Xã Tân Hoà Thành: Đan bàng - Tạo sinh kế cho phụ nữ nông thôn
Cập nhật: 10:56, 02/07/2024 (GMT+7)
(ABO) Không ai biết nghề đan bàng (hay còn gọi là “đương bàng”) có từ bao giờ, nghề này cũng không có tổ nghiệp và sản phẩm làm ra ví như một tác phẩm nghệ thuật dân gian rất thông dụng trong đời sống của con người.
Trước đây, nghề đương bàng ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang hầu hết đều “mẹ truyền con nối”. Lúc xưa, sáng hay chiều, xóm bàng luôn rộn ràng tiếng cười nói của các cô thợ đương. Ngày nay, vẫn những xóm làng ấy nhưng khung cảnh trầm lắng, bên mái hiên chỉ còn hình ảnh các cụ bà, phụ nữ tuổi đã quá 40 cần mẫn đương bàng.
Tổ liên kết phụ nữ đan sản phẩm bàng ấp 3, xã Tân Hoà Thành tạo việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ nông thôn. |
GIỮ NGHỀ
Cô Dương Thị Huệ (55 tuổi, ngụ ấp 3, xã Tân Hoà Thành) cho biết: Nghề đương bàng của ông bà mình từ xưa tới giờ. Trước đây chủ yếu là đương đệm. Bây giờ, bàng còn thì mình phải làm để giữ nghề của ông bà, sáng tạo ra thêm nhiều sản phẩm khác như: Giỏ bàng, nón bàng. Làm nghề này tuy cực mà vui, vì mình già không làm gì ra tiền nhưng có nghề đương giỏ bàng có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Xưa kia, vùng quê Hưng Thạnh, Phú Mỹ, Tân Hoà Thành (huyện Tân Phước), bàng mọc hoang vu thành đồng cỏ nên cứ thế nhổ về làm. Còn bây giờ bàng ngày càng khan hiếm, người dân phải mua từng neo bàng với giá khá cao. Từng neo bàng sau khi mua về được phơi qua 3 - 4 nắng, sau đó mang đi ép mới bắt đầu đương. Mặc dù cuộc sống hiện đại nhưng giỏ bàng, nón bàng vẫn được người dân đương theo phương pháp thủ công, bằng đôi bàn tay khéo léo và sự cần mẫn.
Cô Nguyễn Thị Hoa Tươi có gần 40 năm gắn bó với nghề đương bàng. Thâm niên trong nghề độc đáo này là cái nghiệp để cô cặm cụi làm thêm những lúc nông nhàn.
Cô Hoa Tươi bộc bạch: Làm nghề này quần quật cả ngày, nhiều lần định nghỉ. Song không làm thì lại buồn, từ đó làm riết thành ghiền luôn.
Đặc điểm của chất liệu bàng là bền, thân thiện môi trường; những chiếc túi xách từ bàng có độ bền cao. Chính sự mộc mạc và thân thiện với môi trường, lần lượt những chiếc túi, nón độc đáo ra đời và dần chinh phục thị trường. Không chỉ mang ý nghĩa bảo vệ môi trường, khi được khoác lên mình chiếc áo mới, giá trị của mỗi chiếc túi, nón sẽ được nâng cao so với nguyên mẫu truyền thống. Từ đó, góp phần duy trì nghề đương bàng truyền thống.
TẠO VIỆC LÀM ỔN ĐỊNH
Các chị em đã “thổi hồn” để cho ra những chiếc túi với kiểu dáng mới, lạ. |
Năm 2021, chị Nguyễn Thị Nga, Tổ trưởng Tổ liên kết phụ nữ đan sản phẩm bàng ấp Tân Quới được Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế - Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh (gọi tắt là Quỹ MOM) trao giải Nhì Giải thưởng “MOM - Doanh nhân vi mô tiêu biểu”.
Chị Nga chia sẻ: Hiện nay, việc làm ăn của Tổ đang rất thuận lợi bởi nhận được sự ủng hộ của các cấp, các ngành và người dân địa phương. Còn trong thời gian tới, Tổ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều phụ nữ nghèo lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội.
Nhiều phụ nữ đã gắn bó với nghề đan bàng hơn 40 năm. |
Công việc đan giỏ bàng, nón bàng dễ học, dễ làm, chỉ cần chịu khó và tỉ mỉ thì có thể làm được ngay, chính vì vậy, mô hình có khả năng thu hút chị em ở nhiều độ tuổi khác nhau tham gia, giải quyết được thêm công việc cho số lao động nhàn rỗi và chưa có việc làm, tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ các chị em vừa chăm sóc gia đình, vừa có thể kiếm thêm thu nhập.
Hiện mô hình đan các sản phẩm bàng được nhiều chị em hưởng ứng, đăng ký tham gia ngày càng đông, đời sống kinh tế gia đình cải thiện rõ rệt hơn so với trước đây.
Dù chỉ mới được thành lập hơn 1 năm, Tổ liên kết phụ nữ đan sản phẩm bàng ấp 3, xã Tân Hoà Thành không chỉ lưu giữ được nét đẹp của nghề đan đát truyền thống, mà còn tạo việc làm cho phụ nữ nhàn rỗi tại địa phương, góp phần chung tay xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại địa phương.
Chị Nguyễn Thị Bé Hai, Tổ trưởng cho biết: Hiện Tổ tạo việc làm cho 30 chị em đan các sản phẩm như giỏ xách, nón bàng.... Hằng tuần, Tổ sản xuất trên dưới 1.000 sản phẩm. Tùy theo kích thước sản phẩm, giá tiền công từ 8.000 - 20.000 đồng/sản phẩm, thợ giỏi thì làm ra 20 sản phẩm/ngày, thợ hơi lớn tuổi thì trên 10 sản phẩm/ngày; với thu nhập bình quân khoảng 2 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Tổ liên kết phụ nữ đan sản phẩm bàng ấp 3 tạo việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ nông thôn. |
Chị Nguyễn Thị Thuỳ Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hoà Thành chia sẻ: Hiện trên địa bàn xã có 4 Tổ liên kết phụ nữ đan sản phẩm bàng và 1 tổ sinh kế phụ nữ đan bàng với hơn 200 chị em phụ nữ tham gia. Không chỉ tạo ra các sản phẩm bàng, mà từ những chiếc túi đệm bàng, nón bàng đơn giản, các chị em đã “thổi hồn” để cho ra những chiếc túi với kiểu dáng mới, lạ, xen lẫn chút phá cách nhưng vẫn tiện dụng cho khách hàng.
Cụ thể, các chị đã đính các phụ kiện cách tân, vẽ thêm hoa văn bắt mắt…. Từ những chiếc giỏ đệm bàng bình thường, nay là giỏ xách thời trang, mang thông điệp bảo vệ môi trường và giới thiệu các sản vật của địa phương.
Hiệu quả mô hình “Tổ liên kết phụ nữ đan sản phẩm bàng” đã góp phần thực hiện tốt chỉ tiêu phong trào thi đua về tự tin, sáng tạo, vượt qua khó nghèo, nâng cao tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau làm kinh tế, tạo thêm cơ hội nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ theo tinh thần Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030"; Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, góp phần giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Tổ liên kết phụ nữ đan sản phẩm bàng ấp 3 tạo việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ nông thôn. |
SỚM MAI