.

Huyện Gò Công Đông: Giảm nghèo là mục tiêu, giải pháp để xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 14:22, 14/09/2024 (GMT+7)

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững trong xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đã tập trung huy động mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; đẩy mạnh đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, giúp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để vươn lên thoát nghèo bền vững, phát triển kinh tế.

XÂY DỰNG NTM GẮN VỚI GIẢM NGHÈO

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, huyện Gò Công Đông luôn xác định giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, quá trình thực hiện gắn chặt với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Theo đó, huyện đã triển khai đồng bộ các chính sách, dự án giảm nghèo như chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm; chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân khó khăn... Từ đó, giúp người nghèo từng bước nâng cao thu nhập, được tiếp cận với các dịch vụ xã hội tốt hơn.

Huyện Gò Công Đông thực hiện xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Ảnh: M. THÀNH
Huyện Gò Công Đông thực hiện xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Ảnh: M. THÀNH

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, các tổ thành viên, các ban, ngành từ huyện đến xã, thị trấn, ấp, khu phố đã vận động 11.194 phần quà, tổng giá trị trên 4,4 tỷ đồng, trong đó đã hỗ trợ cho hộ nghèo 1.242 phần, hộ cận nghèo 2.268 phần, hộ chính sách khó khăn 1.641 phần, hộ có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, hộ mới thoát nghèo 6.043 phần. Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã quan tâm hỗ trợ 700 phần quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, với tổng giá trị 290 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Lê Hồng Tâm cho biết: Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiều hộ nghèo, cận nghèo tại huyện Gò Công Đông được thụ hưởng các chính sách, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, cộng đồng, xã hội đã vươn lên thoát nghèo. Trên địa bàn huyện có 314 hộ nghèo, chiếm 0,81% tổng số hộ dân; 870 hộ cận nghèo, chiếm 2,25% tổng số hộ dân trên địa bàn huyện.

Đến nay, 11/11 xã của huyện Gò Công Đông giữ vững danh hiệu đạt chuẩn NTM, xây dựng 7/11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2/2 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị và huyện Gò Công Đông đạt chuẩn NTM. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; kinh tế - xã hội ngày càng phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.

Trong quá trình thực hiện tiêu chí giảm nghèo gắn với xây dựng NTM và NTM nâng cao, huyện luôn xác định triển khai với tâm thế không nóng vội, bền vững. Huyện chú trọng vận động và hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời, các đoàn thể đã tích cực phát động các phong trào thi đua để giúp hội viên tham gia, như: Phong trào hội viên phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, giúp nhau thoát nghèo bền vững.

TẠO SINH KẾ HỖ TRỢ NGƯỜI NGHÈO VƯƠN LÊN

Với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn, đồng thời hoàn thành tiêu chí Hộ nghèo trong xây dựng NTM,  NTM nâng cao, huyện luôn quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Huyện Gò Công Đông tổ chức các lớp truyền thông Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững cho người dân.
Huyện Gò Công Đông tổ chức các lớp truyền thông Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững cho người dân.

Hằng năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trên địa bàn đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người nghèo, hội viên nghèo với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực như: Hỗ trợ cây, con giống, kinh nghiệm sản xuất; hỗ trợ xây, sửa nhà…

Theo Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Gò Công Đông Trương Văn Sạch cho biết, với mục tiêu tạo sinh kế và bảo đảm đúng nhu cầu, phù hợp với thực tiễn điều kiện sản xuất, điều kiện lao động..., bước đầu các dự án hỗ trợ giảm nghèo đã phát huy hiệu quả.

Cụ thể, đơn vị phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đi làm việc trong và ngoài nước tại các xã, thị trấn; tổ chức tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài…

Trong năm 2023, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện Dự án mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng (hỗ trợ nuôi dê sinh sản) với 11 dự án thực hiện tại 11 xã. Bên cạnh được hỗ trợ con giống, người dân còn được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi...

Hằng năm, UBND huyện giao các phòng, ban chuyên môn chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn và đơn vị đào tạo, giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh; tuyên truyền, tổ chức lồng ghép với các hoạt động tại địa phương để tuyên truyền, hướng nghiệp, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm đến người dân trên địa bàn. Nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dự kiến tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2024 của huyện còn 0,71% (275 hộ nghèo).

Xác định giảm nghèo bền vững vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chủ động và tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nỗ lực giảm nghèo.

Đồng thời, lồng ghép các nguồn vốn từ các đề án, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo nghề... để đạt các tiêu chí NTM làm cơ sở cho việc giảm nghèo. Cùng với đó là tăng cường huy động các nguồn lực để hỗ trợ các hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo là phụ nữ đơn thân để giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

SONG AN - T.T

.
.
.