Huyện Cai Lậy: Hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất
Những năm qua, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang tranh thủ nguồn lực đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhiều công trình được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt, cung cấp nước tưới tiêu cho đồng ruộng, vườn cây ăn trái.
Xã Long Trung có hơn 1.200 ha vườn cây ăn trái, trong đó vườn chuyên canh chiếm hơn 90% diện tích, với cây trồng chủ lực là sầu riêng. Phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngoài ngân sách đầu tư, xã Long Trung huy động tốt nguồn lực trong nhân dân hoàn thiện các công trình thủy lợi.
Hệ thống cống đập trên địa bàn huyện được đầu tư hoàn thiện, phục vụ sản xuất nông nghiệp. |
Tại ấp 14, Ban lãnh đạo ấp vừa vận động nhân dân đóng góp kinh phí hơn 40 triệu đồng nạo vét tuyến rạch khu vực tổ 10 với chiều dài gần 500 m. Công trình hoàn thành dẫn nước tưới cho hơn 8,3 ha vườn cây ăn trái của các hộ dân trong khu vực.
Ông Đống Khắc Nên, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp 14, xã Long Trung cho biết: “Con rạch này nhiều đoạn bị bồi lắng, gây tắc dòng chảy, mùa khô thì cạn nước, còn mùa mưa thì không thoát kịp, ảnh hưởng sản xuất. Vì vậy khi địa phương vận động, công trình nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân”.
Là địa phương sản xuất lúa hàng hóa, mỗi năm, xã Phú Cường gieo sạ hơn 7.000 ha lúa và rau màu các loại, sản lượng thu hoạch hơn 252.000 tấn. Ngoài hai tuyến kinh chính là kinh Nguyễn Văn Tiếp và kinh Bang Dày, xã Phú Cường còn có hệ thống kinh, rạch lớn nhỏ với tổng chiều dài trên 53 km.
Chủ động bảo vệ sản xuất nông nghiệp, Ban lãnh đạo 7 ấp tập trung tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên kiểm tra hệ thống đê bao, nạo vét các tuyến kinh dẫn nước tưới tiêu cho đồng ruộng.
Các công trình thủy lợi hoàn thiện tạo điều kiện cho người dân an tâm phát triển sản xuất. Năm 2023 và các tháng đầu năm 2024, xã Phú Cường nạo vét 5 tuyến kinh với tổng chiều dài hơn 10 km, kinh phí gần 1 tỷ đồng từ ngân sách huyện.
Canh tác hơn 1 ha lúa, ông Võ Ngọc Vinh (ấp 3, xã Phú Cường) cho biết: “Khi nhà nước đầu tư hệ thống đê bao thủy lợi, gia đình tôi cũng như các hộ dân nơi đây rất an tâm phát triển sản xuất. Các tuyến kinh rạch thường xuyên được nạo vét, đảm bảo nước tưới cho đồng ruộng và chống ngập úng khi mưa bão, triều cường”.
Huyện Cai Lậy có hơn 15.700 ha vườn cây ăn trái, diện tích sản xuất lúa, rau màu mỗi năm hơn 21.300 ha nên hệ thống thủy lợi có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Toàn huyện có 277 tuyến kinh với tổng chiều dài hơn 346 km, 138 cống do Công ty TNHH Một Thành viên khai thác công trình Thủy lợi Tiền Giang, UBND huyện và 16 xã, thị trấn quản lý, điều tiết nước phục vụ sản xuất và dân sinh.
Hằng năm, huyện Cai Lậy đều có kế hoạch nạo vét, trục vớt lục bình, khơi thông dòng chảy... đảm bảo lòng sông, kinh, rạch trên địa bàn huyện thông thoáng, không gây ách tắc dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước.
Nhờ chú trọng đầu tư nên đến nay hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn huyện khá hoàn chỉnh, góp phần phục vụ sản xuất cho các vùng cây ăn trái tập trung và sản xuất lúa. Đồng thời, tạo thuận lợi cho nông dân xử lý nghịch vụ, rải vụ, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, góp phần cải tạo môi trường cũng như đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai.
Để các công trình thủy lợi phát huy hiệu quả, huyện Cai Lậy sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, vận hành các công trình, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai. Đồng thời tiếp tục rà soát hệ thống cống, kinh, rạch để có kế hoạch đầu tư nạo vét, nâng cấp, bảo đảm an toàn sản xuất nông nghiệp.
TRƯỜNG GIANG