Tiền Giang: Triển khai cung ứng nguồn cát cho các công trình trọng điểm
(ABO) Theo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với các bộ, địa phương, cơ quan có liên quan về xử lý khó khăn, vướng mắc cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam tại tỉnh Bến Tre vừa qua, Tiền Giang được giao cung ứng nguồn cát cho 5 dự án. Hiện Tiền Giang đang tập trung triển khai các thủ tục để cấp phép khai thác cát.
Đoàn công tác của Trung ương do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh và TP. Cần Thơ về cung ứng vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm. |
Theo UBND tỉnh, toàn tỉnh có 31 khu vực mỏ, với tổng trữ lượng theo quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ thông qua là khoảng 41,8 triệu m3.
Trong đó, 18 khu vực mỏ đã cấp phép khai thác trước đây và đã hết hạn, tạm dừng khai thác từ năm 2013 và 13 khu vực mỏ đã cấp phép thăm dò, đã phê duyệt trữ lượng, nhưng chưa cấp giấy phép khai thác.
Theo quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang, công suất khai thác cát giai đoạn 2023 - 2025 là 4,5 triệu m3, giai đoạn 2026 - 2030 là 7,5 triệu m3.
Tuy nhiên, trước nhu cầu nguồn cát san lấp khan hiếm như hiện nay, UBND tỉnh Tiền Giang đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép nâng công suất khai thác lên 9 triệu m3/năm để đủ cát phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia và tỉnh Tiền Giang.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với các bộ, địa phương, cơ quan có liên quan về xử lý khó khăn, vướng mắc cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.
Theo đó, đối với các dự án còn thiếu nguồn vật liệu đắp nền đường thì trong tháng 7-2024, các địa phương có mỏ cát phải hoàn thành thủ tục để khai thác cát cung ứng cho các dự án, bảo đảm khối lượng, công suất đáp ứng tiến độ thi công theo ý kiến của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong đó, tỉnh Tiền Giang cung ứng khoảng 15,95 triệu m3 cát cho các dự án như: Cần Thơ - Cà Mau khoảng 2 triệu m3; thành phần 2 thuộc Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khoảng 4,55 triệu m3; đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh khoảng 6,6 triệu m3; thành phần 2 thuộc Dự án Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu khoảng 0,95 triệu m3; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và Gò Quao - Vĩnh Thuận khoảng 1,85 triệu m3.
Đồng thời, địa phương tiếp tục cân đối để cung ứng đủ nhu cầu vật liệu đắp nền đường cho các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 271/TB-VPCP ngày 22-6-2024.
Hiện UBND tỉnh Tiền Giang đã tập trung triển khai thực hiện khẩn trương, đẩy nhanh thủ tục khai thác các mỏ cát theo quy định tại 3 mỏ cát trên sông Tiền thuộc các xã: Mỹ Lương, Hòa Hưng, Hòa Khánh của huyện Cái Bè để cung cấp khoảng 6,6 triệu m3 cát cho Dự án Đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh. Dự kiến, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản phải qua 6 bước, thời gian tối đa là 60 ngày.
Tại Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 sáng ngày 10-7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho biết, đối với việc khai thác cát, sắp tới đây, UBND tỉnh sẽ mời Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện, Bí thư, Chủ tịch UBND cấp xã, kể cả Bí thư chi bộ, trưởng ấp có mỏ cát tổ chức hội nghị để quán triệt, tạo sự thông suốt, bởi đây nhiệm vụ chính trị, phục vụ cho quốc gia. Từ đó, giải thích cho người dân hiểu được nhiệm vụ chính trị của tỉnh theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng chí Phạm Văn Trọng giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu để thực hiện; triển khai nhanh các nội dung công việc được giao.
Y. P