BÀI 1: Cú hích từ quy hoạch và hạ tầng
Tân Phước, tỉnh Tiền Giang hôm nay chuẩn bị khoác lên mình màu áo mới khang trang của huyện nông thôn mới (NTM). Đây là kết quả từ sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Phước đã cùng chung sức, đồng lòng từng bước xây dựng và phát triển huyện non trẻ năm nào trở thành huyện NTM hôm nay.
So với các địa phương khác, huyện Tân Phước bắt tay xây dựng huyện NTM với xuất phát điểm rất thấp cùng nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng. Do đó, công tác thực hiện quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng đã được tập trung thực hiện để tạo nền tảng xây dựng thành công huyện NTM.
QUY HOẠCH ĐỂ PHÁT TRIỂN
Triển khai thực hiện chủ trương chung, UBND huyện Tân Phước luôn xác định quy hoạch là cơ sở quan trọng để xây dựng NTM và phải được thực hiện trước một bước. Do đó, huyện đã tập trung chỉ đạo các xã tiến hành triển khai công tác lập quy hoạch. Kết quả đạt được là hiện tại có 11/11 xã trong toàn huyện đã hoàn thành xong công tác lập quy hoạch và xây dựng đề án NTM, được gia hạn đến hết năm 2023. Cùng với đó, mỗi xã cũng đã xây dựng quy chế và tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch.
Cơ sở hạ tầng được huyện Tân Phước hoàn thiện trong quá trình xây dựng NTM. Ảnh: THỨC - THẮNG |
Đề cập về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh Hồ Tấn Sơn cho biết: Xã đã có quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư mới phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với định hướng đô thị hóa theo quy hoạch cấp trên. Cùng với đó, xã đã thuê tư vấn thực hiện điều chỉnh quy hoạch và điều chỉnh bổ sung đồ án, đề án đến năm 2035, đã được UBND huyện phê duyệt và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu Trung tâm xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang trình cấp trên phê duyệt.
Đồ án quy hoạch xây dựng NTM của 11 xã đã hết thời kỳ quy hoạch. Do đó, UBND huyện Tân Phước đã giao phòng chuyên môn cùng UBND xã tiến hành lập quy hoạch vùng huyện và Đồ án Quy hoạch chung xây dựng các xã đến năm 2035 theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Hiện 11/11 xã đã hoàn thành Đồ án Quy hoạch chung đến năm 2035. Toàn huyện có 11 xã đã tổ chức công khai các quy hoạch được duyệt; ban hành quy chế quản lý kiến trúc; cắm mốc chỉ giới quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch theo quy chế quản lý kiến trúc được duyệt.
Sau khi quy hoạch của các xã được phê duyệt, huyện đã chỉ đạo các xã niêm yết, công khai và tổ chức thực hiện đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt như: Niêm yết bản đồ Quy hoạch chung xây dựng tại trung tâm xã, các ấp, dựng bảng pa nô công bố quy hoạch tại xã, công khai rộng rãi để người dân được biết và thực hiện.
Song song đó, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh tổ chức 56 lớp tập huấn cho 2.543 lượt cán bộ các ngành, các tổ chức đoàn thể, cán bộ, công chức cấp xã, ấp các nội dung về: Tuyên truyền, vận động tham gia xây dựng NTM; công tác lập, quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch, đề án xây dựng NTM; công tác huy động nguồn lực; công tác lập hồ sơ đạt chuẩn NTM. Qua đó, công tác lập và công bố quy hoạch được thực hiện hiệu quả, tạo nền tảng để huyện Tân Phước cũng như các xã trên địa bàn huyện triển khai thực hiện công tác xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
HOÀN THIỆN CƠ SỞ HẠ TẦNG
Huyện Tân Phước là địa phương gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng khi mới thành lập, nhất là về giao thông. Nhưng qua quá trình phát triển, hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện đã thay áo mới. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, toàn huyện có 11 xã đã đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, mở rộng 134 tuyến đường và cầu giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 318 km. Toàn huyện tăng thêm 24 tuyến đường xã, 42 tuyến đường ấp, 68 tuyến đường ngõ xóm và 111 cây cầu.
