Giá gạo xuất khẩu chạm mốc 1000 USD, xuất khẩu gạo tiếp tục khởi sắc
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã chạm mốc 1000 USD, là mức giá rất cao so với nhiều năm trước đây.
Xuất khẩu gạo tăng cao về giá trị. |
Giá gạo xuất khẩu chạm mốc 1000 USD/tấn
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam sang Brunei lên tới 959 USD/tấn trong 5 tháng đầu năm 2024. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu gạo sang nhiều thị trường khác cũng tăng cao như giá xuất khẩu gạo trung bình sang Mỹ đạt 868 USD/tấn, Hà Lan đạt 857 USD/tấn, Ukraine đạt 847 USD/tấn, Iraq đạt 836 USD/tấn, Thổ Nhĩ Kỳ đạt 831 USD/tấn...
Giá gạo xuất khẩu tăng cao đã góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương, Việt Nam xuất khẩu 650.000 tấn gạo với kim ngạch 416 triệu USD trong tháng 6-2024, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 4,6 triệu tấn với 2,9 tỷ USD, tăng 10,4% về lượng song tăng đến 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả này được là do các doanh nghiệp đã tận dụng được nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường truyền thống đang có xu hướng tăng trong thời gian qua. Trong điều kiện hiện nay và chắc chắn sẽ còn lâu hơn nữa, an ninh lương thực không chỉ là vấn đề của mỗi quốc gia, mà mang tính toàn cầu. Do đó, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội lớn để gia tăng kim ngạch.
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nửa đầu năm nay, gạo là mặt hàng đứng thứ 5 về kim ngạch xuất khẩu trong ngành nông nghiệp (sau gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, rau quả, cà phê); đồng thời cũng là một trong những mặt hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao. Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore… Trong đó, thị trường Philippines chiếm hơn 38% tổng lượng gạo xuất khẩu.
Đối với Bộ Công thương, từ đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tích cực triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy thương mại gạo giữa Việt Nam với các đối tác. Cụ thể, đàm phán, trao đổi song phương với Indonesia, Malaysia về việc xem xét tiến tới ký bản ghi nhớ thương mại gạo, tạo môi trường ổn định, bền vững về thương mại gạo cho doanh nghiệp hai nước.
Với thị trường Philippines, Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines đã ký bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo. Trong giai đoạn 2024-2028, trừ trường hợp thiên tai, mất mùa, Việt Nam sẵn sàng cung cấp cho Philippines số lượng hằng năm lên tới 1,5-2,0 triệu tấn gạo trắng, đồng thời thống nhất triển khai một số biện pháp trao đổi thông tin, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại gạo hai nước.
Khắc phục các hạn chế của xuất khẩu gạo
Dù xuất khẩu gạo có nhiều khởi sắc song ngành hàng này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một trong những hạn chế rất lớn là các thương nhân chưa chú trọng liên kết, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ gạo, do đó còn tình trạng nông dân có lúa nhưng không biết bán cho doanh nghiệp nào và ngược lại, doanh nghiệp muốn mua cũng không biết mua ở đâu được đúng sản phẩm theo yêu cầu. Hoạt động xuất khẩu gạo còn qua thương lái nên gây phát sinh chi phí trung gian.
Bên cạnh đó, thời gian qua, có những hợp đồng xuất khẩu gạo dù được ký song doanh nghiệp xuất khẩu không thực hiện đúng cam kết mà buộc phải phá vỡ hợp đồng. Lý do là doanh nghiệp không liên kết với người nông dân, không có cam kết với nhau nên khi giá gạo tăng cao, doanh nghiệp không mua được hàng đúng với giá hợp đồng dự kiến. Nhiều hợp đồng bị huỷ bỏ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp cũng như hình ảnh thương hiệu gạo Việt Nam.
Cần tập trung xuất khẩu gạo chất lượng cao. |
Chính vì lẽ đó, việc xây dựng chuỗi liên kết bền vững giữa các hộ nông dân, hợp tác xã, và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng gạo cũng cần được đẩy mạnh. Điều này không chỉ giúp đảm bảo nguồn cung ổn định mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cao, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm gạo xuất khẩu.
Mặt khác, nhiều chuyên gia nhận định, xuất khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh từ đầu năm đến nay do giá xuất khẩu gạo tăng. Điều thúc đẩy giá gạo tăng là vì Ấn Độ có lệnh cấm xuất khẩu gạo do sản xuất lúa gạo năm nay của quốc gia này đối diện nhiều khó khăn. Hiện, Ấn Độ chiếm tới 40% sản lượng gạo toàn cầu. Nửa cuối năm, mặt hàng lúa gạo sẽ đối diện với thách thức khi Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, hạn mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng là khó khăn mà ngành lúa gạo cần có giải pháp để duy trì tăng trưởng.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khuyến cáo, các doanh nghiệp cần liên kết các hợp tác xã, hộ dân tập trung vào nhóm lúa gạo chất lượng cao nhằm bảo đảm việc xuất khẩu thuận lợi. Thời điểm này là cơ hội lớn cho lúa gạo Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Là nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa đến giá xuất khẩu với những mặt hàng gạo chất lượng cao. Đây là phân khúc phải hướng tới nhằm tạo sự bền vững cho ngành hàng này.
Chuẩn bị cho những biến động của thị trường năm 2024, hiện Bộ Công thương đã xây dựng những giải pháp mang tính chiến lược, hữu dụng và phù hợp với từng kịch bản có thể xảy ra. Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ động đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng để tăng cường tính cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo.
Theo nhandan.vn