.

Huyện Gò Công Đông: Nâng cao đời sống người dân vùng biển qua xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao

Cập nhật: 22:23, 17/08/2024 (GMT+7)

Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) không những mang lại bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, mà còn phải nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân huyện biển dần cải thiện, bộ mặt nông thôn chuyển biến tích cực, người dân đồng tình, ủng hộ xây dựng NTM ngày càng cao.

NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN

Gò Công Đông là huyện cửa ngõ phía Đông của tỉnh Tiền Giang, nằm giữa hai cửa sông Soài Rạp và Cửa Tiểu. Giao thông vận tải đường thủy và đường bộ khá thuận tiện khi cách trung tâm tỉnh 41 km, cách TP. Hồ Chí Minh 58 km. Đây là những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển nói riêng và trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh, thúc đẩy giao thương hàng hóa trong và ngoài nước.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dần cải thiện, bộ mặt nông thôn chuyển biến tích cực.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dần cải thiện, bộ mặt nông thôn chuyển biến tích cực.

Năm 2020, huyện Gò Công Đông được công nhận huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh. Hiện nay, huyện đang tập trung huy động mọi nguồn lực, để đạt chuẩn huyện NTM nâng cao vào cuối năm 2024. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được huyện xác định, triển khai ngay với quyết tâm cao.

Nhờ có chương trình xây dựng NTM, huyện đang chuyển mình theo chiều sâu chất lượng, đời sống người dân ngày một nâng cao; kinh tế - xã hội, văn hóa phát triển toàn diện. 

Trong xây dựng NTM, xác định được tầm quan trọng của giao thông nông thôn, chính quyền địa phương đã không ngừng nỗ lực cho sự phát triển lâu dài. Nổi bật là phong trào “Hiến đất làm đường” diễn ra từ năm 2020 đến nay, được nhân dân trong huyện hưởng ứng nhiệt tình.

Trước đây, có những con đường đất, sình lầy, đá xanh, đá đỏ chỉ rộng khoảng 2 m, bụi bay nay đã được mở rộng trải nhựa, đổ bê tông sạch đẹp, chiều rộng lên đến 4 - 5 m, hai bên đường rợp bóng cây, làm bừng sáng những tuyến đường ở vùng quê ven biển.

Để được những tuyến đường liên xóm, liên ấp thông thoáng, nhiều gia đình sẵn sàng hiến đất ở, dỡ nhà, cổng, tường rào, công trình phụ để bàn giao mặt bằng, nhằm cải tạo đường mới.

Là địa phương có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, những năm qua, huyện Gò Công Đông đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tạo bước đột phá về chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phá thế độc canh cây lúa, chuyển sang nuôi trồng thủy sản và cây ăn quả; quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng.

Sau thời gian xây dựng huyện NTM, kinh tế - xã hội của huyện có sự chuyển biến mạnh mẽ, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.

Toàn huyện còn 314 hộ nghèo, chiếm 0,81%; hộ cận nghèo 870 hộ chiếm 2,25%.

Đối với các hộ nghèo luôn được lãnh đạo các cấp quan tâm, chăm lo tạo điều kiện cũng như các phương thức thoát nghèo bền vững.

Huyện cũng tích cực hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm; đồng thời tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, chú trọng xây dựng thương hiệu hàng hóa, kết nối giữa doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Lãnh đạo huyện Gò Công Đông đang tập trung các giải pháp thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng, hiệu quả, nâng cao giá trị sản xuất gắn với biển đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Hiện toàn huyện có 53.543 ha diện tích lúa, năng suất thu hoạch bình quân ước đạt 6,1 tấn/ha, tổng sản lượng ước được trên 326 ngàn tấn; có 34.868 ha diện tích trồng màu.

Toàn huyện hiện có 37,4 ha rau màu đã được chứng nhận VietGAP, trên 150 ha rau màu được sản xuất trong nhà màng, nhà lưới đã quản lý tốt dịch hại trên cây trồng…

Huyện Gò Công Đông sở hữu bờ biển dài 21,2 km cùng với 2 cửa sông chính là Soài Rạp và Cửa Tiểu thông ra Biển Đông. Nhờ các cửa sông này mà bờ biển có nhiều phù sa, tạo ra một dải bờ biển có điều kiện cho các loài sinh vật phát triển.

