.

ĐBSCL đứng trước thách thức lớn về an ninh nguồn nước

Cập nhật: 17:10, 16/08/2024 (GMT+7)

(ABO) Sáng 16-8, tại tỉnh Tiền Giang, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tổ chức Hội thảo với Đề tài “Nghiên cứu giải pháp, công nghệ tích trữ nước phân tán phục vụ vùng cây ăn quả (CAQ) Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Quỳnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, ĐBSCL đang đứng trước những thách thức to lớn về an ninh nguồn nước.

Đáng quan tâm, nơi đây có vườn trái cây chiếm khoảng 40% của cả nước với diện tích khoảng 390.000 ha, đã và đang đối mặt với tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn nặng nề.

Nhằm kế thừa những thành công, khắc phục những tồn tại về các giải pháp tích trữ nước tưới cho các vùng cây ăn trái, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) giao chủ trì thực hiện Đề tài cấp bộ “Nghiên cứu giải pháp, công nghệ tích nước phân tán phục vụ vùng CAQ ĐBSCL”.

Bước đầu, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp tích trữ nước tưới và hướng dẫn sử dụng nước tiết kiệm. Đồng thời, chuyển giao cho nông dân thông qua quyển sổ tay “Hướng dẫn tạm thời kỹ thuật trữ nước, tưới hiệu quả cho CAQ vùng ĐBSCL.

Theo đó, có các giải pháp tích nước phân tán như: Trữ trong ao hồ, kinh rạch cụt, vườn cây, túi nhựa… Riêng các mô hình thiết kế ao trữ nước với diện tích từ 10% - 15% diện tích vườn. Bên cạnh đó, các giải pháp tưới tiết kiệm được khuyến cáo là tưới phun mưa cục bộ và tưới nhỏ giọt.

Tiến sĩ Trần Thái Hùng, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết, đề tài nghiên cứu cũng kế thừa các dự báo nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ĐBSCL để khuyến cáo cho nông dân thời điểm lấy nước phù hợp cho các vùng CAQ.

Tiến sĩ Võ Hữu Thoại phát biểu tại hội nghị.
Tiến sĩ Võ Hữu Thoại phát biểu tại hội thảo.

Đề tài đã xây dựng được 2 mô hình trữ nước thí điểm trên bưởi da xanh (tại Tiền Giang) và sầu riêng (tại Bến Tre). Qua mùa khô hạn, các nhà vườn đã sử dụng nước hiệu quả giúp các vườn cây vượt hạn, mặn, nhưng vẫn đảm bảo năng suất cao.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, thế mạnh của tỉnh là trái cây và rau màu, nhất là trái cây xuất khẩu mang lại giá trị cao. Trung bình mỗi năm, tỉnh cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước hơn 1,7 triệu tấn trái cây, 1,2 triệu tấn rau, 800 ngàn tấn lúa.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã có những tác động không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc phát triển CAQ, khi các loại cây trồng này mẫn cảm với chất lượng nguồn nước.

Việc Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thực hiện đề tài khoa học này là rất thiết thực. Qua đây, góp phần giải quyết kịp thời các bức xúc của nhà vườn, nhà khoa học và nhà quản lý trong thời gian qua.

Đó là tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu thiệt hại cho nông dân, đáp ứng nhu cầu sản xuất, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện CAQ miền Nam cho biết, đến năm 2023, ĐBSCL có 404,1 ngàn ha trồng cây ăn trái, phân bố tại 13 tỉnh: Tiền Giang (20,8%), Vĩnh Long (14,6%), Hậu Giang (10,85), Đồng Tháp (10,4%), Sóc Trăng (7,1%), Long An (6,6%)...

Xoài là CAQ có diện tích trồng lớn nhất ở ĐBSCL, đạt 49,5 ngàn ha vào năm 2023. Cam là loại trái cây có sản lượng lớn nhất ở ĐBSCL, năm 2023 đã đạt hơn 1,2 triệu tấn. Diện tích trồng CAQ của ĐBSCL có xu hướng tăng trong 10 năm qua. Nếu như năm 2014, ĐBSCL chỉ có 302,8 ngàn ha thì năm 2023 đã đạt 404,1 ngàn ha, tăng 101,3 ngàn ha.

Trái cây tiêu thụ dạng tươi ở thị trường nội địa chiếm 85% - 90% (trừ sầu riêng, thanh long, mít), xuất khẩu tươi chiếm 10% - 15% tổng sản lượng hằng năm, chế biến chiếm tỷ lệ nhỏ. Hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân được hình thành và phát triển nhưng chưa nhiều.

Hệ thống thu mua, cung ứng - tiêu thụ sản phẩm trái cây ở Việt Nam phần lớn là do các tư thương đảm nhận. Sản phẩm trái cây từ sản xuất đến tiêu dùng qua nhiều khâu trung gian làm tăng giá thành.

Theo Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, trái cây nước ta cũng có nhiều cơ hội phát triển, song cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Đầu tiên là tác động của biến đổi khí hậu đang trở nên nghiêm trọng hơn.

Việc xây dựng đê (đập) ở thượng nguồn sông Mê Kông, kinh đào Phù Nam của Campuchia đã và sẽ làm giảm lượng nước cung cấp cho ĐBSCL, góp phần gia tăng xâm nhập mặn.

Thời gian xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng trái cây. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trái cây chủ lực của Việt Nam ngày càng trở nên khắt khe hơn, với các quy định, hàng rào kỹ thuật…

Theo Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, để phát triển CAQ bền vững cần đánh giá lại nguồn tài nguyên nước từng khu vực, quy hoạch và phát triển các hệ thống thủy lợi theo từng vùng. Từ đó, quy hoạch lại các vùng trồng thích hợp với từng loại CAQ.

Một trong những giải pháp căn cơ là nghiên cứu nhu cầu nước trong mùa khô cho từng loại cây trồng, từng vùng sinh thái, ở các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây, nhất là giai đoạn kinh doanh.

Cơ quan chuyên môn cần đánh giá mức độ ảnh hưởng của giống cây trồng tại những vùng có nguy cơ cao (hạn, mặn, ngập, phèn) đề xuất hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích hợp…

M. THÀNH

 

 

.
.
.