.

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Năm 2024, tăng trưởng kinh tế có khả năng đạt 6-6,5%

Cập nhật: 20:49, 29/06/2024 (GMT+7)

Sáu tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội nước ta duy trì xu hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo.

Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý II/2024 tăng 1,59% so với quý trước và giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý II/2024 tăng 1,59% so với quý trước và giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Căn cứ kết quả trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định, Việt Nam có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6 - 6,5%.

Để hiểu rõ hơn về bức tranh kinh tế 6 tháng cũng như những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2024, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương xung quanh nội dung này.

Xin Bà cho biết một số nét đặc trưng về tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024?

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội nước ta duy trì xu hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo. Cụ thể: tăng trưởng kinh tế khởi sắc với mức tăng 6,42% (trong đó quý II tăng 6,93%).

Sản xuất nông nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định, lúa Đông Xuân được mùa, được giá, sản lượng một số cây ăn quả chủ yếu đạt khá do nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực với chỉ số sản xuất tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 8,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13%, nhờ đó đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Cùng với đó, ngành du lịch duy trì mức tăng cao với các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 sơ bộ đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 ước tính xuất siêu 11,63  tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,44 tỷ USD), góp phần tạo động lực sản xuất và kích thích xuất khẩu.

Thu hút vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao, phản ánh sự phục hồi của các hoạt động sản xuất kinh doanh. Vốn FDI đăng ký mới tăng cao so với cùng kỳ năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 1.451,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I đạt 617,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8%; quý II đạt 834,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5%.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dần phục hồi sau nhiều tháng gặp khó khăn, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Kinh tế tăng trưởng khởi sắc đã tác động tích cực đến thu ngân sách Nhà nước. Thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.020,6 nghìn tỷ đồng, bằng 60% dự toán năm và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước…

Sản xuất trong nước được cải thiện trong 2 tháng gần đây, với chỉ số PMI tăng nhẹ trên ngưỡng 50 điểm; hoạt động xuất nhập khẩu khá sôi động. Xin Bà cho biết vai trò của động lực xuất khẩu hàng hoá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm và cả năm 2024?

Trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có nhiều kết quả tích cực, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD (tăng 14,5% so với cùng kỳ), xuất siêu hàng hóa ước đạt 11,63 tỷ USD trong 6 tháng.

Xét về cơ cấu xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 166,8 tỷ USD chiếm cơ cấu 87,7%, tăng trưởng 13,9% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện chiếm cơ cấu 14,3%, tăng trưởng 11,3%. Đây là dấu hiệu tích cực, thể hiện được có nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã được tăng lên trong 6 tháng qua, điều này phù hợp với xu hướng tăng nhẹ trên ngưỡng 50 điểm của chỉ số PMI trong 2 tháng gần đây.

Có thể thấy, xuất khẩu hàng hóa tăng cao đã thúc đẩy mạnh hoạt động sản xuất công nghiêp chế biến, chế tạo. Hoạt động sản xuất công nghiệp khởi sắc trong những tháng gần đây, theo xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước và quý sau sao hơn quý trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm các ngành công nghiệp tăng 7,54%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng trưởng chỉ đạt 0,08%). Đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có sự phục hồi mạnh trong quý II với mức tăng trưởng 10,04%, đóng góp 2,46 điểm phần trăm tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Hoạt động nhập khẩu theo đó cũng tăng trưởng tốt lên, trong đó các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nhóm hàng tư liệu sản xuất bao gồm nhóm hàng máy móc thiết bị và nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu.

Bên cạnh tác động tích cực vào tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất khẩu còn góp phần rất lớn trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế bằng cách tạo việc làm cho hàng triệu lao động, giúp kích thích đổi mới trang thiết bị và công nghệ sản xuất. Xuất khẩu không chỉ giúp Việt Nam thu được nguồn ngoại tệ phục vụ nhập khẩu mà còn giúp Việt Nam tăng tích lũy vốn và nâng cao mức sống cho người dân.

