.
XUẤT KHẨU RAU QUẢ CỦA VIỆT NAM VÀO THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC

Động lực và triển vọng tăng tốc

Cập nhật: 08:48, 14/06/2024 (GMT+7)

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả truyền thống và luôn giữ tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) rau quả của Việt Nam. Năm 2023 đánh dấu mốc mới trong xuất khẩu rau quả của cả nước sang thị trường này với tổng KNXK đạt gần 3,64 tỷ USD, chiếm đến 65% tổng KNXK của Việt Nam.

Xuất khẩu rau quả của nước ta vào thị trường Trung Quốc vẫn kỳ vọng nâng cao hơn, song để làm được điều đó cần có sự quyết tâm của các tác nhân tham gia chuỗi cung ứng từ sản xuất đến thương mại.

KHẲNG ĐỊNH LỢI THẾ

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam có sự đóng góp lớn từ thị trường Trung Quốc, thị trường này chiếm tỷ trọng cao trong tổng KNXK rau quả của Vệt Nam trong nhiều năm qua. Cao điểm nhất là vào năm 2017 (chiếm đến 75,7%) và tuy có những thăng trầm nhất định, nhưng năm thấp nhất (năm 2022) thị trường Trung Quốc cũng vẫn chiếm đến 45,4% tổng KNXK rau quả của cả nước (diễn biến tổng KNXK rau quả của Việt Nam và riêng thị trường Trung Quốc qua các năm 2016 - 2023 thể hiện ở Biểu đồ 1).

Biểu đồ 1:  KNXK rau quả của Việt Nam và thị trường Trung Quốc. Nguồn: Tổng hợp từ Niên giám thống kê và số liệu của Bộ Công thương
Biểu đồ 1: KNXK rau quả của Việt Nam và thị trường Trung Quốc. Nguồn: Tổng hợp từ Niên giám thống kê và số liệu của Bộ Công thương

KNXK rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có giá trị cao hơn nhiều so với các thị trường khác, trong năm 2023 nếu như KNXK rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt gần 3,64 tỷ USD, thì các thị trường lớn sau Trung Quốc chỉ đạt ở mức như sau: Mỹ 257,8 triệu USD, Hàn Quốc 225,8 triệu USD, Nhật Bản 176,2 triệu USD, Thái Lan 160,2 triệu USD, Hà Lan 147,1 triệu USD, Đài Loan 141,7 triệu USD, Úc 88,3 triệu USD, UAE 59,1 triệu USD, Nga 50,5 triệu USD. Điều này cho thấy, tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với mặt hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam.

Các chuyên gia thương mại đánh giá năm 2023 là năm thành công trong xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, nhiều sản phẩm rau quả được thị trường này ưa chuộng, nhất là trái sầu riêng. Nhóm hàng quả tươi, khô hoặc đông lạnh đóng góp phần lớn trong tổng KNXK rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2023 với gần 3,27 tỷ USD, tăng 156% so với năm 2022.

Nhóm mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2023 là trái cây tươi. Đáng chú ý là xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc năm 2023 vượt trội so với các mặt hàng trái cây khác và đã đạt sản lượng 493.183 tấn, trị giá đạt hơn 2,136 tỷ USD, tăng 1.121% so năm 2022. Đối với các mặt hàng trái cây chế biến có KNXK tăng so năm trước là xoài, dừa, nhãn, mít, dưa chuột ...; trong khi các sản phẩm chế biến giảm là chanh leo, tắc...

Xuất khẩu rau hoa quả của Việt Nam sang Trung Quốc ghi nhận tín hiệu tích cực trong các tháng đầu năm 2024. Theo số liệu của Bộ Công thương, ước tính 5 tháng đầu năm 2024, KNXK rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,58 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần rau quả của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc cũng cải thiện và tăng lên 10,9%.

Nhờ xuất khẩu sang thị trường tăng khá mạnh, 5 tháng đầu năm 2024 KNXK rau quả của Việt Nam đạt khoảng 2,58 tỷ USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2023. Đóng góp phần lớn vào tăng trưởng trên nhờ đẩy mạnh xuất khẩu trái sầu riêng sang thị trường Trung Quốc; trong 4 tháng đầu năm 2024, KNXK sầu riêng (bao gồm trái tươi và đông lạnh) đạt 431,5 triệu USD, tăng 168,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài trái sầu riêng, nhiều loại trái cây khác cũng có KNXK sang Trung Quốc tăng như: Chuối, mít, dưa hấu, bưởi, nhãn, chanh …

Điều này cho thấy, thị trường Trung Quốc vẫn ưa chuộng nhiều loại trái cây tươi sản xuất từ Việt Nam. Đối với các mặt hàng trái cây chế  biến, KNXK các sản phẩm chế biến từ trái cây cũng tăng trong các tháng đầu năm 2024, chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm cả nước đã xuất khẩu được 109,94 triệu USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2023, mặt hàng trái cây chế biến có giá trị xuất khẩu tăng là xoài, chanh leo, dừa, mít sấy… Nhóm các mặt hàng rau củ trong 4 tháng đầu năm đã xuất sang thị trường Trung Quốc 22,1 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu là mặt hàng ớt và khoai lang.

