.

Tiền Giang nỗ lực về đích - Bài cuối: Kinh tế chuyển dịch tích cực

Cập nhật: 15:41, 19/08/2024 (GMT+7)

(ABO) Tiền Giang sẽ tập trung huy động đa dạng các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế.

Đây cũng là một trong đích đến để Tiền Giang hoàn thành tốt các chỉ tiêu đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2020-2025.

NHIỀU ĐIỂM SÁNG

Cũng như các tỉnh, thành trong cả nước, bước vào đầu nhiệm kỳ 2020-2025, kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang chịu tác động lớn của nhiều yếu tố bất lợi. Đại dịch Covid-19 là một trong những tác nhân lớn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước. Chưa kể, hạn mặn, dịch bệnh đã và đang tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, một trong những “mặt trận” rất quan trọng của Tiền Giang.

Từ các yếu tố bất lợi này là tác nhân chính đã dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tiền Giang cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chẳng hạn, về tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Tiền Giang, năm 2021 giảm 0,91%. Khi kinh tế hồi phục sau đại dịch Covid-19, năm 2022 tăng trưởng kinh tế của Tiền Giang tăng 7,1%, năm 2023 tăng 5,63%, dự kiến năm 2024 tăng 6,15%.

v
Tân Phước có tiềm năng rất lớn trong phát triển công nghiệp của tỉnh Tiền Giang. Ảnh: MINH THÀNH.

Như vậy, bình quân 4 năm (2021-2024) tăng trưởng kinh tế của Tiền Giang đạt khoảng 4,44%/năm (Nghị quyết đề ra là tăng bình quân 7,0% - 7,5%/năm). Trong khi đó, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2023 đạt 123 ngàn tỷ đồng, chiếm 9,7% cơ cấu GRDP của 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (đứng thứ 3/13, sau tỉnh Long An, Kiên Giang).

Bước sang năm 2024, kinh tế Tiền Giang có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, GRDP của tỉnh Tiền Giang tăng 5,56% so với cùng kỳ, tăng cao nhất giai đoạn 2020-2024. Dự kiến cả năm 2024 GRDP của Tiền Giang tăng 6,15%, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,93%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,47%; khu vực dịch vụ tăng 7,24% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,43%.

Điểm đáng chú ý là trong tháng 7-2024, tỉnh Tiền Giang thu hút được 1 dự án mới; lũy kế đến tháng 7-2024, Tiền Giang thu hút được 7 dự án mới, tổng vốn đầu tư thu hút đến hết tháng 7 được khoảng 8.105 tỷ đồng, tăng 43% so cùng kỳ. Tháng 7 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 67 doanh nghiệp thành lập mới, với vốn đăng ký 379 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng, Tiền Giang có 520 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 7,4% so cùng kỳ với tổng vốn đăng ký mới 3.407 tỷ đồng, tăng 4,8% so cùng kỳ.

Trong khi đó, nhìn vào thực tiễn, cơ cấu kinh tế của Tiền Giang đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng phi nông nghiệp và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Theo đó, tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp tăng từ 60,9% năm 2020 lên 62% năm 2024; khu vực nông nghiệp giảm từ 39,1% xuống 38%.

Một trong những điều đáng ghi nhận là GRDP bình quân đầu người của Tiền Giang tăng liên tục qua các năm. Nếu như năm 2021 GRDP bình quân đầu người của Tiền Giang là 56 triệu đồng/người, năm 2022 là 63 triệu đồng/người, năm 2023 là 68,8 triệu đồng/người, năm 2024 ước tăng lên 77,4 triệu đồng/người (tăng bình quân 8,5%/năm).

TIẾP TỤC VƯỢT KHÓ

Theo dự báo, trong thời gian tới tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược nước lớn gay gắt; kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi nhưng chưa ổn định, sức ép lạm phát và lãi suất ở một số nền kinh tế dự báo có thể tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2024.

Đối với nước ta, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực nhưng khó khăn, thách thức còn rất lớn và nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; các yếu tố bất lợi bên ngoài cùng những hạn chế, bất cập nội tại tiếp tục ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Chưa kể, hoạt động sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn; sản xuất công nghiệp phục hồi chưa nhanh…

v
Vùng động lực Đông Nam Tân Phước hứa hẹn sẽ phát triển nhanh. Ảnh: MINH THÀNH.

Tuy nhiên, để tiếp tục quán triệt thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 20/KH-UBND ngày 19-1-2024 của UBND tỉnh, Tiền Giang phấn đấu hoàn thành đạt và vượt cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024. Đặc biệt là Tiền Giang không ngừng nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành một cách tốt nhất các chỉ tiêu đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2020-2025, nhất là trên mặt trận kinh tế.

Theo đó, Tiền Giang sẽ tập trung hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh; xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai thực hiện hiệu quả, tạo động lực tăng trưởng mới. Đồng thời, Tiền Giang tập trung rà soát, cập nhật các quy hoạch vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành… đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh. Ngoài ra, Tiền Giang sẽ tổ chức Hội nghị triển khai những định hướng phát triển theo Quy hoạch tỉnh tại 2 vùng động lực của tỉnh là vùng Gò Công và Đông Nam Tân Phước.

v
Dự án Đường giao thông hai bên bờ sông Bảo Định đang được tập trung thực hiện.

Song song đó, Tiền Giang tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 10-NQ/TU về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; hỗ trợ các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới (huyện Tân Phước, Tân Phú Đông), huyện nông thôn mới nâng cao (huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông) năm 2024 thực hiện đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời, Tiền Giang cũng xây dựng kế hoạch, lộ trình và giải pháp thực hiện mục tiêu tỉnh Tiền Giang được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, Tiền Giang sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công. Theo đó, Tiền Giang sẽ huy động sự vào cuộc, thống nhất của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để thực hiện dự án, nhất là các dự án quy mô lớn sử dụng ngân sách Trung ương (Dự án thành phần 2 của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (giai đoạn 1), Đường giao thông hai bên bờ sông Bảo Định, Đường phát triển vùng Đồng Tháp Mười - nối từ cao tốc vào huyện Tân Phước...)…

Nhiệm kỳ 2020-2025 không còn dài. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, nhưng Tiền Giang không ngừng nỗ lực, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành một cách tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã được đề ra đến năm 2025.

TA

.
.
.