Từ con số tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm chúng ta cũng ghi nhận những nỗ lực trong các chính sách xúc tiến thương mại; xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm; đa dạng hóa, mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng qua. Và cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm để hoạt động xuất khẩu phát triển sôi động hơn, đóng góp vào tăng trưởng GDP trong 6 tháng tới. 

Lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm nay của nền kinh tế đã nằm trong ngưỡng lạm phát mục tiêu. Xin bà cho biết, cần có giải pháp gì để kiểm soát thành công lạm phát của năm nay?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023. Để kiểm soát lạm phát năm 2024 đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra, Tổng cục Thống kê kiến nghị một số giải pháp như sau:

Trước mắt, Chính phủ xem xét và quyết định thời điểm, mức độ điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý một cách đồng bộ, thống nhất sao cho phù hợp với thị trường mà vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Cụ thể: không nên điều chỉnh nhiều loại giá dịch vụ do Nhà nước quản lý cùng một thời điểm; không nên điều chỉnh giá điện sinh hoạt khi thời tiết nắng nóng, làm gia tăng chi phí cho người dân, đồng thời cân nhắc mức điều chỉnh giá hợp lý, không nên tăng quá cao trong một thời điểm.

Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Đồng thời, đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược. Các Bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thịt lợn, xăng dầu, gas...) để có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp cuối năm nhằm hạn chế tăng giá. Đồng thời cần có các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường…

Xin bà cho biết kịch bản và các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 đã được Quốc hội thông qua?

Trong nửa đầu năm 2024, nền kinh tế thế giới vẫn đang ở mức phục hồi chậm, tình hình thế giới nhiều bất ổn, khó dự báo. Tuy nhiên, tính đến tháng 6/2024, các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 so với các dự báo đưa ra trước đó (tăng từ 0,1-0,3 điểm phần trăm), điều này sẽ tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm.

Trong nước, với sự nỗ lực và vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực với mức tăng trưởng khá, tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước (quý I đạt 5,87% và quý II ước đạt 6,93%), vượt mục tiêu cận trên của kịch bản điều hành tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là 0,42 điểm phần trăm.

Căn cứ diễn biến tình hình thế giới, kết quả tích cực của hoạt động kinh tế trong nước 6 tháng đầu năm và một số khó khăn thách thức trên, Tổng cục Thống kê cho rằng Việt Nam có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6-6,5%.

Tuy nhiên, để đạt mức tăng trưởng cận trên khoảng 6,5%, kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, Tổng cục Thống kê kiến nghị một số giải pháp cụ thể sau: Chính phủ cần thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu; Tăng cường gắn lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối chuỗi cung cầu; đảm bảo phân phối sản phẩm hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, thực hiện quyết liệt các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động, sản xuất kinh doanh đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp chủ lực như: dệt may, da giày, điện tử...

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng…, ưu tiên kích cầu tiêu dùng trong nước được coi là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2024.

Để kích cầu tiêu dùng, Chính phủ, bộ, ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: giảm giá hàng tiêu dùng; điều chỉnh tăng lương; giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp; tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời thực hiện giãn, khoanh nợ và tăng các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, nhất là trợ cấp trực tiếp cho người nghèo, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, giảm học phí, viện phí.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT để kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn; đồng thời, đẩy mạnh sức mua trong nước bằng việc thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.

Tôi cho rằng, đầu tư công vẫn là động lực quan trọng để kích thích tăng trưởng về phía tổng cầu, đồng thời gia tăng được nội lực của nền kinh tế. Để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, các "nút thắt" về thủ tục tài chính, sự hợp tác linh hoạt và nhanh chóng giữa bộ ngành, địa phương, các nhà đầu tư cần được đẩy mạnh hơn trong những tháng cuối năm 2024.

Cùng với đó, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Khuyến khích các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới, xanh, ít phát thải, có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, nhất là phát huy hiệu quả mô hình hợp tác công - tư vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động.

Xin cám ơn Tổng cục trưởng!

(Theo https://baotintuc.vn/kinh-te/tong-cuc-truong-nguyen-thi-huong-nam-2024-tang-truong-kinh-te-co-kha-nang-dat-665-20240629171720400.htm)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

.
.
.