Đến nay, tỷ lệ đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 100%. Tỷ lệ đường ấp, đường liên ấp được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 100%. Tỷ lệ đường ngõ xóm sạch và đảm bảo đi lại thuận tiện quanh đạt 86%. Ngoài ra, huyện còn đầu tư hệ thống chiếu sáng công cộng trên 93 tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài khoảng 190 km, đạt gần 60%.
Bộ mặt khang trang của huyện Tân Phước với các tuyến đường nông thôn. |
Bên cạnh đường sá được thông suốt, hệ thống hạ tầng điện trên địa bàn huyện Tân Phước cũng đã được phủ khắp các xã. Theo đó, trên địa bàn 11 xã hiện đã có đường dây hạ thế dài hơn 566 km, đường dây trung thế dài hơn 306 km, 983 trạm biến áp và 22.171 điện kế đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an toàn điện. Trên địa bàn 11 xã có 16.226/16.226 hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn, nguồn điện đạt 100%, qua kiểm tra thực tế ở các hộ dân đều có điện sử dụng. Cùng với đó, 11 xã của huyện Tân Phước có 42 trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn do các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng đạt 14.628/16.226 hộ, chiếm hơn 90%.
Cùng với đó, hệ thống trường học các cấp cũng được đầu tư bài bản rộng khắp trên toàn huyện. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, huyện đã đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp sửa chữa 23 trường (mầm non 8 trường, tiểu học 9 trường, trung học cơ sở 6 trường), trong đó có 23/23 trường đạt chuẩn cơ sở vật chất mức tối thiểu, 17/23 trường đạt chuẩn quốc gia đạt mức độ 1, 4 trường đạt chuẩn mức độ 2 theo Thông tư 13/2020 ngày 26-5-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Song song đó, các cơ sở chăm sóc, khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn huyện Tân Phước cũng đã được hoàn thiện. Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện có quy mô 50 giường bệnh, được phân hạng bệnh viện hạng III và 12 trạm y tế xã, thị trấn. Lực lượng y tế của huyện luôn tích cực học tập, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng hình ảnh người thầy thuốc chăm lo, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Có thể nói rằng, việc huyện Tân Phước tập trung thực hiện các tiêu chí về Quy hoạch và hạ tầng đã tạo nền tảng và cú hích mạnh mẽ để công tác xây dựng NTM trên địa bàn huyện đạt hiệu qua cao. Các cơ sở hạ tầng thiết yếu được hoàn thiện đã nâng cao chất lượng sống của người dân nơi vùng đất “rốn lũ, rốn phèn” năm nào. Ông Huỳnh Văn Dũng (xã Tân Hòa Tây) cho biết: “Xây dựng NTM đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân. Như trước đây, người dân chỉ sử dụng nước phèn thì bây giờ đã có nước máy. Hay như bây giờ nhà nào cũng có điện sử dụng an toàn cho tưới tiêu, sinh hoạt hằng ngày”.
Còn theo đánh giá của đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tân Phước, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để thực hiện chương trình NTM với quyết tâm chính trị cao để hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Tân Phước đạt chuẩn NTM vào năm 2024. Huyện ủy đã chỉ đạo Ủy viên Ban Thường vụ, Huyện ủy viên và thủ trưởng các ngành và các phòng, ban chuyên môn phụ trách các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong thực hiện các tiêu chí huyện NTM. Qua đó, đến nay, huyện Tân Phước đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM với 11 xã NTM, với 3 xã NTM nâng cao và thị trấn Mỹ Phước đã hoàn thành xây dựng đô thị văn minh. Hiện huyện đang hoàn thiện các hồ sơ trình Hội đồng thẩm định Trung ương công nhận đạt chuẩn huyện NTM trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập huyện.
(Còn tiếp)