt động xúc tiến, quảng bá.

Trong đó, vấn đề dịch vụ kỹ năng của đội ngũ lao động đóng vai trò quan trọng” - bà Cao Thị Ngọc Lan chia sẻ thêm.

Tiền Giang cũng cần có chiến lược lâu dài, mở thêm các điểm du lịch mới nhằm tạo sản phẩm mới thu hút du khách đến tỉnh ngày càng đông hơn. Ngoài ra, để việc liên kết phát triển du lịch đạt hiệu quả cao, giữa các tỉnh, thành lân cận cần có sự phối hợp chặt chẽ và chia sẻ nguồn khách với nhau.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, để thúc đẩy hoạt động du lịch, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư phát triển các dự án du lịch tại 4 trung tâm du lịch chính như: Khu du lịch Cái Bè, Khu du lịch cù lao Thới Sơn, Khu du lịch biển Tân Thành và Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười.

Tiền Giang sẽ tập trung phát triển các dự án du lịch trọng điểm để làm điểm đột phá, tạo điểm nhấn phát triển ngành Du lịch Tiền Giang. Tỉnh sẽ nâng cao hiệu quả trong việc tổ chức các sự kiện văn hóa gắn với phát triển du lịch. Tiền Giang sẽ tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch.

Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của ngành trong tình hình mới…

ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT

Thực tế thời gian qua, các tỉnh, thành ĐBSCL đã đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch, đặc biệt là với TP. Hồ Chí Minh - trung tâm điều phối khách của ĐBSCL. Tuy nhiên, việc triển khai liên kết chưa thực sự hiệu quả, cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ các địa phương để thúc đẩy du lịch ĐBSCL bứt phá.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã được ký kết.

Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hợp tác giữa các tỉnh, thành trên tất cả các nội dung đã thống nhất. TP. Hồ Chí Minh với vai trò là Chủ tịch Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng, đề xuất 13 tỉnh, thành ĐBSCL sẽ cùng tập trung thực hiện nhiều nội dung trọng tâm để thúc đẩy liên kết.

Theo đó, thành phố sẽ phối hợp với các tỉnh, thành ĐBSCL phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng và hiệu quả. Phát triển du lịch phải gắn kết chặt chẽ với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa đặc trưng bản địa. TP. Hồ Chí Minh sẽ thể hiện rõ vai trò dẫn dắt trong triển khai các thỏa thuận, liên kết hợp tác du lịch với ĐBSCL.

Phát triển sản phẩm du lịch mới là hướng đi tất yếu để ĐBSCL thu hút du khách.
Phát triển sản phẩm du lịch mới là hướng đi tất yếu để ĐBSCL thu hút du khách.

Đồng thời, tăng cường xây dựng các sản phẩm liên tuyến. Các sản phẩm liên tuyến cần phải mới hơn, đặc sắc hơn, hấp dẫn hơn; phát triển sản phẩm du lịch đường sông đa dạng hơn nhằm phát huy lợi thế sông nước. TP. Hồ Chí Minh sẽ đóng vai trò dẫn dắt các tỉnh, thành ĐBSCL trong việc xúc tiến, quảng bá với các thị trường khách nước ngoài, đặc biệt thị trường Úc rất thích du lịch miền Tây.

Theo ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Bến Thành tại Cần Thơ, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL không chỉ đòi hỏi sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ, mà còn cần sự nhận thức sâu sắc về giá trị văn hóa và tự nhiên của khu vực.

Việc phát triển du lịch phải đi đôi với bảo tồn và phát triển bền vững, đảm bảo rằng các thế hệ tương lai cũng có thể trải nghiệm và học hỏi từ những điều kỳ diệu mà ĐBSCL mang lại. Để làm được điều này, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ.

Mỗi bên có vai trò riêng trong việc xây dựng một ngành Du lịch phát triển mạnh mẽ, từ việc tạo ra sản phẩm du lịch mới cho đến việc quảng bá và tiếp thị những sản phẩm này.

Cuối cùng, để thành công trong việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho ĐBSCL, chú trọng vào trải nghiệm của khách hàng là yếu tố quan trọng nhất. Mỗi sản phẩm du lịch nên được thiết kế để mang lại cho khách hàng những kỷ niệm khó quên và kiến thức mới về một trong những khu vực sinh động và giàu bản sắc bậc nhất Việt Nam.

“TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng cường công tác phối hợp trên lĩnh vực quản lý nhà nước để cùng nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch chung của vùng…” - đồng chí Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, liên vùng và xã hội hóa rất cao.

Chính vì vậy, việc liên kết giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng để phát huy thế mạnh của các địa phương trong xây dựng và phát triển sản phẩm đặc trưng cho cả vùng, tránh sự trùng lặp, gây nhàm chán cho du khách.

Một trong những nội dung quan trọng là nâng cao tính cạnh tranh, đưa ĐBSCL sớm trở thành khu du lịch sinh thái độc đáo của nước ta và khu vực. Điều này đòi hỏi giữa cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội Du lịch và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ để tạo sự đồng hành, sức mạnh tổng hợp để nhanh chóng đưa du lịch phát triển toàn diện, nhanh và bền vững.

THÁI AN - ANH THƯ

.
.
.