Huyện Gò Công Đông duy trì và phát triển vùng nuôi nghêu có diện tích 2.200 ha, tập trung tại xã Tân Thành, sản lượng khai thác bình quân hằng năm đạt khoảng 20.000 tấn. Nghêu Gò Công có chất lượng tốt, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dần cải thiện, bộ mặt nông thôn chuyển biến tích cực.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dần cải thiện, bộ mặt nông thôn chuyển biến tích cực.

Nguồn sò huyết, nghêu giống sinh sản tại các cồn bãi trên biển Gò Công là một đặc ân mà thiên nhiên ban tặng cho địa phương và được ví như “vàng trắng”. Vào giữa tháng 11-2023, tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đã diễn ra Lễ trao chứng nhận và ký liên kết chuỗi giá trị nghêu Tiền Giang. Chứng nhận ASC được trao cho vùng nuôi nghêu của Ban quản lý Cồn Bãi huyện Gò Công Đông.

Theo đó, 311 ha nuôi nghêu ở huyện Gò Công Đông đã đạt chứng nhận quốc tế ASC. Đây là vùng nuôi nghêu thứ 4 của Việt Nam và cũng là vùng nuôi nghêu thứ 4 trên thế giới đạt chứng nhận quan trọng này... Với chứng nhận ASC, sản phẩm nghêu Gò Công Đông có điều kiện xuất khẩu ra thị trường thế giới, góp phần thúc đẩy nghề nuôi nghêu của huyện Gò Công Đông phát triển lên một tầm cao mới trong tương lai.

Cùng với đó, chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Gò Công Đông, đặc biệt là các xã vùng ven biển có chuyển biến tích cực, mở ra hy vọng về một tương lai tươi sáng cho các em học sinh vùng ven biển. Toàn huyện hiện có 2 trường THPT, 11 trường THCS, 14 trường tiểu học và 13 trường mầm non; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 22/40 trường, đáp ứng được nhu cầu học tập nâng cao trình độ dân trí cho học sinh địa phương trong giai đoạn hiện nay và đạt chuẩn theo tiêu chí của huyện NTM nâng cao.

NHIỀU GIẢI PHÁP HOÀN THÀNH MỤC TIÊU HUYỆN NTM NÂNG CAO

Với tinh thần “Xây dựng NTM có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc”, nhất là ở những xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, từng cấp phải xác định rõ xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục.

Để hoàn thành mục tiêu trở thành huyện NTM nâng cao, ngoài huy động nội lực, sự đoàn kết, chung sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, huyện Gò Công Đông sẽ tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa và tranh thủ các nguồn kinh phí từ các nhà đầu tư, các dự án, sự hỗ trợ của tỉnh và Trung ương để hoàn thiện và đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao đáp ứng yêu cầu của huyện NTM nâng cao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần của người dân.

Đặc biệt, tăng cường huy động, lồng ghép bố trí các nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân như: Điện, đường, trường, trạm, nước sạch; đồng thời nâng chất lượng hoạt động trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường...

Trong thời gian tới, để thực hiện các mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra, huyện Gò Công Đông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM, hướng đến xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2024.

Song song đó, các ngành của huyện tập trung quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện việc đầu tư, xây dựng các công trình với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” nhằm không để xảy ra hiện tượng tiêu cực, lãng phí, tham nhũng làm mất lòng tin của nhân dân.

Bên cạnh đó, từng cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn cư trú; đồng thời tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhằm tìm ra những gương điển hình, những cách làm hay, sáng tạo cần nhân rộng; kịp thời uốn nắn những biểu hiện sai lệch, chạy theo thành tích trong quá trình thực hiện.

Những giá trị to lớn từ xây dựng NTM nâng cao mang lại đã kết tinh thành “quả ngọt”, đền đáp xứng đáng cho sự chung sức đồng lòng, tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân. Đây là nền tảng vững chắc để huyện nhà tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành quả trên chặng đường xây dựng NTM nâng cao, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

L.OANH - Q. TOÀN - T.T
 

.
.
.