CƠ HỘI TIẾP TỤC RỘNG MỞ

Theo số liệu của Bộ Công thương, kim ngạch nhập khẩu rau củ quả và sản phẩm chế biến (mã HS 06,07,08 - không bao gồm hạt điều có mã HS080131; 080132 và HS20) của Trung Quốc trong năm 2023 đạt gần 24,44 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2022. Có 4 nguồn cung cấp rau củ quả và sản phẩm chế biến lớn hàng đầu với giá trị lớn hơn 1 tỷ USD gồm: Thái Lan đạt xấp xỉ 8,76 tỷ USD, Việt Nam đạt gần 3,42 tỷ USD, từ Chille là 3,27 tỷ USD, từ Mỹ là 1,25 tỷ USD.

Sầu riêng là loại trái cây có nhu cầu nhập khẩu lớn của Trung Quốc.
Sầu riêng là loại trái cây có nhu cầu nhập khẩu lớn của Trung Quốc.

Theo số liệu của Bộ Công thương, 4 tháng đầu năm 2024, thị trường Trung Quốc nhập khẩu rau củ quả và sản phẩm chế biến (mã HS 06, 07, 08 - không bao gồm hạt điều có mã HS 080131; 080132 và HS 20) từ các nước đạt 8,67 tỷ USD, không giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2023. Các nguồn cung rau quả chủ yếu cho Trung Quốc gồm: Chille, Thái Lan, Việt Nam, Mỹ, Peru…, do đó các sản phẩm rau quả của Vệt Nam phải cạnh tranh với nhiều nước tại thị trường Trung Quốc.

Sầu riêng là loại trái cây có nhu cầu nhập khẩu lớn của Trung Quốc, 4 tháng đầu năm 2024, thị trường này đã nhập 202.363 tấn, trị giá gần 1,1 triệu USD, chủ yếu từ Thái Lan và Việt Nam. Giới phân tích nhận định, sầu riêng của Việt Nam đang dần chiếm lĩnh thị phần tại Trung Quốc; sản lượng sầu riêng Thái Lan dự kiến sẽ giảm trong những năm tới do cạnh tranh về giá với sầu riêng Việt Nam.

Chuối cũng là mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu nhiều, theo số liệu của Bộ Công thương 4 tháng đầu năm 2024 thị trường này đã nhập khẩu từ các nước khoảng 730 ngàn tấn, trị giá 359,92 triệu USD, tăng 5,3% về lượng, nhưng giảm 15,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam là nguồn cung chuối lớn nhất cho thị trường Trung Quốc, lượng đạt 354,56 ngàn tấn, trị giá 144,54 triệu USD, tăng 22,2% về lượng và tăng 2,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Giới phân tích thương mại nhận định, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao. Cuối năm 2023, Việt Nam đã ký thêm Nghị định thư xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc và có hiệu lực từ 12-6-2024, sẽ là điều kiện để dưa hấu của Việt Nam rộng đường sang thị trường này và góp phần vào sự tăng trưởng KNXK rau quả của Việt Nam.

Trong năm 2024, Trung Quốc sẽ mở cửa thêm một số trái cây chủ lực của Việt Nam như bưởi, chanh leo, bơ, dừa, sầu riêng đông lạnh… Những tín hiệu này dự báo xuất khẩu rau quả của cả nước sang thị trường Trung Quốc trong năm 2024 có những cột mốc mới. Ngoài ra, xuất khẩu bằng đường biển từ các nước châu Âu, châu Mỹ vào Trung Quốc phải đi vòng, kéo dài thêm khoảng nửa tháng do xung đột ở Biển Đỏ, nên hàng hóa có thể bị trễ và chi phí tăng cao.

Do đó, nguồn cung rau quả cho thị trường Trung Quốc có thể thiếu, đây là cơ hội để Việt Nam và các nước Đông Nam Á tận dụng để gia tăng thêm lượng và giá trị xuất khẩu rau quả vào thị trường này. Ngành rau quả Việt Nam cần khai thác tốt thị trường xuất khẩu Trung Quốc đối với 2 nhóm gồm trái tươi và chế biến, trong khi các mặt hàng rau củ rất khó để khai thác tốt thị trường Trung Quốc, bởi nguồn cung rau củ của nước này khá dồi dào, chủng loại phong phú.

Thị trường Trung Quốc ngày càng trở nên khắt khe hơn, các hàng rào kỹ thuật cũng đang được dựng lên chủ yếu để người dân của họ mua được sản phẩm chất lượng tốt và an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, để duy trì và nâng tầm xuất khẩu vào thị trường này, nhà sản xuất và doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ, đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác và các yêu cầu kỹ thuật trong tất cả các khâu của chuỗi cung ứng.

TS. ĐOÀN HỮU TIẾN

 

.
.
.