.
Cuộc cách mạng ở vùng đất phèn chua:

Nông nghiệp "thay da đổi thịt"

Cập nhật: 14:59, 25/08/2024 (GMT+7)

Bài 1: Chinh phục đồng cỏ lác

Bài 2: Chuyện những người đi "mở đất"

Bài 3: Miền quê nghèo khó bắt đầu bừng sáng

(ABO) Sau mấy mươi năm khai phá vùng đất rốn lũ, rốn phèn và Tân Phước tròn 30 tuổi, vùng đất ấy hôm nay đã đổi khác rất nhiều, nhất là trên mặt trận nông nghiệp.

Từ vùng đất hoang hóa ngày nào, hôm nay lĩnh vực nông nghiệp của huyện Tân Phước đã "thay da đổi thịt". Đây không còn là vùng đất được coi là bưng sậy lên hoang hay đồng cỏ lác ngày nào mà đã thay bằng màu xanh bạt ngàn của cây trái.

Sự chuyển động của ngành nông nghiệp Tân Phước tất nhiên được thừa hưởng từ chủ trương “xốc” vào thủy lợi thông qua việc tập trung đào các tuyến kinh chính, kinh sườn đồng thời là việc thực hiện các ô đê bao. Công việc này cũng rất vất vả, tốn nhiều thời gian, công sức nhưng mang đến nhiều quả ngọt.

s
Ông Trần Văn Thích bên vườn thanh long chuẩn bị thu hoạch.

Nhìn một cách tổng thể hơn, sự chuyển động của huyện Tân Phước nói chung, lĩnh vực nông nghiệp nói riêng là kết tinh của sự nỗ lực phi thường. Bởi ngay từ những ngày đầu thành lập huyện, đất đai đưa vào sản xuất chỉ khoảng 13.000 ha, chủ yếu là các loại cây như: Tràm, bạch đàn, lúa, mía, khóm, khoai… Thế nhưng, trải qua 30 năm, trên địa bàn huyện Tân Phước đã được đầu tư nâng cấp 250 công trình và các kinh, mương thủy lợi nội đồng trên 1.620 km và hoàn chỉnh 134 ô bao chống lũ, với tổng chiều dài 740 km, các dự án thủy lợi quan trọng đã cơ bản hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng, thúc dẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, từng bước hình thành các vùng sản xuất lớn, chuyên canh, đảm bảo phục vụ tưới chủ động trên 99,68% diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Kết quả chuyển động rõ nét nhất là diện tích trồng cây ăn quả của huyện Tân Phước hiện có khoảng 18.500 ha (trong đó khóm có diện tích 15.000 ha). Đất trồng lúa khoảng 6.400 ha, với diện tích gieo trồng mỗi năm 18.000 ha, sản lượng 115.000 tấn lúa hàng hóa mỗi năm. Ngành Nông nghiệp cũng thực hiện thâm canh, tăng vụ áp dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng khoảng 6.000 ha diện tích cây màu thực phẩm, đưa cây dưa hấu, cây khoai mỡ; cải tạo và giữ gìn diện tích tràm và bạch đàn hiện có; mở rộng khu Bảo tồn sinh thái lưu giữ các loài cây bản địa đặc trưng vùng ĐTM với diện tích trên 160 ha và dẫn dụ hơn 150 loài chim, cò về đây sinh sống và xây tổ sinh sản mật độ ngày càng đông…

Những ai đã gắn bó với vùng đất Tân Phước này ngay từ những ngày đầu khai phá mới có thể cảm nhận hết về những chuyển động của địa phương, ít nhất là ngay trong chính gia đình mình. Ông Lê Phước Hải, người có mặt trên vùng đất Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước, ngay từ những ngày đầu khai hoang phục hóa vùng Đồng Tháp Mười trên địa bàn Tiền Giang ngay cả trước khi đơn vị hành chính huyện Tân Phước được thành lập. Hơn ai hết, ông hiểu sự chuyển mình của vùng đất đặc biệt khó khăn Tân Hòa Đông trong suốt chặng đường vừa qua.

Khi được nhắc lại những giai đoạn khó khăn ấy, ông Hải bùi ngùi: Lúc đầu vùng đất này hầu như chưa có kinh mương, đường giao thông đi lại rất khó khăn. Kể từ khi thực hiện chủ trương đê bao, nhất là từ sau năm 2005, cuộc sống người dân thay đổi dần. Ban đầu, bà con chủ yếu trồng cây khóm, có lúc cao điểm toàn xã lên đến 2.200 ha. Giai đoạn hiệu quả nhất của cây khóm là từ năm 2013 - 2016, với mức lợi nhuận từ 180 - 200 triệu đồng/ha. Hiện nay, cây trồng trên vùng đất Tân Hòa Đông đã được thay đổi khá nhiều; thanh long, mít đã chiếm dần diện tích cây khóm, cây khoai.

