.

Kỳ vọng những ruộng lúa chất lượng cao đầu tiên ở miền Tây

Cập nhật: 17:00, 03/06/2024 (GMT+7)

“Cứ hai lần trong một tuần, cán bộ nông nghiệp lại đến ruộng lúa kiểm tra và đưa ra khuyến cáo cẩn thận. Còn xã viên của hợp tác xã (HTX) ghi nhật ký từng công việc về quy trình sản xuất lúa”, ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thuận Tiến (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ), kể lại công việc đã diễn ra suốt 2 tháng qua, khi nơi đây được chọn làm thí điểm khởi động thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (gọi tắt là Đề án).

Trồng lúa "mặt ruộng không dấu chân"

TP Cần Thơ cùng Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp là 5 địa phương được chọn thí điểm thực hiện Đề án. Theo những xã viên HTX Thuận Tiến, nông dân nơi đây rất vui mừng khi được hỗ trợ giống và 50% chi phí phân bón để thực hiện Đề án. Hiện giống lúa OM 5451 của xã viên đã làm đòng. Vui hơn, khi có doanh nghiệp cam kết mua lúa cao hơn giá thị trường 300 đồng/kg.

Đây là một trong những cánh đồng thực hiện thí điểm được sử dụng giống xác nhận, áp dụng quản lý nước ướt khô xen kẽ (AWD), bón phân chuyên vùng chuyên biệt (SSNM), sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân. Các công đoạn đều được thực hiện bằng cơ giới - coi như trồng lúa “mặt ruộng không dấu chân”. Bà con cũng thuần thục quản lý dịch hại bằng phương pháp IPM. Và khi lúa chín, họ đưa máy gặt đập liên hợp thu hoạch, thu gom rơm ra khỏi đồng làm nấm rơm và phân bón từ rơm.

Cũng như nhiều địa phương ở ĐBSCL, trong giai đoạn 2016-2022, TP Cần Thơ có 32.000 nông dân tham gia thực hiện dự án VnSAT với diện tích 38.000ha. Đây là những cơ sở, dữ liệu quan trọng để thực hiện Đề án hiện nay. “Trước đây, lượng lúa giống gieo bình quân của nông dân ĐBSCL khoảng 100-150kg/ha; khi thực hiện đề án chỉ còn 60kg/ha. Lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm theo, ít đổ ngã và thất thoát sau thu hoạch. Nông dân cũng thạo viết nhật ký đồng ruộng”, ông Nguyễn Cao Khải chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè: Thành phố kỳ vọng và cam kết nỗ lực cố gắng thực hiện thắng lợi Đề án, phấn đấu đến năm 2025 xây dựng được vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô 38.000ha, giai đoạn 2026-2030 đạt 50.000ha.

a
Theo Đề án, sau khi thu hoạch lúa nông dân sẽ thu hoạch rơm (giảm phát thải) trên đồng làm nấm

Vai trò nòng cốt là Hợp tác xã

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), nhận định: Đề án không chỉ thuần túy về mặt kỹ thuật, nâng cao hạ tầng cơ sở cho sản xuất hướng đến tổ chức lại toàn bộ ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL với mục tiêu giảm chi phí sản xuất, giá trị hạt gạo tăng lên, phát thải thấp đi và phát triển bền vững khu vực nông thôn. Nòng cốt của đề án là hình thành các HTX, tổ chức nông dân, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để tiêu thụ lúa gạo ở mức độ cao hơn về mặt giá trị, ổn định lâu dài và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Hiện nay, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp đều chọn HTX làm nơi khởi động Đề án. “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL thành công hay không là ở HTX”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, nhận định. Vì vậy, Bộ NN-PTNT cũng đã triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, HTX nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị để thực hiện Đề án. Theo đó, giai đoạn 2024-2025, hoàn thành việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho 3.100 cán bộ quản lý, kỹ thuật của 620 HTX nông nghiệp, tổ hợp tác đăng ký tham gia Đề án; 3.000 cán bộ khuyến nông và khuyến nông cộng đồng… Cũng trong giai đoạn này, 200.000 nông dân được tiếp cận và học về các quy trình canh tác sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, kỹ năng đăng ký, đánh giá giảm phát thải ở cấp độ hộ nông dân. Đây là nỗ lực nhằm nâng cao năng lực cho các HTX nông nghiệp, hộ nông dân và các đối tượng liên quan tham gia trong chuỗi ngành hàng lúa gạo chất lượng cao, giảm phát thải; bảo đảm đủ điều kiện, năng lực tham gia triển khai hiệu quả Đề án.

“Mong sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp sẽ bài bản hơn. Doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết thu mua lúa, nông dân sẽ có thêm động lực để nhân rộng diện tích trong Đề án. Chỉ sau một tháng nữa, xã viên ở đây sẽ thu hoạch diện tích lúa đầu tiên theo Đề án. Nông dân đang đặt nhiều kỳ vọng”, ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thuận Tiến, chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp có kinh nghiệm trong liên kết sản xuất lúa với nông dân cũng phấn khởi tham gia Đề án. Từ cuối năm 2023 đến nay, Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang) đã ký kết với các tỉnh thành ĐBSCL để triển khai liên kết sản xuất trên 300.000ha cho đến năm 2030. Sau khi Đề án được Chính phủ thông qua, Lộc Trời rất tích cực phối hợp cùng các địa phương triển khai, tăng cường xuất khẩu ra thế giới, đóng góp vào tăng trưởng xanh. Lộc Trời hy vọng chính quyền địa phương các cấp, ngân hàng và các tổ chức tài chính… đồng hành với doanh nghiệp để thực hiện Đề án.

Theo sggp.org.vn
 

 

 

.
.
.