Tăng sức cạnh tranh cho ngành hàng sầu riêng
Năm 2024, mặt hàng sầu riêng Việt Nam hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chính hiện nay là Trung Quốc và mặt hàng này đang chịu sự cạnh tranh gay gắt, do đó cần ổn định sản lượng, nâng cao chất lượng để tăng khả năng cạnh tranh của sầu riêng Việt Nam trong thời gian tới.
Lô sầu riêng xuất khẩu. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN) |
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Việt Nam là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc. 4 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng tươi từ thị trường Việt Nam, đạt 79,3 nghìn tấn, trị giá 369,8 triệu USD, tăng 91% về lượng và tăng 81,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023; chiếm 39,2% tổng lượng sầu riêng tươi Trung Quốc nhập khẩu.
Sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm. Ngoài ra, thời gian vận chuyển sang Trung Quốc nhanh hơn so với các nước khác cho nên cũng có giá thành cạnh tranh hơn. Đây là những yếu tố giúp sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường Trung Quốc chỉ sau chưa đầy hai năm ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch. Sầu riêng cũng là chủng loại quả xuất khẩu chính trong cơ cấu chủng loại quả xuất khẩu của Việt Nam cho nên đang đóng góp phần lớn giá trị vào kim ngạch xuất khẩu của cả ngành hàng rau quả.
Hiện dư địa xuất khẩu sầu riêng Việt Nam vào thị trường Trung Quốc vẫn còn rất lớn. Số liệu thống kê từ cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu quả sầu riêng tươi của Trung Quốc đạt 202,5 nghìn tấn, trị giá 1,09 tỷ USD. Giá sầu riêng tươi nhập khẩu trung bình trong bốn tháng đầu năm 2024 đạt 5.394,6 USD/tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023. Thái Lan là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn nhất cho Trung Quốc.
Tuy nhiên trong bốn tháng đầu năm 2024, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc từ thị trường này giảm mạnh. Tỷ trọng nhập khẩu sầu riêng tươi từ Thái Lan trong bốn tháng đầu năm 2024 giảm xuống còn 60% trong tổng lượng nhập khẩu, giảm 26,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù xuất khẩu sầu riêng Thái Lan sang Trung Quốc trong giai đoạn này giảm do tình trạng nắng nóng và hạn hán ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch nhưng hiện Thái Lan đang có nhiều giải pháp cho vấn đề này nên có thể sản lượng sẽ sớm được cải thiện.
Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đang có các giải pháp hỗ trợ nông dân trồng sầu riêng ở phía đông Thái Lan khi hạn hán kéo dài. Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan có nhiệm vụ cung cấp nước cho các trang trại, trong khi Cục Khuyến nông được yêu cầu hướng dẫn để giúp nông dân đối phó điều kiện khô hạn.
Những năm qua, diện tích trồng sầu riêng trên cả nước liên tục tăng, từ gần 32.000 ha năm 2015 lên tới gần 151.000 ha năm 2023. Sản lượng sầu riêng cũng tăng qua từng năm, đạt gần 1,2 triệu tấn năm 2023, trong khi năm 2015 chỉ khoảng 366.000 tấn. Giá trị xuất khẩu sầu riêng tăng từ 29,2 triệu USD năm 2016 lên 420 triệu USD năm 2022 và năm 2023 đạt mức gần 2,3 tỷ USD. |
Trước thực tế đó, để tăng thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc, ngành hàng sầu riêng cần tập trung ổn định sản lượng và chất lượng sản phẩm. Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho rằng, để quản lý chất lượng sản phẩm, các cơ quan chức năng và các cơ quan chuyên ngành địa phương cần vào cuộc giám sát việc thực hiện quy trình sản xuất, từ vật tư đầu vào đến chăm sóc, thu hoạch...
Quản lý chặt chẽ nhằm ngăn chặn việc tranh mua tranh bán làm rối loạn thị trường; đồng thời, kiểm tra, giám sát việc cấp và sử dụng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đúng, hiệu quả; đẩy nhanh tốc độ đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics tại các vùng sản xuất tập trung, đầu mối trung chuyển, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu... để nâng cao năng lực lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, giảm bớt tỷ lệ hàng hóa hư hỏng và giảm bớt áp lực mùa vụ cũng như thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng sầu riêng chế biến đang gia tăng tại Trung Quốc do giá cả phải chăng hơn so với giá sầu riêng tươi cho nên chúng ta cần thúc đẩy nhanh chóng việc ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc để khai thác phân khúc tiềm năng này.
Về vấn đề thị trường, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan Lê Hữu Phúc cho biết: Mùa sầu riêng của Thái Lan bắt đầu sớm hơn Việt Nam, thường từ tháng 1, tháng 2 đến tháng 6 kết thúc, trong khi mùa vụ của Việt Nam là cuối tháng 3, đầu tháng 4 kéo dài đến tháng 8. Do đó, các doanh nghiệp nên lưu ý và tận dụng tính mùa vụ để có kế hoạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, giảm bớt sự cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan tại thị trường này.
(Theo nhandan.vn)