.

Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản

Cập nhật: 09:39, 09/09/2024 (GMT+7)

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, tỉnh Tiền Giang luôn chú trọng xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Điều này đã được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách hỗ trợ. Phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Võ Văn Lập về việc triển khai các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

* PV: Trước hết, xin đồng chí cho biết kết quả triển khai thực hiện Nghị định 98/2018 của Chính phủ và Nghị quyết 07/2019 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

* Đồng chí Võ Văn Lập: Thực hiện Kế hoạch 372 ngày 10-12-2021 của UBND tỉnh về Kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ giai đoạn 2021 - 2025, hiện tỉnh có 97 danh mục dự án/kế hoạch liên kết được phê duyệt.

Trong đó, có 1 dự án cấp tỉnh phê duyệt, còn lại là các dự án/kế hoạch do cấp huyện phê duyệt. Kết quả, đến nay, toàn tỉnh có 16 dự án và 20 kế hoạch liên kết được phê duyệt triển khai với tổng kinh phí thực hiện hơn 154,7 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 24,1 tỷ đồng. Cụ thể, trên cây lúa có 19 dự án/kế hoạch; rau 6 dự án/kế hoạch; chăn nuôi 4 dự án/kế hoạch; trái cây 7 dự án/kế hoạch.

* PV: Qua quá trình triển khai, các chính sách hỗ trợ đã tác động như thế nào đối với việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp?

* Đồng chí Võ Văn Lập: Khi tham gia dự án/kế hoạch liên kết, các bên sẽ được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về tư vấn lập dự án/kế hoạch. Đồng thời, được hỗ trợ về hạ tầng máy móc trang thiết bị, xây dựng mô hình khuyến nông, giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm; ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ. Trên cơ sở đó, các bên tham gia liên kết có trách nhiệm hơn trong thực hiện và có tiềm lực để xây dựng và phát triển mối liên kết được bền chặt.

Về hiệu quả kinh tế, doanh nghiệp, HTX tham gia sẽ có được nguồn cung ứng nguyên liệu ổn định, chất lượng; giải quyết đầu ra sản phẩm cho nông dân thông qua các hợp đồng liên kết, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Về hiệu quả xã hội, sẽ tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, nguồn gốc rõ ràng cho người tiêu dùng, tạo việc làm cho người lao động. Việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp giúp hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường.

Theo đồng chí Võ Văn Lập, hiện việc triển khai các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng còn gặp một số khó khăn.

Cụ thể, các chủ thể liên kết là các HTX hoạt động còn nhiều hạn chế. Các chủ thể chưa nắm rõ các nội dung chính sách hỗ trợ, cũng như trình tự hồ sơ, thủ tục triển khai và thanh quyết toán. Do đó, việc phối hợp với đơn vị tư vấn để xây dựng dự án/kế hoạch còn rất chậm và trong công tác triển khai quyết toán cũng còn gặp nhiều vướng mắc.

Tiến độ xây dựng, phê duyệt các dự án/kế hoạch liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chậm. Nguyên nhân do quy định tại khoản 13 Điều 4 Thông tư 55/2023 ngày 15-8-2023 của Bộ Tài chính: “Chi phí lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất” được tính trong kinh phí thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất hoặc kinh phí thường xuyên của cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện; không vượt quá 5% tổng kinh phí được giao để thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất.

Qua thực tế rà soát, các chi phí tư vấn lập các dự án/kế hoạch liên kết đang xây dựng, không vượt quá 300 triệu đồng, nhưng đều vượt 5% tổng kinh phí ngân sách được giao.

Do đó, các địa phương đang gặp khó khăn trong thẩm định phê duyệt nội dung hỗ trợ này, ảnh hướng đến tiến độ chậm phê duyệt, triển khai thực hiện các dự án/kế hoạch liên kết tiêu thụ nông sản. Các đơn vị tư vấn ngoài tỉnh thì không thực hiện được cho kinh phí tư vấn 5%/tổng ngân sách hỗ trợ quá thấp.

Trong quá trình thực hiện có xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng của một số hộ tham gia liên kết. Các dự án/kế hoạch khi triển khai vướng các quy định về đấu thầu mua sắm.

