.

Thiệt hại tài sản do bão số 3 ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng

Cập nhật: 21:05, 15/09/2024 (GMT+7)

Bộ KH-ĐT ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng.

Cụ thể, Bộ KH-ĐT cho biết, bão số 3 và ảnh hưởng sau bão gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân và Nhà nước tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng.

Thông tin trên được Bộ KH-ĐT báo cáo tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, ngày 15-9.

a
Ngập lụt trên diện rộng ở các tỉnh phía Bắc

Trong đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp III trở lên; trên 262.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gãy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gãy đổ.

Nhiều tuyến đường bị ngập lụt, hư hại, khiến hoạt động lưu thông (nhất là đường bộ và đường sắt) bị đình trệ cục bộ.

Các trang trại, hộ trồng lúa, hoa màu; hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại hầu hết các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3, cả ở khu vực ven biển, đô thị, giáp ranh đô thị, nông thôn, miền núi… là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất, cần nhiều nguồn lực, thời gian để tái đàn, tái vụ, tái sản xuất.

Đặc biệt, bão lũ xảy ra khi miền Bắc đang trong thời gian gieo trồng vụ mùa, chưa bước vào thời điểm thu hoạch.

Hầu hết các cơ sở lưu trú ở TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, các huyện Vân Đồn và Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) bị hư hỏng nặng nề; sơ bộ đã có 27 tàu du lịch và 4 tàu chuyển tải bị đắm; văn phòng trụ sở làm việc, đón tiếp khách tại các cảng biển phục vụ khách du lịch bị hư hỏng.

Điểm du lịch Cát Cát (Sa Pa, tỉnh Lào Cai) ghi nhận tình trạng sạt lở. Một số điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp tại các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng bị ảnh hưởng nghiêm trọng…

a
Cô Tô tan hoang sau cơn bão

Nhiều cơ sở du lịch, lưu trú bị hư hỏng, phải đóng cửa để sửa chữa. Do đó, miền Bắc sẽ bỏ lỡ mùa khách du lịch quốc tế (từ tháng 9-2024 đến tháng 4-2025) và cũng có thể không thu hút được khách trong nước, đặc biệt là các địa điểm du lịch trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang…

Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xây dựng cũng bị tác động của cơn bão, nhất là tác động gián tiếp khi bị mất điện, thông tin liên lạc, lao động và gia đình người lao động bị ảnh hưởng.

Để hạn chế thiệt hại cho các doanh nghiệp, khắc phục thiệt hại, các địa phương đã nỗ lực, cố gắng sớm bảo đảm cung ứng đủ điện, nước, kết nối viễn thông để doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất trở lại ngay khi tình hình thời tiết thuận lợi hơn.
 

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, sơ bộ tại 20/26 tỉnh, thành phố, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng là khoảng 80.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 5% dư nợ trên địa bàn).

Trong đó, tại Quảng Ninh và Hải Phòng có 11.700 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ khoảng 23.100 tỷ đồng.

Bộ KH-ĐT thông tin, các vấn đề xã hội, nhất là y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch nông thôn, nước sạch đô thị, lao động việc làm, đời sống người dân… cần đặc biệt được quan tâm, ưu tiên nguồn lực và triển khai nhanh sau bão, lũ lụt, không để phát sinh dịch bệnh, tránh gây tác động cộng hưởng đến đời sống người dân.

Bộ này dự báo, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương chậm lại. Tăng trưởng GDP quý 3 của cả nước có thể giảm 0,35%; quý 4 giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Ước cả năm 2024, GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản (ước tăng trưởng có thể đạt 6,8% - 7%). Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, so với kịch bản tăng trưởng GRDP ước tính lần 1 cho địa phương tại thời điểm tháng 7-2024, suy giảm tăng trưởng cả năm 2024 của Hà Nội là 0,2%; Hải Phòng là 0,63%; Quảng Ninh là 0,65%; Cao Bằng là 0,51%; Lào Cai là 0,63%; Tuyên Quang là 0,5%; Yên Bái là 0,53%; Thái Nguyên là 0,59%.

Trong số các bài học kinh nghiệm chỉ ra sau cơn bão, Bộ KH-ĐT cho rằng, phát triển hạ tầng phải gắn liền với công tác phòng, chống thiên tai; cần đánh giá, dự báo đầy đủ các yếu tố về địa chất, dòng chảy… có khả năng bị ảnh hưởng trong quá trình xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, để đưa ra các giải pháp phù hợp, kịp thời, nhằm bảo vệ môi trường khi tiến hành triển khai dự án.

Tại cuộc họp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu khắc phục hậu quả siêu bão số 3 có hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân về tinh thần và vật chất; khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%.

Cùng với đó, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển

Theo sggp.org.vn


 

.
.
.