.

Tuyên truyền để người dân hiểu rõ về chủ trương cấp phép khai thác cát lòng sông

Cập nhật: 22:38, 01/07/2024 (GMT+7)

(ABO) Ngày 1-7, UBND tỉnh Tiền Giang có buổi làm việc với huyện Cái Bè về việc triển khai cấp phép khai thác khoáng sản cát sông phục vụ Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, TP. Hồ Chí Minh. Đồng chí Phạm Văn Trọng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Tỉnh Tiền Giang cung ứng khoảng 15,95 triệu m3 cát cho các dự án trọng điểm trong khu vực. Trong đó, Dự án Đầu tư xây dựng đường Vàng đai 3, TP. Hồ Chí Minh là 6,6 triệu m3 sẽ khai thác ở 3 mỏ trên sông Tiền đi qua các xã Hòa Khánh, Hòa Hưng, Mỹ Lương (huyện Cái Bè).

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) triển khai Kế hoạch số 240/KH-UBND ngày 25-6-2024 về thực hiện Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn năm 2050.

Theo đó, đối với cát lòng sông, từ tháng 8-2013, UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo Sở TN&MT tạm dừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản cát lòng sông để rà soát lại tất cả các khu vực mỏ cát trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, tất cả khu vực mỏ được cấp phép thăm dò, khai thác trước đây đều đã hết hạn theo giấy phép đã được cấp và phải tạm dừng thực hiện các thủ tục cấp phép/gia hạn giấy phép. Các doanh nghiệp chấp hành tạm ngưng khai thác theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; không thuộc trường hợp thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép thăm dò, giấy phép theo quy định tại Điều 46, Điều 58 Luật Khoáng sản năm 2010.

Do đó, tỉnh Tiền Giang tiếp tục xem xét cấp phép khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên khoáng sản cát lòng sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang gồm: Tiếp tục cấp phép 18 mỏ đã cấp phép khai thác và cấp mới 13 mỏ đã cấp giấy phép thăm dò trước ngày 1-7-2011 theo tiêu chí đấu giá quyền khai thác khoáng sản được UBND tỉnh quyết định phê duyệt theo quy định pháp luật.

Thời hạn cấp giấy phép tối đa 5 năm; được gia hạn theo quy định pháp luật. Công suất cấp phép khai thác giai đoạn 2023 - 2025 là 4,5 triệu m3/năm, giai đoạn 2026 - 2030 là 7,5 triệu m3/năm.

Do quy hoạch của tỉnh không có quy hoạch công suất từng mỏ, nên tùy theo trữ lượng còn lại từng mỏ, doanh nghiệp đề xuất khai thác hằng năm, lập dự án đầu tư và đánh giá tác động môi trường đảm bảo theo quy định. UBND tỉnh xem xét cấp phép khai thác nhưng tổng công suất cấp phép hằng năm không vượt công suất hàng nằm theo từng giai đoạn đã được phê duyệt.

Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu tại buổi làm việc.

Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Cái Bè và các xã có các mỏ khai thác cát thống nhất với chủ trương của UBND tỉnh. Cùng với đó, các đồng chí cũng đề nghị UBND tỉnh có các giải pháp để đảm bảo doanh nghiệp khai thác cát đúng vị trí mỏ quy định tránh gây tác động môi trường ảnh hưởng tới người dân. Đồng thời, đề nghị các ngành tỉnh hỗ trợ địa phương và cơ sở trong công tác tuyên truyền đến người dân về chủ trương cấp phép khai thác cát tại các mỏ trên sông Tiền.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Văn Trọng cho biết, đối với các doanh nghiệp khi khai thác tại các mỏ cát phải làm các phương án đảm bảo an toàn trình cơ quan có thẩm quyền của tỉnh kiểm tra. Cùng với đó, Sở TN&MT giám sát chặt chẽ về chuyên môn. Sở TN&MT nghiên cứu tiếp thu ý kiến của địa phương và các cơ quan chức năng.

Đồng chí cũng cho rằng, công tác triển khai, tuyên truyền trong nội bộ cũng như người dân là cần thiết để cán bộ, người dân hiểu rõ, hiểu đúng về mục đích, ý nghĩa của chủ trương cấp phép khai thác khoáng sản cát lòng sông.

CAO THẮNG

 

.
.
.