Khi thực hiện thủ tục đấu thầu thì các bên tham gia liên kết không còn như lúc đầu viết dự án, phải điều chỉnh dự án/kế hoạch. Đối với nội dung hỗ trợ đầu tư hạ tầng khó thực hiện do chi phí đối ứng cao (70%) và liên quan đến các thủ tục đầu tư công rất phức tạp, khó triển khai…

* PV: Xin đồng chí cho biết một số mô hình liên kết hiệu quả trên địa bàn tỉnh?

* Đồng chí Võ Văn Lập: Hiện trên địa bàn tỉnh đang có một số mô hình liên kết sản xuất hiệu quả. Cụ thể, mô hình liên kết giữa Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Mỹ Quới với Công ty TNHH Phước Lộc Thiên Hộ (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè) sản xuất lúa với quy mô liên kết 200 - 300 ha/năm.

Mô hình sản xuất lúa an toàn theo hướng hữu cơ, tham gia dự án lúa ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Hiện 2 sản phẩm gạo ST24, Nàng hoa 9 của HTX liên kết với doanh nghiệp sản xuất được thẩm định công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

Kế hoạch liên kết tiêu thụ lúa của HTX Nông nghiệp Hưng Hòa (xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây) quy mô 34,97 ha, với 56 hộ tham gia. Kế hoạch được xây dựng theo chuỗi giá trị từ cung ứng giống, vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ lúa cho thành viên. Việc triển khai kế hoạch liên kết giúp thành viên HTX sản xuất, tiêu thụ được ổn định, giảm chi phí sản xuất và nâng cao được thu nhập.

Cụ thể, HTX liên kết với Trung tâm Khuyến nông và DVNN tỉnh để cung ứng giống, liên kết với hộ kinh doanh Năm Tài để thực hiện cung ứng vật tư. Trong sản xuất, HTX tổ chức thành viên sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Về đầu ra, HTX liên kết với Công ty TNHH Vinh Hiển để tiêu thụ lúa ổn định cho thành viên.

Mô hình liên kết rau của HTX Rau an toàn Tân Đông (xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông), HTX DVNN Phú Quới (xã Yên Luông), HTX Rau an toàn Thạnh Hưng (xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây); các HTX liên kết với thành viên sản xuất rau theo hướng an toàn, được chứng nhận VietGAP, sản lượng 3 - 4 tấn/ngày, thị trường tiêu thụ tại các siêu thị, nhà hàng và xuất khẩu sang Nhật và các nước châu Âu...

* PV: Để các chính sách hỗ trợ ngày càng lan tỏa và phát huy hiệu quả, ngành Nông nghiệp sẽ triển khai những công việc, giải pháp cụ thể gì?

HTX DVNN  Phú Quới liên kết với thành viên sản xuất rau theo hướng an toàn, được chứng nhận VietGAP.
HTX DVNN Phú Quới liên kết với thành viên sản xuất rau theo hướng an toàn, được chứng nhận VietGAP.

* Đồng chí Võ Văn Lập: Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch 372 và Công văn 354 ngày 6-2-2023 của UBND tỉnh điều chỉnh bổ sung, không thực hiện danh mục dự án/kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để cho cán bộ cơ sở và người dân hiểu rõ vai trò, ý nghĩa, lợi ích lâu dài của việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, nâng cao nhận thức về tinh thần hợp tác.

Về tổ chức sản xuất, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp để nâng cao năng lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, giúp các HTX có đủ khả năng thực hiện tốt vai trò kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp (DN) trong liên kết tiêu thụ như chính sách hỗ trợ về hạ tầng, cán bộ trẻ, đào tạo, bồi dưỡng.

Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục thu hút các DN đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, đạt chất lượng, có thể  truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tham gia liên kết tiêu thụ theo chuỗi từ đầu vào đến đầu ra.

Một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao cho cánh đồng liên kết sản xuất; đặc biệt là thiết kế lại đồng ruộng để thuận lợi cho cơ giới hóa, hoàn thiện thủy lợi nội đồng, trạm bơm điện, nâng cấp giao thông, hỗ trợ nông dân mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch.

Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm cho các sản phẩm có tham gia liên kết như: Trưng bày, quảng bá sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, hỗ trợ tham gia hoạt động số hóa, chống giả và quảng bá sản phẩm OCOP trên hệ thống Blockchain…

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả việc triển khai các dự án/kế hoạch liên kết đang thực hiện.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

ANH THƯ - H. THÔNG - T.T


 

.
.
.