“Đa số hộ dân có diện tích đất sản xuất từ 1,5 - 2 ha trở lên đều đã xây dựng được nhà cửa ổn định, khang trang, con cái đều được đến trường. Đặc biệt, trên địa bàn cũng đã xuất hiện nhiều hộ dân có thu nhập cao, với diện tích đất tương đối lớn”- ông Hải cho biết.

Sự chuyển mình của Tân Phước hôm nay phần lớn gắn liền với sự chuyển biến đáng kể của ngành Nông nghiệp. Bởi một thời gian dài vùng đất Tân Phước chỉ được biết đến với tràm, bàng hay khóm nhưng giờ đây đã khác nhiều.

Cây chanh
Cây chanh đã bám rễ trên vùng đất Tân Phước.

Trước đây, cũng không ai nghĩ rằng, vùng đất Tân Phước nói chung, các xã Tân Hòa Đông, Thạnh Mỹ, Hưng Thạnh… có thể trồng được cây ăn trái, chẳng hạn như thanh long. Nhưng nay những suy nghĩ ấy đã thay đổi và được minh chứng bằng các mô hình thực tế. Chúng tôi được địa phương thiệu về một trong những mô hình trồng thanh long đầu tiên của xã Tân Hòa Đông.

Với diện tích hơn 1,2 ha, vườn thanh long này đang được phủ lên một màu xanh mướt. Bên căn nhà đang được xây dựng với kinh phí tương đối lớn bên cạnh vườn thanh long trĩu quả, ông Trần Văn Thích nói rằng cuộc sống người dân ở đây đã bước sang trang mới. Nhìn chung, nhà cửa, đường đi lại đã khoác lên mình một diện mạo mới khang trang hơn.

Sau nhiều năm gắn bó với cây khóm, ông 3 Thích là một trong những người đầu tiên chuyển sang trồng cây thanh long. Giờ đây, vườn thanh long của ông đã bắt đầu cho quả ngọt. Khi chúng tôi tham quan vườn thanh long gần đây, ông 3 Thích chia sẻ rằng, thanh long cho mức thu nhập cao gấp 5 lần so với trồng khóm.

No
Nông nghiệp của Tân Phước đã có diện mạo mới. Ảnh: TL.

Câu chuyện chuyển đổi mô hình sản xuất, đầu tư vào các vườn cây ăn trái thay vì chỉ chọn cây khóm, khoai mỡ, tràm… trên địa bàn huyện Tân Phước cũng đã được bắt đầu cách đây nhiều năm. Thậm chí, lúc thời hoàng kim của cây thanh long những năm trước đây, diện tích trồng thanh long tăng rất nhanh trên địa bàn huyện Tân Phước. Tiếp đến là cây mít, sầu riêng, bơ, chanh… và nhiều loại cây trồng khác cũng đã có mặt trên vùng đất khó này.

Trên phạm vi hẹp, xoay quanh câu chuyện về khai phá vùng đất phèn chua cũng như chặng đường chuyển mình của vùng đất này, lãnh đạo xã Tân Hòa Đông cho rằng, vùng đất này hiện đã được xây dựng ô đê bao hoàn chỉnh, đất đai được cải tạo, màu mỡ nên đã trồng được nhiều loại cây trái. Bên cạnh khóm, khoai mỡ theo truyền thống, nhiều cây trồng mới cũng đã xuất hiện, với diện tích tăng nhanh như thanh long, mít, chanh không hạt, mãng cầu... Chỉ riêng thanh long trong thời điểm tiêu thụ tốt, chỉ trong thời gian ngắn trên địa bàn xã đã trên có 100 ha. Nhìn chung, thời gian qua đời sống người dân cũng đã chuyển biến rất đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm đi khá nhiều…

Nhìn lại chặng đường 30 năm, thành tựu mà Tân Phước đạt được không chỉ gói gọn ở công tác đầu tư khai thác thủy lợi, việc xác lập các ô đê bao hay sự chuyển động mạnh mẽ của lĩnh vực nông nghiệp mà còn trên nhiều mặt trận khác...

ANH PHƯƠNG
(Còn tiếp)

.
.
.